Người bệnh sử dụng phải thuốc giả cần được bồi thường

Thay đổi cách tiếp cận đối với việc kê khai giá thuốc

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, trong trường hợp nêu trên, Nhà nước phải chịu trách nhiệm. Đồng thời chịu trách nhiệm khi người dân phải tự mua thuốc ngoài do cơ sở y tế thiếu thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế, hoặc cơ sở y tế thiếu vắc xin trong khi chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Người bệnh sử dụng phải thuốc giả cần được bồi thường
Nhiều ý kiến cho rằng, cần thực hiện nghiêm việc quản lý giá thuốc. (Ảnh: Minh Khuê)

Liên quan đến phân phối thuốc, bà Lan cho biết có sự bùng nổ gia tăng số lượng các công ty phân phối, bán buôn và nhà thuốc bán lẻ. Từ khi có Luật Dược 2016 đến nay số doanh nghiệp bán buôn đã tăng từ 3.140 lên 5.170, số nhà thuốc từ 39.200 lên 67.000.

Như vậy, một nhà thuốc thì thay vì phục vụ cho 2.217 người dân (năm 2016) thì bây giờ chỉ còn 1.564 người, trong khi đối với quốc tế thì một nhà thuốc phục vụ cho 4.182 người.

“Điều này tôi nghĩ không nên chỉ đánh giá tích cực là chúng ta được tăng khả năng tiếp cận với thuốc, nói một cách đơn giản là dễ mua thuốc. Thực ra vấn đề này dẫn đến là khi nhiều công ty bán buôn tăng chi phí trung gian, khó về kiểm soát giá thuốc, trong khi cơ chế hậu kiểm và bộ máy thanh tra vẫn như cũ và các nhà thuốc cũng vậy, lợi nhuận giảm thì bắt buộc sẽ phải có những chiêu trò cạnh tranh và bỏ qua chuyện kê đơn bác sĩ.

Cho nên, hiện nay có tình trạng muốn mua gì ở nhà thuốc cũng được, phớt lờ tất cả những quy tắc về thực hành tốt nhà thuốc”, bà Lan cho biết.

Vì vậy, bà Lan đề nghị phải có những quy định, ví dụ như tái lập điều kiện khoảng cách giữa các nhà thuốc để cho những nhà thuốc được phân bổ một cách hợp lý hơn, tránh tình trạng tập trung quá nhiều ở một số chỗ và vùng sâu, vùng xa thì vẫn không có.

Đồng thời, bổ sung điều kiện cư trú của dược sĩ, tránh tình trạng một dược sĩ có chứng chỉ hành nghề có thể mở nhà thuốc ở bất cứ nơi nào trong khi rất nghịch lý là đang làm việc phục vụ ở một đơn vị khác và cho thuê bằng. Bên cạnh đó, cần công khai giấy phép tại nhà thuốc và phải giải quyết tình trạng mua bán lòng vòng qua nhiều tầng nấc trung gian dẫn đến tăng giá thuốc.

Cũng liên quan đến giá thuốc, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà cho rằng, dự thảo Luật quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp nhận việc kê khai giá thuốc của cơ sở bán lẻ. Với quy mô các cơ sở bán lẻ trên địa bàn thành phố như Hà Nội với gần 8.000 cơ sở, quy định này tạo thêm nhiều trách nhiệm, khối lượng công việc rất lớn cho chính quyền địa phương.

Mặt khác, theo quy định tại Luật Dược năm 2016, Bộ Y tế tổ chức tiếp nhận và rà soát giá thuốc nhập khẩu, giá thuốc sản xuất trong nước. Chính việc rà soát chặt chẽ giá kê khai trước khi đưa thuốc ra thị trường đã giúp giá thuốc được kiểm soát tốt, thị trường dược phẩm cơ bản được bình ổn, hầu như không có hiện tượng tăng giá đột biến, đúng như nhận định tại Tờ trình của Chính phủ.

“Tuy nhiên, theo dự thảo Luật sửa đổi, Bộ Y tế sẽ chỉ thực hiện tiếp nhận và công bố giá bán buôn dự kiến. Quy định không thực hiện rà soát, kê khai giá làm giảm chức năng quản lý nhà nước về giá thuốc, trong khi việc thực hiện công bố lại là không cần thiết, phát sinh các thủ tục hành chính”, bà Trần Thị Nhị Hà phân tích.

Đưa chuyển đổi số vào trong quản lý giá thuốc

Đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Đoàn tỉnh Thái Nguyên) nhìn nhận, người Việt Nam thường quan điểm mặc cả với giá thuốc là mặc cả với sức khỏe của chính mình. Cho nên tất cả những người đi mua thuốc không bao giờ mặc cả, trong khi việc quản lý giá thuốc còn rất lỏng lẻo. “Người dân đi mua thuốc có thể bị đội giá lên rất nhiều, trong giai đoạn hiện nay chúng ta có chuyển đổi số, phải đưa chuyển đổi số vào trong quản lý giá thuốc đối với các nhà thuốc trong và ngoài bệnh viện”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng góp ý, dự thảo Luật chưa làm rõ được mô hình, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về dược. Các quy định còn rất chung chung, chỉ nêu ở trung ương là Bộ Y tế và ở địa phương là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị quy định cụ thể mô hình, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về dược. Mặt khác, chưa có quy định điều chỉnh, quản lý giá thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để bảo vệ quyền lợi của người bệnh. Vì vậy, cần bổ sung quy định về quản lý giá thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo Ủy ban Xã hội, quy định trách nhiệm của cơ sở sản xuất thuốc và cơ sở nhập khẩu thuốc trong việc kê khai lần đầu, kê khai lại giá bán buôn thuốc dự kiến chưa phù hợp với Luật Giá. Khẳng định thuốc là mặt hàng đặc thù ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, trong nhiều quan hệ mua bán thuốc có sự bất cân xứng về thông tin, hiểu biết về thuốc và giá thuốc giữa người tiêu dùng và người bán, Ủy ban Xã hội cho rằng cần bảo đảm vai trò quản lý và tham gia điều tiết của Nhà nước, giá thuốc cần được kiểm soát để hạn chế việc tăng giá qua mỗi khâu trung gian, từ cơ sở sản xuất đến cơ sở kinh doanh dược và đến tay người tiêu dùng.

Phát biểu giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, quản lý giá bán buôn thuốc đã được quy định ở trong Luật Dược năm 2016. Điều này cũng đã góp phần tránh việc mua bán lòng vòng qua rất nhiều các tầng lớp trung gian trong thời gian vừa qua. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu để giải trình thêm hoặc bổ sung thêm ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để làm sao đạt được cả vấn đề quản lý giá theo Luật Giá cũng như là quản lý để tránh việc tăng giá thuốc trong thực tiễn.

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích