Ngọt ngào hương vị bánh trung thu cổ truyền
Trong tiềm thức của người dân Việt Nam, khi nhắc về những ngày Rằm tháng Tám đó là hình ảnh những em bé rước đèn ông sao, mọi người ngồi quây quần bên nhau phá cỗ, trông trăng… Và trong mỗi mâm cỗ để dâng lên ông bà, tổ tiên, trời đất không thể thiếu thứ bánh đặc trưng – bánh trung thu.
Người dân xếp hàng mua bánh trung thu truyền thống. |
Bánh trung thu không chỉ đơn giản là một loại bánh quà mà nó còn mang ý nghĩa cho sự đoàn viên, sum vầy, ấm no, hạnh phúc. Chính vì vậy, vào dịp này nhà nào cũng sắm sửa cho gia đình cặp bánh nướng, bánh dẻo như gửi gắm về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trở về thôn Nội Am (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội) dịp này, từ khắp các đường làng, ngõ xóm, chúng ta đều sẽ cảm nhận được không khí tất bật khẩn trương của các cơ sở sản xuất, hương thơm của những mẻ bánh vừa được nướng ra lò.
Để kịp phục vụ nhu cầu của người dân, các cơ sở sản xuất trên địa bàn thôn phải hối hả, tất bật, khẩn trương. Mỗi ngày có hàng trăm, hàng nghìn chiếc bánh chất lượng của hơn 10 hộ sản xuất trong thôn được đưa ra ngoài thị trường.
Bà Hoàng Thị Chanh – chủ cơ sở sản xuất bánh trung thu Vĩnh Thịnh Long (Xóm 3, thôn Nội Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Để làm ra được những chiếc bánh trung thu mang đậm hương vị truyền thống, người thợ phải tỉ mỉ trong từng khâu sản xuất, chế biến, từ khâu chọn nguyên liệu làm bánh đến khâu xay bột, trộn nhân, nặn bánh rồi cho bánh vào khuôn. Trong đó, khâu chọn nguyên liệu được xem là khâu quan trọng nhất, nó sẽ quyết định được chiếc bánh đó có đạt chất lượng không. Mỡ phần mua về sẽ được rửa sạch, làm chín, mứt bí, mứt sen, hạt dưa rang chín, lá chanh, đường kính, bột nếp, trứng, rượu,…”
Không đóng hộp cầu kì, sang trọng, đắt tiền như một số loại bánh trung thu hiện đại, bánh trung thu truyền thống của thôn Nội Am vẫn có sức hấp dẫn riêng với người tiêu dùng nhờ hương vị đặc trưng và sự mộc mạc truyền thống.
Rời thôn Nội Am, chúng tôi ghé thăm cơ sở sản xuất bánh trung thu Khánh Toàn (xóm Mới, thôn Tân Hà, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì), bà Nguyễn Thu Mười, chủ cơ sở sản xuất tâm sự: “Bánh nướng là sự tổng hợp của hương vị mặn, ngọt, bùi béo để lại nhiều ấn tượng cho người thưởng thức. Bánh dẻo thì bột bánh là yếu tố quyết định đến độ dẻo dai, mà không bị bết dính của vỏ bánh, phải được làm từ gạo nếp rang, bột bánh trong quá trình nhào, thợ bánh phải cho nước cốt hoa bưởi để bánh có hương vị thơm đặc trưng”.
Những chiếc bánh nướng mang đậm hương vị truyền thống. |
Không khó để nhận thấy sự cạnh tranh giữa bánh trung thu truyền thống và bánh trung thu hiện đại. Trong khi các dòng bánh trung thu hiện đại tập trung đầu tư về hình thức, hương vị đa dạng, được sản xuất theo công nghệ sáng tạo, từ vỏ bánh với nhiều màu sắc bắt mắt đến các loại nhân đa dạng (đỗ xanh, đậu đỏ, khoai môn, trà xanh, lá dứa…), thì dòng bánh trung thu cổ truyền vẫn cố gắng lưu giữ tinh hoa, vẫn luôn giữ được vị trí riêng trong lòng thực khách, dù người già hay người trẻ.
“Cơ sở sản xuất bánh trung thu truyền thống sẽ luôn tập trung giữ đúng hương vị, chú trọng vào chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhằm giữ được trọn vẹn hương vị đã gắn bó lâu đời, đã quen thuộc với người tiêu dùng từ nhiều thế hệ. Ngày nay, máy móc cũng đã hỗ trợ được một số công đoạn làm bánh, tuy nhiên, yếu tố quyết định để các thương hiệu cổ truyền giữ chân được khách hàng chính là kinh nghiệm đã được trau dồi, đúc kết và đôi bàn tay tài hoa của những người thợ làm bánh”, bà Mười thông tin thêm.
Giữa dòng chảy của cuộc sống hiện đại, bánh trung thu tuy có nhiều sự đổi mới, bắt nhịp theo xu thế hiện đại với nhiều cách làm độc đáo, song nhiều người vẫn rất yêu quý tìm về với những chiếc bánh trung thu cổ truyền, bởi trong mỗi hương vị chiếc bánh, những nét đẹp truyền thống được gửi gắm sẽ giúp mọi người thêm trân trọng tình cảm gia đình, giây phút sum vầy, đoàn viên bên những người thân yêu.
Cô Nguyễn Ánh Nguyệt (huyện Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: “Hàng năm, cứ đến dịp Rằm tháng Tám, tôi thường đến cơ sở sản xuất bánh trung thu truyền thống để mua bánh, vừa để thắp hương, vừa làm quà biếu. Nhân bánh trung thu truyền thống được người ta nhớ bởi vị thanh của lá chanh, vị béo ngậy của hạt dưa, vừng, lạc, ngọt ngào của mứt bí, hạt sen cùng vị đậm đà của xá xíu… Bánh trung thu truyền thống luôn mang một hương vị riêng mà không một loại bánh hiện đại nào có được”.
Để giữ gìn nghề truyền thống, hằng năm, Đoàn Thanh niên – Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam – Hội đồng đội huyện Thanh Trì phối hợp cùng xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì) tổ chức chương trình “Liên hoan bàn tay vàng Làng nghề truyền thống bánh Trung thu”.
Với tình yêu nghề truyền thống, mong muốn giữ gìn, phát huy tinh hoa làng nghề và truyền lửa đến thế hệ trẻ, quảng bá để người tiêu dùng biết nhiều hơn về sản phẩm bánh trung thu cổ truyền, trong quá trình tham gia liên hoan, người dân được trải nghiệm các công đoạn, tự tay làm ra những chiếc bánh nướng, bánh dẻo của quê hương Thanh Trì, đồng thời thấy được trong đó giá trị của hương vị bánh cổ truyền mà thế hệ cha ông đã để lại.
Nguồn: Báo lao động thủ đô