Ngũ Hành Sơn- Đà Nẵng: Chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường
Ngũ Hành Sơn- Đà Nẵng: Chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường
Tại tổ 1 khu Bình Kỳ (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn), xuất hiện tình trạng một số hộ dân chăn nuôi heo nhưng không đảm bảo môi trường, gây mùi hôi thối, ảnh hưởng đến đời sống của người dân nhưng chưa được xử lý dứt điểm.
Từ phản ánh của người dân tổ 1 khu dân cư Bình Kỳ, PV ghi nhận thực tế, trong bán kính chưa tới 100m ở khu dân cư tổ 1 (trong đường kiệt chưa có tên) có 3 hộ chăn nuôi heo với số lượng khoảng vài chục con. Trong đó, cả 3 hộ chăn nuôi này gồm: hộ bà Nguyễn Thị N.; hộ bà Nguyễn Thị T.T và hộ bà Nguyễn Thị L. đều nằm trong khu dân cư và tiếp giáp với hàng chục hộ dân.
Khu vực quanh chuồng nuôi của cả 3 hộ đều xây dựng khá sơ sài, có mùi hôi phát tán ra ngoài môi trường. Riêng đối với khu vực chăn nuôi của hộ bà Nguyễn Thị L., nước thải từ chuồng trại chăn nuôi heo chảy tràn ra khu đất vườn ngay phía sau lưng chuồng, đọng thành những vũng nước lớn, có màu đen, nổi váng trắng.
Một hộ dân ở tổ 1 khu dân cư Bình Kỳ phản ánh “họ nuôi cũng mấy năm nay, khoảng vài chục con. Nuôi heo nhiều nhưng hộ bà L. không làm hệ thống hố biogas để xử lý nước, phân heo thải mà lại đổ chảy trực tiếp ra ngoài đất trống gây mùi rất hôi thối. Mỗi khi có gió mùi hôi phát tán khắp nơi, xộc vào nhà của các hộ dân lân cận”.
Trao đổi với PV, ông Cao Xuân Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Quý cho biết, sau khi nhận thông tin từ PV, UBND phường đã mời các hộ liên quan lên làm việc vào ngày 6-7. Tại biên bản cuộc họp, ông Nguyễn Ất Mùi, Tổ trưởng Tổ 1 khu dân cư Bình Kỳ nêu ý kiến đề nghị các hộ dân hạn chế việc chăn nuôi và tiến tới chấm dứt không nuôi heo trong khu dân cư, theo Nghị quyết của HĐND thành phố về việc “không cho phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác trong khu dân cư”. Ý kiến các hộ dân đều bày tỏ mong muốn UBND phường tạo điều kiện cho phép chăn nuôi đến hết lứa và cam kết sẽ chấm dứt, không tái đàn.
“Trước mắt, UBND phường yêu cầu các hộ dân phải làm hố rút, trong quá trình chăn nuôi không được thải nước ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Chúng tôi cũng yêu cầu các hộ dân phải thực hiện đúng cam kết là chăn nuôi hết lứa và không tái đàn. Địa phương sẽ cử cán bộ đến hộ gia đình để tuyên truyền, hướng dẫn cho hộ dân xử lý môi trường, đồng thời tiến hành kiểm tra thực tế về quy mô, số lượng vật nuôi để làm hồ sơ xin hỗ trợ một phần kinh phí di dời. Các hộ nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi, khi ngừng chăn nuôi mà có nhu cầu đào tạo, chuyển đổi nghề thì UBND phường hỗ trợ theo quy định”, ông Tuấn thông tin thêm.
Theo Nghị quyết số 34/2022/NQ-HĐND ngày 14-7-2022 của HĐND thành phố, quy định khu vực nội thành của thành phố, khu dân cư không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi (sau đây viết tắt là khu vực không được phép chăn nuôi); quy định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, đối tượng áp dụng: các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi (trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Khu vực không được phép chăn nuôi: khu vực các phường thuộc các quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và Liên Chiểu. Khu dân cư hiện hữu, khu tái định cư, thôn, tổ thuộc các xã và các khu dân cư mới (khu tái định cư) được phê duyệt trên địa bàn huyện Hòa Vang trong thời kỳ 2021-2030.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị