Nghiên cứu xây dựng sân bay quốc tế mới tại phía nam Đồng bằng sông Hồng
Chiều 7/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) chủ trì Hội nghị lần thứ hai với chủ đề về quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng tham dự hội nghị có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng; lãnh đạo các bộ, cơ quan Trung ương, lãnh đạo 11 tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng; các thành viên Hội đồng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Quy hoạch vùng ĐBSH được lập trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 30 về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị; Quốc hội thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ hai với chủ đề về quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bản Quy hoạch vùng này có ý nghĩa quan trọng, giúp “mở đường”, chủ động kiến tạo phát triển, với tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho vùng…
Theo đó, tổ chức không gian phát triển vùng hợp lý gồm: 3 hành lang quốc gia, kết nối quốc tế – 2 hành lang bổ trợ kết nối liên vùng – 1 hành lang ven biển – 2 vùng động lực phát triển – 2 tiểu vùng kinh tế – xã hội.
Mục tiêu vùng ĐBSH phát triển thành trung tâm dịch vụ hiện đại của khu vực Đông Nam Á. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, trong đó Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh là tam giác tăng trưởng. Thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao nhằm phát huy tối đa tiểm năng, lợi thế của vùng và tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh… Phát triển hệ thống đô thông minh, xanh, bền vững; lấy định hướng phát triển giao thông công cộng (theo mô hình TOD) làm cơ sở quy hoạch đô thị…
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ vùng ĐBSH có vị trí, vai trò đặc biệt, đóng góp trên 50% GDP của cả nước, do đó quy hoạch phải phát huy, khai thác tối đa tiềm năng rất khác biệt, cơ hội rất nổi trội, lợi thế cạnh tranh rất rõ của vùng.
Thủ tướng phân tích, chỉ rõ thêm một số đặc điểm nổi bật của vùng cần nhấn mạnh thêm trong Quy hoạch để khai thác, phát huy mạnh mẽ. Vùng ĐBSH có lợi thế là cửa ngõ kết nối Trung Quốc – ASEAN bằng cả đường bộ và đường biển, trong đó con đường qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) là đường kết nối ngắn nhất (khoảng 500km) giữa vùng với vùng kinh tế phát triển năng động nhất Trung Quốc. So với các vùng khác trên cả nước, ĐBSH cũng gần khu vực Đông Bắc Á nhất.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ rõ những khó khăn, mâu thuẫn, thách thức. Theo đó, vùng có diện tích nhỏ nhưng dân số lớn, mật độ dân số lớn nhất cả nước, do đó, phải tiến hành đô thị hóa, khai thác không gian ngầm như tàu điện ngầm, đường sắt trên cao… Cùng với đó, vấn đề môi trường, các dòng sông bị ô nhiễm cần có giải pháp xử lý. Về nhân lực, vùng phải dẫn dắt, điều phối trong đào tạo nhân lực chất lượng cao cho cả nước.
“Để khai thác tiềm năng, lợi thế, cơ hội, vùng ĐBSH cần những chương trình, dự án cụ thể và các cơ chế, chính sách phù hợp. Hiện Hà Nội, Hải Phòng có cơ chế đặc thù, thí điểm, do đó, phải có cơ chế, chính sách phù hợp cho 9 tỉnh còn lại”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu làm rõ hơn những động lực tăng trưởng mới, như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi năng lượng mới, phát triển ngành công nghiệp tái tạo (nắng, gió, Hydrogen); phát triển hệ sinh thái để phát triển kinh tế nông nghiệp trên cơ sở phát huy văn minh lúa nước; phát triển công nghiệp có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở khai thác hiệu quả quỹ đất, các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình có thể nghiên cứu triển khai lấn biển để tạo không gian phát triển, quỹ đất mới.
Toàn cảnh hội nghị – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng nhấn mạnh liên kết vùng là một trong những đột phá, động lực tăng trưởng mới, cùng với liên kết các vùng, liên kết với cả nước và liên kết quốc tế. Do đó, cần phát huy tinh thần chủ động, tự lực, tự cường, không địa phương nào làm thay địa phương nào, nhưng không thể không liên kết, đặc biệt là liên kết giao thông.
Riêng về hàng không, Thủ tướng cho rằng khu vực phía Bắc đồng bằng đã có 3 sân bay (Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi), có thể nghiên cứu kỹ lưỡng để xem xét, quy hoạch, xây dựng một sân bay quốc tế mới tại khu vực phía nam ĐBSH.
Thủ tướng yêu cầu Quảng Ninh và Hải Phòng cần liên kết quản lý, khai thác tốt nhất khi gần đây vịnh Hạ Long đã được UNESCO nhất trí cho mở rộng ranh giới bao gồm cả quần đảo Cát Bà (Hải Phòng), trở thành Di sản thế giới vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà, di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.
Tương tự, Thủ tướng yêu cầu Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục tích cực triển khai các công việc để trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới và phối hợp khai thác tốt di sản này.
Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương thành phố Hà Nội đã khai thác ga Gia Lâm, bốt Hàng Đậu, nhà tù Hòa Lò, qua đó phát huy nguồn lực văn hóa, biến di sản thành tài sản, thành nguồn lực. Thủ tướng yêu cầu Quảng Ninh và Hải Phòng cần liên kết quản lý, khai thác tốt nhất khi gần đây vịnh Hạ Long đã được UNESCO nhất trí cho mở rộng ranh giới bao gồm cả quần đảo Cát Bà (Hải Phòng), trở thành Di sản thế giới vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà, di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô