Ngừng sử dụng than đá – thách thức lớn tại hội nghị COP26
Ngừng sử dụng than đá – thách thức lớn tại hội nghị COP26
Tại châu Á, nơi chiếm 60% dân số thế giới và khoảng một nửa hoạt động chế tạo của toàn cầu, lượng than đá sử dụng còn đang tăng lên, thay vì giảm xuống, để đáp ứng nhu cầu năng lượng đang bùng nổ.
Việc sử dụng than đá là một trong những vấn đề gây chia rẽ giữa các nước phát triển và đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Nhiều nước phát triển đã và đang đóng cửa nhiều nhà máy than đá suốt nhiều năm nay để giảm lượng khí thải. Riêng Mỹ đã đóng đến 301 nhà máy kể từ năm 2000.
Nhưng tại châu Á, nơi chiếm 60% dân số thế giới và khoảng một nửa hoạt động chế tạo của toàn cầu, lượng than đá sử dụng còn đang tăng lên, thay vì giảm xuống, để đáp ứng nhu cầu năng lượng đang bùng nổ.
Theo số liệu từ tổ chức Theo dõi khí hậu toàn cầu (GEM), hơn 90% trong số 195 nhà máy than đá đang được xây dựng trên toàn thế giới nằm ở châu Á.
Dù sản lượng năng lượng tái tạo đã tăng mạnh, nhưng nền kinh tế toàn cầu vẫn phụ thuộc vào than đá để sản xuất điện.
Tại châu Á, tỷ trọng than đá trong hỗn hợp năng lượng cao gấp đôi mức trung bình toàn cầu, đặc biệt ở những nền kinh tế đang phát triển mạnh như Ấn Độ.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với hãng tin Reuters, Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Rameshwar Prasad Gupta cho biết nước này đang hướng đến mục tiêu giảm tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và vì thế việc sử dụng than đá cũng sẽ giảm xuống, nhưng không thể loại bỏ.
Trên khắp Ấn Độ, 281 nhà máy than đá đang hoạt động và ngoài 28 nhà máy đang xây dựng thì còn có 23 nhà máy khác đang trong giai đoạn chuẩn bị khởi công, theo số liệu của GEM.
Còn tại Trung Quốc, hơn 1.000 nhà máy than đá đang hoạt động, gần 240 nhà máy đã có kế hoạch xây dựng hoặc đang trong quá trình xây dựng.
Các nhà máy than đá ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ thải ra tổng cộng 170 tỷ tấn carbon trong vòng đời của mình, cao hơn cả tổng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu từ năm 2016-2020, theo báo cáo “Đánh giá thống kê năng lượng thế giới” của Tập đoàn BP.
Dù cũng là nước có năng lực sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, Trung Quốc hiện đang rơi vào tình trạng thiếu năng lượng trầm trọng và đã phải hối thúc các công ty khai thác than đá gia tăng sản lượng. Điều này có thể sẽ làm gia tăng lượng than đá tiêu thụ trong ngắn hạn, dù Trung Quốc dự định cắt giảm sử dụng than đá từ năm 2026.
Kể cả ở các nền kinh tế cam kết mạnh mẽ trong việc cắt giảm khí thải, than đá vẫn được sử dụng rộng rãi. Nhật Bản, với ngành năng lượng hạt nhân rơi vào khủng hoảng kể từ thảm họa Fukushima, đã chuyển sang than đá để thay thế và đang xây dựng mới bảy nhà máy điện than lớn.
Còn với Australia, than đá là nguồn thu quan trọng – 18 tỷ USD trong tài khóa hiện tại, nhưng đồng thời cũng là nguồn cơn gây mâu thuẫn với các nước đồng minh kêu gọi nước này cắt giảm mạnh khí thải.
Bộ trưởng Tài nguyên Australia Keith Pitt cho biết nhu cầu với than đá sẽ còn kéo dài trong hàng chục năm, đồng thời nói rõ rằng nước này sẽ không bị lung lay bởi áp lực cắt giảm ngành này từ các ngân hàng, các cơ quan quản lý và nhà đầu tư.
Tổng lượng than đá tiêu thụ trên toàn cầu được dự đoán sẽ gia tăng, do việc tăng cường sử dụng than đá tại Nam Á và Đông Nam Á, nơi các dự án đang trong quá trình xây dựng sẽ nâng công suất tiêu thụ than đá thêm lần lượt 17% và 26%.
Theo báo cáo nói trên của BP, năm 2020, hơn 35% lượng điện của thế giới đến từ than đá, khoảng 25% từ khí tự nhiên, 16% từ thủy điện, 10% từ hạt nhân và 12% từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện Mặt Trời và điện gió.
Năm nay, nhu cầu than đá được dự đoán sẽ xác lập mức cao kỷ lục mới, từ đó khiến giá mặt hàng này tăng lên các mức cao nhất từ trước đến nay và góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt nhiên liệu trên toàn thế giới.
Nhu cầu than đá cao kỷ lục đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng trong lượng khí thải năm nay, sau khi giảm xuống trong năm ngoái, khi các quy định hạn chế đi lại đối với hàng tỷ người nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 đã khiến lượng nhiên liệu tiêu thụ sụt giảm.
Dù nhiều nhà máy than đá mới đang trong quá trình xây dựng sẽ thay thế cho những nhà máy cũ gây ô nhiễm nhiều hơn, nhưng nhìn chung chúng sẽ khiến tổng lượng khí thải gia tăng.
Theo GEM, chỉ riêng lượng khí thải CO2 từ các nhà máy mới sẽ lên đến gần 28 tỷ tấn trong suốt vòng đời kéo dài 30 năm của chúng.
Con số này không quá xa so với mức 32 tỷ tấn khí thải CO2 từ tất cả các nguồn trên toàn thế giới trong năm 2020, theo số liệu của BP.
Điều này cho thấy những khó khăn mà các nhà lãnh đạo thế giới sẽ phải đối mặt để có thể đạt được tiến triển đáng kể trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đang diễn ra tại Glassgow, Scotland, Vương quốc Anh./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị