Ngôi đền thờ phụng 8 vị vua nhà Lý được cấu trúc theo kiểu ‘kinh đô’
Đền Đô (hay còn gọi là đền Lý Bát Đế hoặc Cổ Pháp điện) cùng với khu lăng mộ các vua nhà Lý là di tích quốc gia đặc biệt. Đây cũng là công trình văn hóa, lịch sử quan trọng nhất của thành phố trẻ Từ Sơn.
Nằm cách Hà Nội chỉ chừng 20km về phía Bắc, đền Đô (hay còn gọi là đền Lý Bát Đế hoặc Cổ Pháp điện) tọa lạc tại xóm Thượng, thôn Đình Bảng (nay là khu phố Thượng, phường Đình Bảng, TP. Từ Sơn, Bắc Ninh).
Là một quần thể tín ngưỡng thờ 8 vị vua đầu tiên của nhà Lý, đền Đô được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa theo Quyết định số 154 của Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vào ngày 25/01/1991. Năm 2014, nơi đây cùng với khu lăng mộ các vua nhà Lý đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Đền được khởi công xây dựng từ ngày 3/3/1030 bởi Lý Thái Tông khi vị hoàng đế này về quê làm giỗ cha. Sau này, đền được nhiều lần trùng tu và mở rộng.
Đến nay, đền Đô rộng 31.250m2, với 250 hạng mục công trình, được xây dựng theo cấu trúc của “kinh đô”, chia thành 2 khu vực: nội thành và ngoại thành.
Cổng vào nội thành gọi là Ngũ long môn. Trên hai cánh cổng có chạm khắc hình năm con rồng. |
Cận cảnh Ngũ Long Môn |
Với chiều cao 3,5m, rộng hơn 8m, được ghép lại từ 214 chữ Hán làm bằng gốm Bát Tràng… bức cuốn thư Chiếu dời đô (Thiên đô chiếu) ở ngay cạnh cổng nội thành đền Đô được coi là bức chiếu bằng gốm lớn nhất Việt Nam. Theo sử sách, lúc lên ngôi, vua Lý Thái Tổ cho rằng Hoa Lư thì hẹp, đất thì thấp. Duy chỉ có Đại La là “ở giữa khu vực của trời đất, có cái thế long, hổ vững bền, địa thế rộng, bằng phẳng, đất thì cao mà sáng sủa…”. Vì thế, năm 1010, nhà vua quyết định dời đô về Đại La, đặt tên là thành Thăng Long (nay là Hà Nội). |
Đền Đô được thiết kế theo lối kiến trúc “Nội công ngoại quốc”. Bên trong các dãy nhà được xây hình chữ Công (工), còn bên ngoài có hình chữ Quốc (国). Chính điện gồm Phương Đình (nhà vuông) có 3 gian, 8 mái, rộng đến 70m2. |
Sau cùng là Cổ Pháp điện gồm 7 gian rộng 180m2 là nơi đặt ngai thờ, bài vị và tượng của 8 vị vua nhà Lý. Gian giữa là nơi thờ vua Lý Thái Tổ. Ba gian bên phải lần lượt thờ các vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông. Ba gian bên trái lần lượt thờ các vua Lý Anh Tông, Lý Huệ Tông và Lý Cao Tông. |
Hai bên chính điện còn có nhà thờ Mẫu – nơi đặt bàn thờ các vị hoàng hậu. |
Một tấm bia cổ hàng trăm năm đặt ở Cổ Pháp điện. |
Gần khu vực Ngũ Long Môn còn có giếng ngọc cổ kính |
Hai bên tả hữu đền là nhà văn chỉ (thờ các quan văn) và võ chỉ (thờ quan võ) tiêu biểu, có công lớn giúp vua lo việc nước trong suốt 216 năm vương triều nhà Lý. |
Mái đền theo lối kiến trúc long đao với diềm mái được thiết kế cong vút ở phần đuôi, trông giống như một lưỡi đao. |
Phía Đông đền Đô có nhà bia, nơi đặt “Cổ Pháp Điện Tạo Bi” (bia đền Cổ Pháp). Bia được khắc dựng năm Giáp Thìn (1605), do tiến sĩ Phùng Khắc Khoan biên soạn, ghi lại sự kiện nhà Lê xây dựng lại đền và ghi công đức của các vị vua triều Lý. |
Khu ngoại thành của đền có là hồ bán nguyệt thoáng đãng, xanh mát. |
Nằm vị trí trung tâm hồ là Thủy đình. Đây vốn là nơi các chức sắc ngồi xem biểu diễn rối nước. |
Cách đền Đô chừng 800m là nơi an nghỉ của 8 vị vua nhà Lý cùng lăng của Nguyên Phi Ỷ Lan (phi của Lý Thánh Tông) và lăng bà Phạm Thị (thân mẫu vua Lý Thái Tổ). |
Các lăng mộ nằm tại khu Ao Sen (phường Đình Bảng, TP. Từ Sơn). Trong ảnh là khu lăng mộ của vua Lý Thái Tổ với cây xanh và hồ nước trong xanh. |
Ngày 14-16 tháng 3 âm lịch hàng năm, nhân kỷ niệm ngày Lý Công Uẩn đăng quang và ban Chiếu dời đô (năm 1010), tại đền Đô diễn ra lễ hội. Phần lễ có lễ trình thánh, rước kiệu long trọng; phần hội có trò vui như chọi gà, thả chim bồ câu, thi đấu vật… và những làn điệu quan họ mượt mà, đằm thắm. |
Nguồn: Báo xây dựng