Nghiên cứu mới phát hiện một protein chưa từng biết đến có thể giúp con người sống lâu
Theo News-Medical, nhóm nghiên cứu từ Đại học McMaster cho biết họ đã đã phát hiện ra chức năng bảo vệ tế bào, đem đến sự “trường sinh bất lão” của một loại protein chưa từng được biết đến trước đây, gọi là gọi là MANF.
Viết trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences, các tác giả giải thích rằng tế bào của chúng ta tạo ra protein và loại bỏ chúng sau khi thực hiện nhiệm vụ của mình.
Quá trình duy trì liên tục, hiệu quả này được gọi là cân bằng nội môi tế bào. Tuy nhiên, khi chúng ta già đi, khả năng này giảm dần, khiến các tế bào dễ tạo ra protein không đúng cách, quá trình dọn dẹp từ đó cũng bị lỗi hoặc quá tải. Kết quả là các protein “rác” có thể kết tụ với nhau, dẫn đến sự tích tụ có hại.
“Nếu không thể khắc phục được vấn đề, tế bào sẽ chết, cuối cùng dẫn đến thoái hóa tế bào thần kinh và sau đó là các bệnh thoái hóa thần kinh ví dụ như Alzheimer hay Parkinson” – GS Bhagwati Gupta, người giám sát nghiên cứu, cho biết. Một số thử nghiệm trước đây cho thấy protein MANF dường như giúp giảm sự căng thẳng tế bào trong trường hợp này.
Vì vậy, các tác giả đã tìm hiểu cặn kẽ hơn hoạt động của protein này trong giun tròn C. elegans, vì chúng cũng có MANF giống như con người và các động vật khác. Những con vật trong suốt này đã giúp các nhà khoa học nhìn rõ hơn cách mà MANF biểu hiện trong các mô khác nhau.
Một loại protein chưa từng được biết đến trước đây, gọi là gọi là MANF có thể giúp con người ‘trường sinh bất lão”. Ảnh minh họa
Trong các mô này, MANF có mặt trong các cấu trúc lysosome (tiêu thể trong tế bào) có liên quan đến tuổi thọ và sự kết tụ protein. MANF đóng vai trò quan trọng trong quá trình “dọn rác” của tế bào bằng cách giúp phân hủy các protein tích tụ, giúp tế bào khỏe mạnh hơn và không bị rối loạn. Việc tăng mức MANF cũng kích hoạt hệ thống làm sạch tự nhiên bên trong tế bào, giúp chúng hoạt động tốt hơn trong thời gian dài hơn.
“Ý tưởng chính của nghiên cứu lão hóa về cơ bản là chúng ta có thể làm cho các quá trình tốt hơn và hiệu quả hơn không” – GS Gupta giải thích.
Theo ông, bằng cách hiểu cách MANF hoạt động và nhắm mục tiêu vào chức năng của nó, chúng ta có thể phát triển các phương pháp điều trị mới cho các bệnh liên quan đến tuổi tác, thông qua việc giữ cho hoạt động của cơ thể ở cấp độ tế bào luôn “trẻ”.
Trước đó, trong các thí nghiệm ở Mỹ, tế bào người đã đạt được một số khả năng “bất tử” giống Tardigrade khi protein của sinh vật này được đưa vào. Thử nghiệm từ nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Đại học Wyoming (Mỹ) có thể mở được cho một loạt ứng dụng y học đột phá, cứu sống nhiều mạng người cũng như giúp chúng ta chạm gần hơn đến giấc mơ “trường sinh bất lão”, nhờ một trong các yếu tố giúp tardigrade “bất tử”.
Tardigrade, tức bọ gấu nước, là một sinh vật hoàn toàn dị biệt. Nhỏ bé nhưng dường như không có gì phá hủy nổi, một số tardigrade sống được trong nước gần như sôi, trong lòng đất băng lạnh, hồi sinh và tiếp tục sinh sản sau hàng chục năm bị khô cong giữa sa mạc tử thần Atacama của Chile…
Thậm chí người ta hoài nghi nó đã bám theo các tàu vũ trụ và trở thành loài độc chiếm Mặt Trăng ngay lúc này. Cơ thể tardigrade đầy những thứ giúp nó bất tử. Nhưng nhóm nghiên cứu Mỹ đã tập trung vào một protein đặc biệt gọi là CAHS D, được biết đến với khả năng giúp nó sống sót dù cơ thể bị khô nhiều năm.
Khi đưa protein này vào tế bào người trong phòng thí nghiệm, nó đã giúp các tế bào có khả năng làm chậm các quá trình sinh học, từ đó chống chịu các căng thẳng xảy ra do điều kiện cực đoan và cả quá trình lão hóa tự nhiên. “Phát hiện của chúng tôi mở ra một con đường để theo đuổi các công nghệ tập trung vào việc tạo ra sự cân bằng sinh học trong tế bào và thậm chí toàn bộ sinh vật để làm chậm quá trình lão hóa, tăng cường khả năng lưu trữ và tính ổn định” – các tác giả cho biết.
Ngoài ra, nó có thể được ứng dụng vào các phương pháp điều trị trong đó tế bào cần được lưu giữ an toàn, làm chậm quá trình hư hại tự nhiên khi thiếu đi các điều kiện cần thiết để hoạt động bình thường, ví dụ như trong phẫu thuật cấy ghép nội tạng.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đang tìm hiểu xem protein “bất tử” này có thể ổn định các phẩm máu quan trọng được sử dụng để điều trị các bệnh di truyền hay không. Sẽ cần nhiều nghiên cứu sâu hơn để biến bước khởi đầu này thành những ứng dụng được áp dụng rộng rãi trong y học.
Vân Thảo(T/h)