Nghiên cứu mới về pin mặt trời trên mái nhà góp phần giảm mức độ ô nhiễm không khí

Để thực hiện nghiên cứu, nhóm nhà khoa học quốc tế từ Ấn Độ, Úc, Mỹ và châu Âu đã phát triển một mô hình kỹ thuật số tiên tiến với mục đích đánh giá ảnh hưởng của các tấm pin mặt trời đến khí hậu của các thành phố.

Công cụ tính toán được sử dụng là mô hình Dự báo và nghiên cứu thời tiết (WRF), kết hợp với mô hình năng lượng tòa nhà (BEM) và tham số hóa hiệu ứng tòa nhà (BEP). Mô hình này đã được thử nghiệm tại 10 địa điểm ở Kolkata, Ấn Độ, với dữ liệu thu thập từ các thí nghiệm thực địa.

Mặc dù có nhiều báo cáo trước đây về tác động của việc lắp đặt năng lượng mặt trời trên mái nhà, hầu hết đều dựa trên các thí nghiệm cụ thể hoặc mô hình quy mô nhỏ mà không có phân tích toàn diện. Các nhà khoa học cho biết nghiên cứu của họ đã lấp đầy những khoảng trống này bằng cách tích hợp các thông số mới, bao gồm cả sự truyền nhiệt đối lưu giữa bề mặt mái và các tấm pin mặt trời.

Tại Kolkata (Ấn Độ), 5 thí nghiệm đã được thực hiện trong những tháng nóng nhất với hệ số phản xạ của mái trần (albedo) là 0,15. Các phương án lắp đặt năng lượng mặt trời đã được thử nghiệm với các mức diện tích khác nhau, từ 0,25 đến 1. Kết quả cho thấy việc lắp đặt các tấm pin mặt trời có thể làm tăng nhiệt độ ban ngày trên mặt đất từ 1,1 đến 1,9°C, đồng thời giảm nhiệt độ không khí vào ban đêm từ 0,3 đến 0,8°C.

Các tấm pin mặt trời trên mái nhà giúp tăng cường sự hòa trộn không khí, giảm thiểu ô nhiễm. Ảnh minh họa

Đặc biệt, nghiên cứu cũng cho thấy các tấm pin mặt trời trên mái nhà giúp tăng cường sự hòa trộn không khí trên đường phố, góp phần giảm mức độ ô nhiễm không khí, mang lại lợi ích cho các thành phố và cư dân của họ. Nghiên cứu đã được xác nhận tại các thành phố khác như Sydney (Úc), Austin (Mỹ), Athens (Hy Lạp) và Brussels (Bỉ), cho thấy tính khả thi của giải pháp này trên nhiều vùng khí hậu khác nhau.

Liên quan tới điện mặt trời, mới đây Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP ngày 22/10/2024 quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.

Nghị định này quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng gồm nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.

Việc mua bán điện trực tiếp giữa các tổ chức, cá nhân được thực hiện theo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.

Như vậy, Nghị định có phạm vi áp dụng mở rộng cho tất cả các đối tượng là nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh được đầu tư, xây dựng trên phạm vi cả nước. Chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định số 135/2024/NĐ-CP là chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.

Được biết, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường không khí đang là vấn đề nan giải của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có đến 92% dân số hiện đang sống trong bầu không khí bị ô nhiễm. 

Theo báo cáo thường niên về chỉ số môi trường (The Environmental Performance Index – EPI) do tổ chức Môi trường Mỹ thực hiện, Việt Nam chúng ta là một trong 10 nước ô nhiễm môi trường không khí hàng đầu châu Á. Tiêu biểu là ô nhiễm bụi (PM 10, PM 2.5). Trong đó thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là nơi bị ô nhiễm không khí nặng nhất của cả nước, có nhiều thời điểm bụi mịn (PM 2.5) bao phủ cả bầu trời làm hạn chế tầm nhìn. Tình trạng này đã có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người và môi trường tự nhiên. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.

Vân Thảo (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích