Nghiên cứu mới từ Mỹ: Ăn nhiều đường có thể thay đổi hoạt động của tế bào dẫn đến lão hoá nhanh

Ăn nhiều đường khiến tế bào già đi về mặt sinh học nhanh hơn so với tuổi thực

Mỗi ngày, chúng ta đều tiêu thụ một lượng đường không nhỏ từ các loại thực phẩm và đồ uống. Tuy nhiên, ít ai biết rằng việc ăn nhiều đường không chỉ ảnh hưởng đến cân nặng, tiểu đường. Thậm chí theo nghiên cứu mới phát hiện ra rằng chế độ ăn nhiều đường cũng có thể làm thay đổi cách thức hoạt động của tế bào và dẫn đến lão hoá nhanh hơn.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu thu thập được từ Nghiên cứu sức khỏe và tăng trưởng của Viện Tim, Phổi và Máu quốc gia (NGHS) Mỹ. Dữ liệu bao gồm thông tin về sức khỏe tim mạch của một nhóm các bé gái da trắng và da đen trong độ tuổi từ 9 đến 19. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi gần 350 người tham gia.

Những người phụ nữ này đã báo cáo thông tin về chế độ ăn uống của họ và cũng cung cấp mẫu nước bọt mà nhóm nghiên cứu sử dụng để phân tích tuổi sinh học của họ. Họ đã sử dụng một dấu hiệu gọi là GrimAge2, cung cấp thông tin về nguy cơ mắc bệnh và tử vong.

Các nhà nghiên cứu đầu tiên xem xét chế độ ăn uống tổng thể của những người tham gia, chấm điểm họ so với chế độ ăn theo kiểu Địa Trung Hải và chế độ ăn uống có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh mãn tính thấp hơn. Họ cũng phát triển điểm số dựa trên biện pháp họ tạo ra, trong đó tính đến các chất dinh dưỡng liên quan đến chống viêm và sửa chữa DNA. Họ phát hiện ra rằng những người tham gia thực hiện chế độ ăn kiêng này có xu hướng có độ tuổi sinh học thấp hơn.

Không nên ăn nhiều đường vì nguy cơ gây hại sức khỏe. Ảnh minh họa

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra lượng đường tiêu thụ của người tham gia. Họ phát hiện ra rằng, trung bình, những người tham gia nghiên cứu tiêu thụ hơn 60 gram đường bổ sung mỗi ngày. Tuy nhiên, lượng đường dư thừa hàng ngày mà họ ăn hoặc uống dao động từ khoảng 3 gram đến 316 gram.

Ngay cả đối với những người có chế độ ăn uống lành mạnh, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng việc ăn nhiều đường khiến tế bào già đi về mặt sinh học nhanh hơn so với tuổi thực, nghĩa là tế bào của họ có nhiều khả năng già hơn về mặt sinh học so với tuổi thật của họ.

Ngoài các yếu tố như hoạt động và mức độ căng thẳng, nghiên cứu cho thấy lượng đường dư thừa đóng vai trò quan trọng trong biểu sinh học, tức là cách hành vi và môi trường có thể gây ra những thay đổi ảnh hưởng đến chức năng của gen.

Lượng đường dư thừa cũng đẩy nhanh quá trình glycation, xảy ra khi đường trong máu bám vào protein và tạo ra các tác nhân có hại gọi là sản phẩm cuối của quá trình glycation nâng cao (AGE). Các AGE này có thể gây viêm và stress oxy hóa, làm tăng tốc quá trình lão hóa tế bào.

Ngoài ra, theo nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng đường có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng miễn dịch của cơ thể. Việc tiêu thụ đường có thể làm giảm khả năng phản ứng miễn dịch và làm suy yếu khả năng phòng ngừa của cơ thể đối với các bệnh lý.

Đường làm tăng đột biến nồng độ glucoza trong máu, gây ra mệt mỏi và cảm giác suy nhược. Việc đưa vào cơ thể lượng đường không ổn định dễ dẫn đến cảm giác thèm ăn đường không ngừng, khởi đầu cho chu kỳ nghiện đường. Thói quen ăn nhiều đường thường mang lại cảm giác thoải mái tạm thời, tuy nhiên sau vài giờ, cơ thể lại bắt đầu đòi hỏi thêm lượng đường và thức ăn nhanh chóng. Vì vậy người tiêu thụ nhiều đường luôn cảm giác đói và mệt mỏi suốt cả ngày.

Ăn đường thế nào để đảm bảo an toàn

Đường không chỉ đẩy nhanh quá trình lão hóa mà còn có thể gây hại đáng kể đến sức khoẻ. Điều quan trọng phải hiểu được sự khác biệt giữa các loại đường. Trong khi khoai tây chiên, món tráng miệng và soda là những thủ phạm nổi tiếng chứa nhiều đường. Thậm chí, những thực phẩm như nước sốt trộn salad, đồ ăn đông lạnh và cả thực phẩm bổ sung đều chứa nhiều đường.

Theo thông tin từ Bệnh viện Vinmec, hiện nay thực trạng thừa cân béo phì và các bệnh lý không lây liên quan đến dinh dưỡng như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư… ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Do đó, người tiêu dùng cần lưu ý chọn lựa những thực phẩm tốt cho sức khỏe để ăn uống hàng ngày. Theo đó, thực phẩm hàng ngày có thể tính toán quy ước tương đương lượng đường như sau: Một chén cơm chứa khoảng 45-50g chất bột đường (chứa đường phức), cung cấp 180-200 Kcal; Một củ khoai lang khoảng 160g chứa 45g chất bột đường; Một muỗng cà phê đường cát chứa 4g đường (muỗng vun sẽ chứa 8g); Một muỗng canh đường cát (loại muỗng 8ml dùng để ăn phở) chứa 6g đường (với muỗng vun là 14g)

Các loại nước ngọt (kể cả nước trái cây đóng hộp, soda chanh, trà chanh đóng chai, nước ngọt có gaz) đều chứa từ 10-14g đường/100g sản phẩm. Nước tăng lực nhiều hơn, có đến 19g đường/100g sản phẩm. Như vậy, chỉ với một lon nước ngọt 330ml (chứa khoảng 34g đường) thì cơ thể đã tiêu thụ một lượng đường quá cao so với mức được phép trong một ngày.

Đặc biệt, các loại sữa có đường có chứa khoảng 6-10g đường/100g sản phẩm (lượng đường cao nhất ở sữa có vị chocolate). Sữa chua cũng chứa khoảng 10g/100g sản phẩm. Mặc dù sữa là thực phẩm được khuyến khích nên dùng nhưng nếu thường xuyên sử dụng, cơ thể sẽ tiêu thụ một lượng đường khá cao.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần tập thói quen đọc bao bì nhãn hiệu sản phẩm khi chọn sử dụng. Các bậc cha mẹ cũng tập cho con cái thói quen ăn ít mặn và bớt ngọt trong chế độ ăn hàng ngày để có thể bảo vệ sức khỏe cơ thể lâu dài.

Đối với những người ăn kiêng, cần giảm cân thì nên duy trì lượng bột đường tối thiểu nạp cho cơ thể hoạt động. Nếu bỏ bữa chính hoặc ăn không đầy đủ, ăn kiêng hoàn toàn mà không có chất bột đường thì cơ thể sẽ bị thiếu đường. Nếu ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm (gồm nhóm bột đường, nhóm béo, đạm, rau và trái cây) thì không cần phải sử dụng đường tinh (đường cát, bánh kẹo, nước ngọt…). Khi ăn lượng đường nhiều hơn so với nhu cầu (ăn nhiều cơm, nước ngọt, bánh kẹo, trái cây ngọt…) thì sẽ bị dư đường. Người có rối loạn chuyển hóa đường gần như không có biểu hiện lâm sàng nào nên rất khó phát hiện. Chỉ có xét nghiệm đường huyết hoặc thực hiện các nghiệm pháp dung nạp đường mới có thể phát hiện được.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13743:2023 đường trắng

Tiêu chuẩn này do Bộ Khoa học và công nghệ ban hành áp dụng cho đường trắng và đường trắng đồn điền dùng làm thực phẩm. Theo đó yêu cầu về nguyên liệu dùng để chế biến đường trắng và đường trắng đồn điền đảm bảo các quy định hiện hành về chất lượng và an toàn thực phẩm (nếu có). Yêu cầu cảm quan đối với đường trắng và đường trắng đồn điền được quy định phải có màu sắc tinh thể màu trắng, khi pha trong nước cất với tỷ lệ đến 50 % (phần khối lượng/thể tích) cho dung dịch trong, dạng hạt đồng đều, không có mùi lạ. Sản phẩm phải có khả năng cho phép truy xuất nguồn gốc, phù hợp với quy định hiện hành. Đường trắng và đường trắng đồn điền được đóng gói trong các bao bì khô, sạch, nguyên vẹn, bền, không hút ẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành.

Vân Thảo (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích