Ngoại giao khoa học bảo vệ môi trường biển: Con đường khai thông những bế tắc ở Biển Đông?

Ngoại giao khoa học bảo vệ môi trường biển: Con đường khai thông những bế tắc ở Biển Đông?

MTĐT –  Thứ hai, 22/08/2022 17:28 (GMT+7)

Tranh chấp trên Biển Đông có thể được xoa dịu bằng nỗ lực nghiên cứu khoa học chung nhằm giải quyết các vấn đề liên quan tới suy thoái môi trường biển.

Do sự suy thoái môi trường biển nghiêm trọng, nhiều rạn san hô ở Biển Đông đang chết dần. Bối cảnh này đòi hỏi ASEAN-Trung Quốc cần hợp tác khoa học bảo vệ môi trường biển chặt chẽ hơn. (Nguồn: Reuters)
Do sự suy thoái môi trường biển nghiêm trọng, nhiều rạn san hô ở Biển Đông đang chết dần. Bối cảnh này đòi hỏi ASEAN – Trung Quốc cần hợp tác khoa học bảo vệ môi trường biển chặt chẽ hơn. Nguồn: Reuters

Trong một bài viết trên trang Nikkei Asia, Giáo sư James Borton thuộc Viện Chính sách Đối ngoại, Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tác giả cuốn “Dispatches from the South China Sea: Navigating to Common Ground” (Những văn kiện liên quan đến Biển Đông: Hướng đến điểm chung), đã chỉ ra những tiềm năng hợp tác bảo vệ môi trường biển tại Biển Đông, qua đó hóa giải những tranh chấp, bất đồng trong khu vực này.

Suy thoái môi trường biển

Đằng sau những tranh chấp và nghi ngại đang ngày càng gia tăng tại Biển Đông, một cuộc khủng hoảng sinh thái đang âm thầm bùng phát. Tuy nhiên, những nỗ lực ban đầu của các quốc gia trong khu vực nhằm giải quyết vấn đề môi trường đang tạo ra tiền đề cho sự hợp tác. Điều này đang được hy vọng sẽ tạo ra lối thoát cho những căng thẳng về chính trị.

Do sự suy thoái môi trường nghiêm trọng ở những nơi từng là các ngư trường quý hiếm và phong phú các loài sinh vật biển của khu vực, nhiều rạn san hô đang chết dần. Quá trình cải tạo hay xây dựng thêm các hòn đảo đã phá hủy môi trường biển, nước thải nông nghiệp và công nghiệp làm ô nhiễm các vùng nước ven biển, trong khi việc đánh bắt quá mức đang làm cạn kiệt các loại sinh vật biển.

Một góc nhìn khác đã được hình thành trước những hiểm họa môi trường đang diễn ra tại Biển Đông như tình trạng mất đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, suy giảm về số lượng các rạn san hô, ô nhiễm và sự đe dọa đến ngư nghiệp. Điển hình là kế hoạch hành động 5 năm của ASEAN-Trung Quốc về quan hệ đối tác chặt chẽ trong khoa học, công nghệ và đổi mới tầm nhìn đến năm 2025 đã khuyến khích phát triển các cơ chế hợp tác bền vững dựa trên nền tảng khoa học…

Nhà sinh thái học, Giáo sư Jian Nian Zhi tại Đại học quốc gia Hạ Môn, phát biểu tại một diễn đàn ở Thượng Hải rằng: “Là các nhà khoa học, chúng ta nên vượt lên những rào cản chính trị và tập trung giải quyết những câu hỏi lớn có ảnh hưởng quan trọng đến hạnh phúc nhân loại”.

Thực tế, đã có những tiền lệ trong lịch sử về sự chung tay hợp tác bảo vệ môi trường biển, điển hình là Chương trình Khám phá Đại dương Quốc tế (IODP), bao gồm một cuộc thăm dò dầu khí được thực hiện vào năm 2014 bởi các nhà khoa học Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và Brazil ở Biển Đông.

Vài năm trước đó, Thí nghiệm Gió mùa Biển Đông do Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc khởi xướng cũng đã quy tụ nhiều nhà khoa học từ Australia và Mỹ. Một nhóm công tác về hợp tác nghiên cứu phát triển hàng hải giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng đã được thiết lập nhằm tăng cường hợp tác ở Vịnh Bắc Bộ và các khu vực địa lý ít nhạy cảm. Đặc biệt, hai bên còn cùng nhau xây dựng một mô hình dự báo triều cường.

Các nhà khoa học biển và chuyên gia chính sách cho rằng cách tốt nhất để tham gia hợp tác về khoa học đại dương hiệu quả là xem xét kỹ các lợi ích chung trước tình trạng biến đổi khí hậu, axit hóa đại dương, các loại hình thời tiết khắc nghiệt và các khu bảo tồn biển.

Mặc dù ngoại giao khoa học không đại diện cho một cách tiếp cận mới đối với quan hệ quốc tế nhưng đã đến lúc cần áp dụng nó trong quản lý tranh chấp ở Biển Đông.

Các quốc gia khu vực Biển Đông có thể học hỏi từ cách thức hợp tác nghiên cứu dựa trên khoa học và công nghệ đã giúp Hội đồng Bắc Cực tạo ra một công cụ ngoại giao để xây dựng hòa bình.

Hội đồng Bắc Cực là một diễn đàn liên chính phủ được thành lập năm 1996 bao gồm Mỹ, Nga, Canada, Phần Lan, Iceland, Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển. Những bằng chứng khoa học đã tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán, thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu hải dương nói chung và xây dựng lòng tin trong Hội đồng Bắc Cực. Nhờ đó, Hội đồng Bắc Cực đã thông qua một số thỏa thuận hợp tác góp phần thúc đẩy bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững.

tm-img-alt
Tại Hội nghị thượng đỉnh ở Rovaniemi, Phần Lan, vào tháng 5/2019, Hội đồng Bắc Cực đã thông qua một số thỏa thuận ràng buộc pháp lý nhằm tăng cường bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững. (Nguồn: Reuters)

Hy vọng mới cho những căng thẳng

Hiện nay, các quốc gia trong khu vực cần phải gấp rút bổ sung những cơ chế quản lý nhằm định hướng cho sự phát triển của hợp tác khoa học, điều có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng xoay quanh việc tranh chấp quyền quản lý nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Sự kết hợp của khoa học và vấn đề địa chính trị sẽ thúc đẩy sự mở rộng của các diễn đàn chung và hợp tác giải quyết các bất đồng.

Các nhà hoạch định chính sách có thể xem xét giải pháp tốt giải quyết vấn đề chủ quyền phức tạp qua lăng kính khoa học. Suy cho cùng, các nhà nghiên cứu khoa học hay hải dương học mới dễ dàng chia sẻ tiếng nói chung bất chấp những khác biệt về chính trị, kinh tế và xã hội.

Một lĩnh vực đã nhận được sự đồng thuận từ các bên ở Biển Đông là sự mở rộng của khu bảo tồn biển nhằm bảo vệ ngư nghiệp. Các hoạt động đánh bắt cá mang tính hủy diệt và biến đổi khí hậu là những mối đe dọa lớn đối với các rạn san hô trong khu vực.

Hiện Trung Quốc có hơn 270 khu bảo tồn đại dương, trong khi Việt Nam cũng có 12 khu vực được bảo vệ, quản lý. Đây có thể là cơ hội tuyệt vời để phục hồi khuôn khổ hợp tác ASEAN-Trung Quốc trong những năm 1990, bao gồm giám sát khí hậu, tìm kiếm, cứu nạn hàng hải, bảo vệ môi trường biển và nghiên cứu khoa học biển.

Tất nhiên, những xung đột về lợi ích chính trị sẽ luôn tồn tại xoay quanh Biển Đông. Trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden từng gọi việc quản lý mối quan hệ Washington-Bắc Kinh là “phép thử địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ XXI”, thì Viện Hải dương học Woods Hole (Mỹ) và Đại học Hải dương Trung Quốc vẫn đang tiếp tục hợp tác nghiên cứu các tác động của biến đổi khí hậu ở vùng biển sâu và ven biển.

Có thể thấy, hợp tác khoa học đã mang lại hy vọng về một phần giải pháp cho các tranh chấp ở Biển Đông bằng cách tạo ra lòng tin với sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Hiện tại, nỗ lực chung tay khắc phục suy thoái môi trường biển có thể làm tăng khả năng xuất hiện các cuộc khảo sát nghiên cứu khoa học bất chấp sự căng thẳng về địa chính trị và mâu thuẫn về tuyên bố chủ quyền.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích