Ngược dòng thị trường, nhóm cổ phiếu chứng khoán đồng loạt tăng trần
Sau khi VN-Index giảm hơn 45 điểm phiên cuối tuần qua (20/8), mở cửa phiên đầu tuần (23/8), chỉ số này tiếp tục lao dốc và sắc đỏ lan rộng ra các nhóm như: ngân hàng, dầu khí, thép… Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu chứng khoán có diễn biến ngược dòng thị trường khi đồng loạt tăng trần.
Nhà đầu tư theo dõi bảng giá chứng khoán tại sàn HOSE. Ảnh minh họa: Hứa Chung/TTXVN |
Cụ thể, các mã cổ phiếu AGR, APG, BMS, DSC, EVS, SHS, TCS, TVS, SHS, VIG, WSS, VFS đều tăng lên mức giá trần. Các mã cổ phiếu trụ cột trong nhóm như: như SSI, VND, VDS, MBS, HCM, CTS, FTS… có mức tăng rất mạnh, nhiều mã tăng lên sát giá trần. Đặc biệt, tại nhóm cổ phiếu này không còn mã nào ở chiều giá đỏ.
Thực tế, thị trường diễn biến sôi động với thanh khoản tăng cao đang tạo động lực lớn giúp các công ty chứng khoán tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.
Cuối tuần trước (phiên 20/8), thanh khoản đã vượt 2,1 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của thị trường chứng khoán.
Ở chiều giảm giá, nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến rất tiêu cực. Trong nhóm này chỉ còn 2 mã tăng giá là CTG và NVB. Tất cả 25 mã cổ phiếu ngân hàng còn lại đều chìm sâu trong sắc đỏ; trong đó, hầu hết các mã có mức giảm giá từ 2% trở lên.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng ngập trong sắc đỏ. Cụ thể, BSR, OIL, PLX, PVB, PVD, PVC, PVS có mức giảm từ 1,5 – 5,5%. Nhóm cổ phiếu ngành thép đồng loạt giảm giá với HPG, HSG, POM, SMC, TLH, VIS… đều ở chiều giá đỏ.
Các mã cổ phiếu vốn hóa lớn đứng đầu các ngành như: VIC, VRE, VNM, SAB, MSN, MWG, KDH, GAS, FPT, BVH, VJC… có mức giảm sâu đã tạo áp lực giảm điểm rất lớn lên thị trường chung. Hầu hết các nhóm ngành như cao su, bất động sản, vật liệu xây dựng, vận tải, thực phẩm… cũng đều ở chiều giảm giá.
Về diễn biến khối ngoại, khối này bán ròng 157,64 tỷ đồng trên HOSE, trong khi mua ròng hơn 17 tỷ đồng trên HNX và hơn 9,4 tỷ đồng trên thị trường UPCOM.
Cuối phiên sáng 23/8, VN-Index giảm 18,08 điểm xuống 1.311,35 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 430,2 triệu đơn vị, tương ứng gần 14.155 tỷ đồng. Toàn sàn có 98 mã tăng giá, trong khi có tới 282 mã giảm giá và 25 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 0,91 điểm xuống 337,15 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 110,2 triệu đơn vị, tương ứng gần 2.686 tỷ đồng. Toàn sàn có 76 mã tăng giá, 124 mã giảm giá và 168 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 1,34 điểm xuống 91,36 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 63,1 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.094 tỷ đồng. Toàn sàn có 91 mã tăng giá, 159 mã giảm giá và 652 mã đứng giá.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục giảm mạnh trong khi các thị trường chứng khoán khác tại châu Á lại phục hồi phiên sáng 23/8, sau khi giảm mạnh trong tuần trước do những lo ngại về tình hình dịch COVID-19 chưa có nhiều dấu hiệu giảm bớt và dòng tiền tìm đến các tài sản an toàn đã nâng giá đồng USD lên trước khi chính sách tiền tệ của Mỹ được cập nhật.
Trong 15 phút giao dịch đầu tiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 329 điểm so với phiên cuối tuần trước lên 27.342,25 điểm.
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 246,41 điểm lên 25.096,13 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 13,15 điểm lên 3.440,49 điểm.
Nguồn: Báo xây dựng