Nghiên cứu thành công tác dụng bảo vệ thần kinh đối với bệnh Alzheimer của một số loài rong biển

Lần đầu tiên, các nhà khoa học Viện Công nghệ sinh học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã bước đầu nghiên cứu thành công tác dụng bảo vệ thần kinh đối với bệnh Alzheimer của một số loài rong biển Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa khoa học và thực tiễn quan trọng nhằm khai thác tiềm năng rong biển phong phú của nước ta và từng bước làm chủ công nghệ phát triển sản phẩm bảo vệ thần kinh có nguồn gốc tự nhiên ít gây ra hoặc không có tác dụng phụ như các thuốc tổng hợp trên thị trường hiện nay.

Bệnh Alzheimer là một trong những bệnh thoái hóa thần kinh phổ biến và số bệnh nhân được dự đoán sẽ tăng lên hơn 100 triệu người vào năm 2050. Hiện nay, bệnh chưa thể chữa khỏi hoàn toàn và điều trị chủ yếu tập trung vào việc phát hiện và phòng ngừa sớm.

Các loại thuốc biệt dược dùng trong điều trị và kiểm soát bệnh (như rasagline, rivastigmine và donepezil) chủ yếu liên quan đến ức chế enzyme cholinesterase và β- secretase hoặc ức chế thụ thể N-methyl-D-aspartate (NMDA) là memantin. Tuy nhiên, những loại thuốc này lại có tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, chóng mặt, nhiễm độc gan và rối loạn tiêu hóa. Chính vì vậy, hướng điều trị tiềm năng trong tương lai là sử dụng các sản phẩm tự nhiên giàu dinh dưỡng, có hoạt tính bảo vệ thần kinh, ít gây ra hoặc không có tác dụng phụ so với thuốc tổng hợp.

Rong biển có tác dụng tốt trong việc bảo vệ thần kinh đối với bệnh Alzheimer. Ảnh minh họa

Để bước đầu làm sáng tỏ cơ chế phân tử về tác dụng bảo vệ thần kinh của dịch chiết/chất sạch thu được từ rong biển Việt Nam nhằm khai thác các loài rong biển tiềm năng làm thực phẩm bảo vệ sức khỏe con người, GS.TS. Đặng Diễm Hồng và cộng sự đã đề xuất và được Viện Hàn lâm phê duyệt thực hiện đề tài: “Tác dụng bảo vệ thần kinh đối với bệnh Alzheimer (AD) của một số loài rong biển Việt Nam”.

Trong khuôn khổ nghiên cứu, các nhà khoa học đã tạo ra 69 cao chiết tổng số từ 11 loài thuộc 8 chi rong biển thuộc chi Ulva, Kappaphycus, Sargassum, Eucheuma, Gracilariopsis, Caulerpa, Gracilaria và PAlzheimerina ở các dung môi và điều kiện chiết khác nhau.

Trong đó, lần đầu tiên cơ chế phân tử tác dụng của fucoxanthin tách từ S. oligocystum và cao chiết ethanol tách từ rong Sargassum spp đã được nghiên cứu.

Qua đó, đã xác định chúng có hoạt tính chống ôxy hóa, ức chế AChE (acetylcholinesterase) và bảo vệ chống lại độc tính tế bào ở mô hình Alzheimer cảm ứng bởi Aß25-35 hoặc H2O2 trên dòng tế bào thần kinh C6.

Fucoxanthin đạt được hiệu quả này bằng cách điều chỉnh hoạt động và biểu hiện các gen mã hóa cho các enzyme chống oxy hóa và con đường ER cũng như thúc đẩy sự biểu hiện của các gen liên quan đến tín hiệu quá trình tự thực bào và sinh tổng hợp acetylcholine 

Rong biển là sinh vật biển và là nguồn tự nhiên cung cấp các hợp chất có hoạt tính sinh học cao. Một số loài rong biển có thể sinh trưởng trong môi trường sống khắc nghiệt, có dịch chiết và các hợp chất tách từ sinh khối rong biển đã được chứng minh có hoạt tính chống oxy hóa mạnh, có hoạt tính kháng khuẩn, kháng virus, có tác dụng bảo vệ gan, ức chế tăng sinh đối với tế bào.

Các nghiên cứu đã chứng minh, rong biển là nguồn sinh vật biển quan trọng có thể khai thác các chất/hợp chất có hoạt tính sinh học cao, có tác dụng bảo vệ thần kinh chống lại bệnh lý liên quan đến bệnh thoái hóa thần kinh, trong đó có bệnh Alzheimer.

Cho đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận được 878 loài rong biển (bao gồm 439 loài thuộc ngành rong đỏ, 196 rong lục, 156 loài rong nâu, 87 loài thuộc vi khuẩn lam và 15 loài cỏ biển. Trong đó, các loài thuộc chi Caulerpa, Sargassum, Gracilaria, Ulva, Kappaphycus và Eucheuma là những chi rong biển có giá trị kinh tế quan trọng, trữ lượng lớn, hiện đang được nuôi trồng, khai thác tự nhiên với sản lượng cao. Đây là nguồn nguyên liệu tự nhiên phong phú, thuận lợi cho việc sử dụng làm thực phẩm cũng như tách chiết các hợp chất có hoạt tính sinh học cao, trong đó có tác dụng bảo vệ thần kinh, tăng cường trí nhớ cho con người.

Thống kê cho thấy trên thế giới có ít nhất 50 triệu người đang sống chung với bệnh Alzheimer hoặc các hội chứng sa sút trí tuệ khác. Theo Liên Hợp Quốc, con số đó nhiều hơn dân số của Columbia, nếu không có những đột phá trong việc chẩn đoán và hạn chế bệnh, tỷ lệ này có thể vượt quá 152 triệu người vào năm 2050. Tại Việt Nam, năm 2022 có khoảng 500.000 người bệnh sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, có đến 75% không được chẩn đoán và quản lý kịp thời.

Bệnh Alzheimer là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng sa sút trí tuệ, ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của con người. Không có cách nào để đảo ngược quá trình tiến triển bệnh, nhưng việc phát hiện và điều trị sớm có thể giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

TS Trần Công Thắng – Phó chủ tịch Hội bệnh Alzheimer và rối loạn thần kinh nhận thức Việt Nam – cho hay Alzheimer là nguyên nhân chính chiếm 70 – 80% dẫn đến sa sút trí tuệ. Một số nghiên cứu trong nước hiện nay cho thấy tỉ lệ người khởi phát bệnh Alzheimer sớm khá cao (trước 65 tuổi), trong đó 10 – 15% là có bất thường về di truyền. Những người dễ mắc chứng sa sút trí tuệ như người lớn tuổi, bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, hút thuốc lá, stress mất ngủ, lo âu, di chứng tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não.

Ngoài nguyên nhân do di truyền, nguyên nhân khác dẫn đến mắc bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ khởi phát sớm là do stress, căng thẳng kéo dài sẽ thúc đẩy hình thành sản phẩm thoái hóa tổn thương não. Nhiều người trẻ từ 40 – 50 tuổi đã rơi vào suy giảm nhận thức do lạm dụng sức trẻ, thức quá khuya, sử dụng rượu bia, thuốc lá, làm việc quá mức không tập thể dục. Nhất là giấc ngủ rất quan trọng trong việc sản xuất sản phẩm thoái hóa và đào thải, khi mất ngủ tế bào thần kinh hoạt động không hiệu quả, tăng sản phẩm thoái hóa.

Để phòng ngừa sa sút trí tuệ cần phải điều trị hiệu quả các bệnh lý nền như cao huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn lipid máu. Ngoài ra, bỏ thuốc lá, tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn ít béo, nhiều rau, trái cây, nhất là uống đủ nước, tham gia các hoạt động xã hội, học và tiếp thu những thông tin mới.

Trồng và sơ chế rong biển hữu cơ theo TCVN 11041-10:2023

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-10:2023 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố nhằm hướng dẫn các yêu cầu đối với việc khai thác tự nhiên và trồng rong biển theo phương pháp hữu cơ, thu hoạch, sơ chế, bảo quản rong biển hữu cơ. Theo đó tại khu vực trồng rong biển hữu cơ phải thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa ô nhiễm bởi các chất không có nguồn gốc tự nhiên.

Nếu không sẵn có vật liệu nhân giống hữu cơ thì có thể sử dụng vật liệu nhân giống khai thác từ các vùng biển tự nhiên. Nếu không sẵn có vật liệu nhân giống thì có thể sử dụng vật liệu nhân giống được xử lý bằng các chất có nguồn gốc tự nhiên. Không được sử dụng công nghệ ADN tái tổ hợp trên vật liệu nhân giống rong biển.

Trong quá trình trồng rong biển, không được sử dụng các chất cung cấp dinh dưỡng (nitơ, phospho v.v…); chỉ được sử dụng các chất dinh dưỡng có tự nhiên trong môi trường hoặc từ nuôi trồng thủy sản hữu cơ, tốt nhất là ở gần đó như một phần của hệ thống nuôi ghép. Chỉ được kiểm soát sinh vật gây hại bằng cách sử dụng biện pháp kiểm soát môi trường trồng rong biển, biện pháp vật lý, biện pháp sinh học hoặc kết hợp các biện pháp nêu trên.

Tại khu vực trồng rong biển, nếu không thể kiểm soát sinh vật gây hại một cách hiệu quả có thể sử dụng các chất có nguồn gốc tự nhiên. Đối với mỗi cơ sở trồng rong biển, phải xác định mật độ rong tối đa có thể được kiểm soát mà không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Cơ sở chỉ được nuôi rong biển với mật độ không vượt quá mật độ rong tối đa xác định theo quy định của Tiêu chuẩn này. Tại cơ sở trồng rong biển mới, với sản lượng 20 tấn rong trở lên mỗi năm, phải thực hiện đánh giá tác động môi trường do ảnh hưởng của việc trồng rong.

Chỉ được loại bỏ các sinh vật gây ô nhiễm sinh học bằng các biện pháp vật lý hoặc biện pháp thủ công và đưa ra ngoài khu vực kiểm soát của cơ sở, nếu cần. Dây và các thiết bị khác được sử dụng để trồng rong biển phải được tái sử dụng hoặc tái chế, nếu có thể. Theo đó, việc trồng rong biển hữu cơ phải đáp ứng những yêu cầu được quy định tại khoản 5.1 Điều 5 nêu trên.

Yêu cầu đối với việc sơ chế rong biển hữu cơ được quy định tại khoản 5.3 Điều 5 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-10:2023. Trong quá trình sơ chế, chế biến, phải duy trì sự toàn vẹn hữu cơ của sản phẩm. Cơ sở phải có các biện pháp để ngăn ngừa ô nhiễm và ngăn ngừa việc trộn lẫn sản phẩm hữu cơ với sản phẩm không hữu cơ.

Việc sơ chế, chế biến rong biển (ví dụ: phân loại, rửa, làm khô, ướp muối v.v…) chỉ được thực hiện bằng biện pháp vật lý hoặc các biện pháp sử dụng chức năng của cơ thể sống; có thể sử dụng nước và muối.

Việc làm sạch thiết bị và phương tiện sơ chế, chế biến; kiểm soát sinh vật gây hại trong quá trình sơ chế, chế biến và việc duy trì và cải thiện chất lượng sản phẩm sơ chế, chế biến chỉ được thực bằng biện pháp vật lý hoặc các biện pháp sử hiện dụng chức năng của cơ thể sống. Tuy nhiên, nếu các biện pháp nêu trên không thể kiểm soát sinh vật gây hại trong quá trình sơ chế, chế biến rong biển thì có thể sử dụng các chất có nguồn gốc tự nhiên. Không được sử dụng công nghệ chiếu xạ để kiểm soát sinh vật gây hại, vệ sinh và bảo quản sản phẩm rong biển.

 Vân Thảo 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích