Ngọc Lặc – điểm sáng phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa
Việc thực hiện các chủ trương, chính sách và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với thực tế, đúng hướng ngay từ những ngày đầu triển khai, góp phần đưa kinh tế của huyện Ngọc Lặc tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định. Không chỉ khơi dậy truyền thống lịch sử, văn hóa, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện Ngọc Lặc còn thu hút được các nguồn lực từ bên ngoài vào đầu tư, tạo bước đột phá về phát triển kinh tế – xã hội của huyện và đóng góp chung vào sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa.
Trong đó, cơ cấu kinh tế huyện Ngọc Lặc tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Hiện huyện Ngọc Lặc đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng Nông thôn mới và hướng đến Nông thôn mới nâng cao.
Trước mắt, huyện thực hiện tích tụ, tập trung 355 ha đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; chuyển đổi 20 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với việc thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Qua đó, các xã trên địa bàn huyện đang tích cực lựa chọn sản phẩm tiêu biểu của đơn vị tham gia xét chọn OCOP cấp tỉnh và đã được công nhận 2 sản phẩm OCOP đạt 3 sao là miến dong Hương Ngọc và gạo nếp hạt cau Thạch Lập; phấn đấu đến cuối năm có thêm 3 sản phẩm: mật ong, dưa vàng xã Kiên Thọ, tinh bột sắn xã Ngọc Liên đạt sản phẩm OCOP. Cùng với đó, huyện đang tích cực đẩy mạnh phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng gia trại, trạng trại và chăn nuôi theo hình thức hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm; qua đó, nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ gắn với nhu cầu của thị trường.
Không những vậy, huyện sẽ tiếp tục triển khai quy hoạch xây dựng, phấn đấu đến năm 2030, toàn huyện Ngọc Lặc đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Khu vực nội thị gồm thị trấn và các xã: Ngọc Lặc; Phúc Thịnh, Kiên Thọ, Nguyệt Ấn, Minh Tiến, Lam Sơn, Minh Sơn, Ngọc Sơn, Ngọc Liên, Quang Trung, Thúy Sơn. Khu vực ngoại thị gồm các xã: Phùng Minh, Phùng Giáo, Vân Am, Cao Ngọc, Mỹ Tân, Thạch Lập, Đồng Thịnh, Lộc Thịnh, Ngọc Trung. Dân số khu vực nội thị hiện nay khoảng 75.000 người, đến năm 2030 khoảng 87.500 người. Đến năm 2040, huyện phấn đấu trở thành thị xã và bổ sung thêm xã Ngọc Trung vào khu vực nội thị; tập trung xây dựng đô thị, cơ sở hạ tầng nhằm thu hút dân số tăng cơ học cho khu vực nội thị dự báo đến năm 2040, dân số khu vực nội thị khoảng 106.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 68%. Định hướng phát triển nông thôn, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn để phục vụ sản xuất lâm nghiệp, nhất là vùng phía Tây sông Âm.
Về mô hình kinh tế hợp tác xã, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc, công tác phối hợp tuyên truyền, sự chung tay vào cuộc của các tổ chức đoàn thể trong việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng vai trò rất lớn giúp kinh tế trang trại, Hợp tác xã phát triển ổn định, bền vững. Cấp ủy và chính quyền các cấp hỗ trợ, tạo điều kiện và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, hội, Hiệp hội trong việc tuyên truyền, vận động thành viên tham gia hợp tác xã, đưa Luật hợp tác xã năm 2012 vào cuộc sống; động viên, khuyến khích các hội viên đi đầu tham gia xây dựng các mô hình điểm về Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã trên các lĩnh vực, nhất là nông thôn; phối hợp trong việc tuyên truyền các chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể tới các hội viên; đưa các nội dung này thành các trọng tâm trong chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm của các cấp đoàn, hội.
Là một trong những địa phương điển hình trong phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; góp phần lớn trong việc phát triển kinh tế huyện Ngọc Lặc, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân; xóa đói, giảm nghèo bền vững, không thể không kể đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của toàn thể lãnh đạo Đảng bộ xã Kiên Thọ và sự nỗ lực của bà con Nhân dân nơi đây. Hiện nay, diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung theo hướng hàng hóa của xã đạt gần 15.000 m2 nhà lưới. Ngoài ra, toàn xã đã chuyển đổi được hơn 15 ha đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây có múi, như: cam, bưởi, mít…
Đóng góp vào thành quả chung của xã là sự tích cực hoạt động của 03 Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp là: Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Kiên Thọ; Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Kiên Thọ; Hợp tác xã nông nghiệp Thành Đạt. Các Hợp tác xã này đã đầu tư, đổi mới trang thiết bị, tích cực huy động vốn, tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động, với mức thu nhập bình quân từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng; đẩy mạnh liên doanh, liên kết, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản; tham gia tích cực vào các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm; tập trung đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Thống kê chung toàn xã cũng phát triển được 26 gia trại, trang trại và đang hướng dần đến sản xuất sinh học, chăn nuôi trên đệm lót sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án “Nhà máy điện mặt trời Kiên Thọ” tại huyện Ngọc Lặc với tổng số vốn đầu tư hơn 2.600 tỷ, dự án dự kiến sẽ khởi công vào quý III/2021; với mục tiêu nhằm cung cấp điện năng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng điện của tỉnh Thanh Hóa và cả nước. Đồng thời, hy vọng dự án sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, góp phần phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giảm thiểu lượng khí thải nhà kính để bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu theo hướng phát triển bền vững. Tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động và phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu