Nghiên cứu than sinh học chống biến đổi khí hậu
Theo ông Tom Bott, trưởng nhóm nghiên cứu, nhóm đã tiến hành thử nghiệm quy mô lớn tại các vùng đất nông nghiệp để xác định tác động của than sinh học (gỗ cháy). Các nhà khoa học hy vọng khí carbon được cây cối hấp thụ từ không khí trong suốt vòng đời của cây có thể được chôn trong đất (sau khi đất được bổ sung loại than sinh học). Kỹ thuật này cũng có thể giúp nước Anh đạt được mức phát thải ròng bằng 0.
Ông Bott nói: “Khi cây lớn lên, chúng hấp thụ carbon từ khí quyển và biến nó thành gỗ. Sau đó, nếu chúng ta thêm than sinh học vào đất, chúng ta có khả năng nhận được một số lợi ích cho cây trồng của mình và chúng ta cũng đang cô lập carbon để giúp chống biến đổi khí hậu”.
Ảnh minh hoạ
Gỗ nếu bị mục nát hoặc cháy sẽ giải phóng carbon trở lại bầu khí quyển. Tuy nhiên, bằng cách nung nóng gỗ bằng ở độ cao tới 600oC trong lò đã được lọc sạch oxy, carbon trải qua quá trình thay đổi hóa học khiến gỗ ở dạng than sinh học, thường được gọi là “vàng đen”. Tiến sĩ Bott cho biết: “Một khi bạn đưa than sinh học vào đất, nó sẽ không bị phân hủy. Nó sẽ ở đó hàng trăm năm, nếu không muốn nói là hàng nghìn năm. Nó sẽ tiếp tục tồn tại”.
Một trang trại được tài trợ bởi Nghiên cứu và Đổi mới của Vương quốc Anh cũng đang thử nghiệm tính khả thi của việc sử dụng vật liệu này để loại bỏ khí nhà kính khỏi khí quyển. Đất nông nghiệp, chiếm 70% diện tích đất của Anh, được coi là nguồn tài nguyên khổng lồ để lưu trữ carbon. Có bằng chứng cho thấy, khi than sinh học được trộn vào đất, nó hoạt động như một miếng bọt biển, lưu trữ nước mưa và cung cấp nước cho cây trồng trong thời kỳ hạn hán. Điều này có thể giúp làm cho ngành nông nghiệp trở nên “mạnh khỏe” hơn để chống lại biến đổi khí hậu.
Bảo Lâm