Nghiên cứu thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID
Bộ Tư pháp vừa sơ kết công tác 6 tháng đầu năm. Báo cáo sơ kết cho thấy, trong lĩnh vực quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp, Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành, tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực này.
Bộ Tư pháp đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức kiểm tra các địa phương; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 9/7/2023 về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Hà Nội là một trong các địa phương có số lượng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp cao trong thời gian qua |
Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong cấp phiếu lý lịch tư pháp tiếp tục được Bộ, Sở Tư pháp các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ động thực hiện, bảo đảm thông tin được cung cấp và tiếp nhận đầy đủ, chính xác, kịp thời, hạn chế và khắc phục dần tình trạng tồn đọng thông tin lý lịch tư pháp không được đưa vào cơ sở dữ liệu.
Kết quả, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia đã tiếp nhận và xử lý được 189.434 thông tin, tăng 6,75% so với cùng kỳ năm 2022; cung cấp cho các Sở Tư pháp 24.005 thông tin; cập nhật và tạo lập, tích hợp vào Cơ sở dữ liệu 84.283 thông tin (tăng 15,27% so với cùng kỳ năm 2022).
Bên cạnh đó, Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cung cấp dịch vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp, đáp ứng dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Tư pháp; thực hiện tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh.
Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng đang phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch trên ứng dụng VneID tại một số địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ.
Nguồn: Báo lao động thủ đô