Ngược chiều giá vàng giảm, lãi suất ngân hàng tiếp đà tăng

Thị trường vẫn đang “quay cuồng” cùng cơn sốt giá vàng bất chấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai bán vàng bình ổn thị trường trực tiếp tới người dân thông qua 4 “ông lớn” ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank.

Động thái can thiệp mạnh tay này đã khiến giá vàng SJC trong nước giảm rất mạnh tới 15 triệu đồng mỗi lượng so với mức đỉnh giá tháng 5/2024 (hơn 92 triệu đồng/lượng), đồng thời co hẹp khoảng cách với vàng thế giới xuống 7 triệu đồng mỗi lượng. Thế nhưng, nhu cầu mua tích trữ vàng của người dân vẫn đang rất lớn, và từ ngày 3/6 đến nay, người dân vẫn đổ xô tới các ngân hàng xếp hàng để mua vàng, khiến cho các điểm giao dịch nhanh chóng thông báo hết vàng.  

Trái ngược với xu hướng giảm sâu của giá vàng, trên thị trường lãi suất, từ tháng 4, các ngân hàng đang bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất huy động với mức tăng từ 0,1-0,5%/năm ở các kỳ hạn. Trước đó, một số nhà băng đã tăng lãi suất ngay từ sau Tết nguyên đán để huy động vốn dễ dàng hơn.

ngan hang vnd
Ngược chiều giá vàng giảm, lãi suất ngân hàng tiếp đà tăng

Theo khảo sát trên biểu niêm yết lãi của các ngân hàng khối quốc doanh, Vietcombank đã công bố biểu lãi suất tiết kiệm mới dao động từ 1,6 – 4,7%/năm cho các kỳ hạn từ 1- 36 tháng.  Mức lãi suất hiện nay tăng thêm 0,1-0,2 % so với thời điểm đầu năm nay.

Riêng với các kỳ hạn 6 tháng trở lên, Vietcombank vẫn duy trì lãi suất ổn định ở mức 2,9%/năm (kỳ hạn 6 tháng), ở mức 4,6%/năm với kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên.

lai suat Vietcombank 6-6-24
Biểu niêm yết lãi suất huy động của Vietcombank ngày 6/6/2024

Tại BIDV và VietinBank, hai ngân hàng đang áp dụng biểu lãi suất huy động từ cá nhân và tổ chức tương tự nhau. Theo đó, lãi suất tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân trong khoảng 2 – 4,7%/năm với kỳ hạn 1 tháng đến 18 tháng, hình thức lĩnh lãi cuối kỳ.

Hai nhà băng cùng áp dụng mức lãi suất huy động cho kỳ hạn từ 24 tháng đến 36 tháng lần lượt là 4,8%/năm và 5%/năm. Mức lãi suất này có sự điều chỉnh tăng thêm 0,1-0,2 % /năm so với đầu năm.

Trog khi đó, Agribank tiếp tục duy trì ổn định khung lãi suất tiết kiệm đối với các khoản tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân trong tháng này. Hiện tại, lãi suất gửi tiền với kỳ hạn từ 1 tháng đến 24 tháng niêm yết ở mức từ 1,6 – 4,7%/năm, lĩnh lãi cuối kỳ.

Có thể thấy, trong nhóm ngân hàng Big4, lãi suất huy động của VietinBank đang cao nhất ở kỳ hạn từ 24-36 tháng là mức 5%/năm.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, từ sáng 5/6, TPBank đã điều chỉnh tăng 0,23%/năm với lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng, tăng 0,1%/năm ở các kỳ hạn còn lại. Với hình thức gửi tiền trực tuyến, nhà băng này áp dụng mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng là 3,2%/năm, kỳ hạn 3 tháng 3,4%/năm, kỳ hạn 6 tháng 4,3%/năm, kỳ hạn 12 tháng 5%/năm và cao nhất là 5,7%/năm với kỳ hạn 18 tháng.

Cùng thời điểm, ngân hàng VIB đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động đối với cả hai hình thức tiết kiệm tại quầy và tiết kiệm online. Hiện, ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất cao nhất là 5,1%/năm cho các khoản tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 24 tháng đến 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.

Trước đó, ngay từ tháng 5 đã có khoảng 20 ngân hàng tăng lãi suất trong tháng 5, với một số nhà băng điều chỉnh tăng 2 – 3 lần.

Theo phân tích của các chuyên gia, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp đều giảm mạnh trong những tháng đầu năm. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng cũng đã bắt đầu phục hồi và nhu cầu vốn cho mùa kinh doanh cuối năm 2024, khiến cho nhiều ngân hàng phải đẩy tăng lãi suất huy động sớm hơn nhằm đảm bảo thanh khoản, cân đối nguồn vốn cho vay.

Dự báo, lãi suất huy động có xu hướng tăng cao trong nửa cuối năm, nhưng việc điều chỉnh sẽ ở mức độ phù hợp theo diễn biến thị trường và có tính hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh.   

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích