Nghiên cứu khoa học công nghệ góp phần quan trọng cho sự phát triển quản lý ngành TN&MT
Nghiên cứu khoa học công nghệ góp phần quan trọng cho sự phát triển quản lý ngành TN&MT
Công tác khoa học luôn gắn liền với quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển trong quản lý tài nguyên môi trường và phát triển bền vững.
TN&MTCông tác khoa học luôn gắn liền với quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển trong quản lý tài nguyên môi trường và phát triển bền vững. Nghiên cứu khoa học công nghệ luôn được xác định là khâu đột phá để thu thập, phân tích và xử lý thông tin từ đó tham mưu cho Chính Phủ về hoạch định chính sách, chủ trương, đường lối về quy hoạch tài nguyên và môi trường đúng đắn, phù hợp đáp ứng được những nhu cầu thực tiễn trong từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và hiệu quả trong ứng dụng thực tiễn quản lý tài nguyên và môi trường
Đối tượng và phạm vi về Quản lý Tài nguyên và Môi trường rất rộng bao gồm nhiều lĩnh vực quản lý như: Môi trường, đất đai, quản lý tài nguyên nước, địa chất – khoáng sản, khí hậu, khí tượng thủy văn, đo đạc bản đồ, viễn thám, biển và hải đảo, đa dạng sinh học,… luật và chính sách tài nguyên môi trường, công nghệ xử lý chất thải, đánh giá tác động môi trường…từ đó tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững và phục vụ đời sống, sản xuất. Do vậy, nghiên cứu khoa học công nghệ luôn được xác định là khâu đột phá để thu thập, phân tích và xử lý thông tin từ đó tham mưu cho Chính phủ về hoạch định chính sách, chủ trương, đường lối về quy hoạch tài nguyên và môi trường đúng đắn, phù hợp đáp ứng được những nhu cầu thực tiễn trong từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Công tác khoa học luôn gắn liền với quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển trong quản lý tài nguyên môi trường và phát triển bền vững. Chỉ tính riêng năm 2022, Bộ TN&MT đã triển khai thực hiện 101 đề tài cấp bộ chuyển tiếp, có 76 đề tài cấp Bộ và 15 đề tài cấp cơ sở trong nghiên cứu khoa học công nghệ (KH&CN).
Các kết quả thực hiện công tác nghiên cứu KH&CN đã giúp xây dựng nhiều văn bản pháp luật về tài nguyên và môi trường; đã chuyển giao ứng dụng nhiều công nghệ mới trong các lĩnh vực quản lý đất đai, đo đạc bản đồ và viễn thám, tài nguyên nước, môi trường, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, địa chất khoáng sản, biển và hải đảo và ứng dụng khoa học và công nghệ trong chuyển đổi số và chính phủ điện tử; nhiều đề tài đã có nghiên cứu đổi mới sáng tạo trong các ngành, lĩnh vực, các hướng công nghệ ưu tiên; các chương trình thực hiện nghiên cứu đã bám sát theo quyết định của Thủ tướng chính phủ, lựa chọn các nhiệm vụ có tính ưu tiên theo khung chương trình đã phê duyệt cho giai đoạn đến năm 2025.
Vai trò của nghiên cứu khoa học công nghệ trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường
Đối với lĩnh vực đất đai, các nhiệm vụ nghiên cứu về KH&CN đã kịp thời cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phục vụ sửa đổi và xây dựng Luật Đất đai; thực hiện đề xuất định hướng đổi mới, hoàn thiện cấu trúc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và xây dựng Bộ Luật Đất đai mang tính toàn diện đáp ứng nhu cầu quản lý thực tiễn tại Việt Nam, các quy định về phân loại đất và chế độ quản lý, sử dụng đất đa mục đích, xây dựng công trình đa năng cùng các phương pháp định giá đất, nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước về đất đai của ngành tài nguyên và môi trường.
Đối với lĩnh vực tài nguyên nước, các đề tài nghiên cứu đã cung cấp các cơ sở lý luận và thực tiễn về nghiên cứu cơ chế, chính sách hợp tác trong điều tra, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, tài nguyên địa chất, khoáng sản liên quốc gia của Việt Nam; Cơ sở về quy định pháp luật trong việc sử dụng tiết kiệm, tái sử dụng, tuần hoàn tài nguyên nước và kinh nghiệm quốc tế trong xác lập hệ thống chỉ tiêu đánh giá, theo dõi an ninh tài nguyên nước quốc gia, giúp xác định mô hình quản trị tài nguyên thông minh, phát triển tài nguyên nước phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.
Đối với địa chất khoáng sản, trong những năm qua nhiều đề tài đã nghiên cứu xác lập các phương pháp đánh giá các khoáng sản vàng, đá quý, volfram ở các điểm quặng, điểm mỏ; xác định cấu trúc địa chất phục vụ công tác dự báo triển vọng khoáng sản trên cơ sở tổ hợp các phương pháp nghiên cứu địa chất – khoáng sản và địa vật lý, viễn thám phục vụ định hướng cho công tác tìm kiếm, thăm dò khoáng sản cùng xây dựng ứng dụng hệ phương pháp điều tra, thăm dò và các diện tích có triển vọng về quặng đất hiếm ở khu vực Tây Bắc Việt Nam phục vụ cho công tác quy hoạch khoáng sản đất hiếm ở khu vực Tây Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung, tầm nhìn đến năm 2050, chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đối với lĩnh vực khí hậu, thủy văn, nhiều đề tài đã phát hiện hướng nghiên cứu nhằm phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và đề xuất các cơ chế chính sách, thu thập kinh nghiệm quốc tế nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tham gia với ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Kết quả từ việc lựa chọn được bộ chỉ số dao động khí hậu quy mô lớn phục vụ dự báo khí hậu cho Việt Nam và trên xây dựng mô hình thống kê dự báo khí hậu ở Việt Nam hạn 3 tháng trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn.
Đối với công tác đo đạc và bản đồ, các nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị sử dụng phục vụ công tác đo đạc bản đồ đã được cải tiến, trong đó có thiết bị đo GNSS và xuồng không người lái sử dụng cho đo bản đồ tỷ lệ lớn đáy sông biển được chế tạo trên cơ sở tích hợp thiết bị đo sây hồi âm với hệ thống IMU – GNSS –RTK, cho thấy khả năng nắm bắt, tiến bộ công nghệ để có thể tự chủ và áp dụng hiệu cao, đảm bảo chất lượng và giảm chi phí đã được nâng cao thông qua công tác nghiên cứu khoa học.
Đặc biệt, trong lĩnh vực môi trường, hiệu quả của công tác nghiên cứu KH&CN đã góp phần đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư đến di sản thiên nhiên; nâng cao mức độ tự động hóa nhằm hoàn thiện công nghệ tiếp nhận, phân loại chất thải rắn sinh hoạt trong hệ thống kín và xử lý theo hướng thu hồi tài nguyên, không gây ô nhiễm môi trường; đề xuất giải pháp quản lý, xử lý pin năng lượng mặt trời thải; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xác định khoảng cách an toàn về môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đến khu dân cư và đề xuất áp dụng cho Việt Nam; nghiên cứu xây dựng quy định về bảo vệ môi trường nhằm đẩy mạnh việc thực hiện về quy định của Luật bảo vệ môi trường đối với các công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ, thiết bị thu gom, lưu chứa tạm thời chất thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình, cá nhân,…
Nâng cao vai trò của nghiên cứu khoa học theo hướng phát triển bền vững
Thời gian tới, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên và môi trường đặt ra hết sức nặng nề, nhất trong thời kỳ đang diễn ra biến đổi khí hậu rất gay gắt trên toàn cầu, nhiều hệ sinh thái nguy cơ tiệt chủng, tài nguyên bị suy thoái nghiêm trọng. Vì vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển khoa học công nghệ phải phát huy những kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khoa học và công nghệ để phục vụ nhiệm vụ quản lý tài nguyên và môi trường theo hướng phát triển bền vững góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Ảnh minh họa
Cần xây dựng Cổng thông tin điện tử nghiên cứu khoa học và công nghệ triển khai đến tất cả các đơn vị địa phương đáp ứng tốt yêu cầu cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu, tạo diễn đàn nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực về tài nguyên và môi trường. Triển khai ứng dụng phần mềm đăng ký tự động hồ sơ khoa học để dễ dàng đăng ký các đề tài nghiên cứu hàng năm. Bên cạnh đó, cũng tạo điều kiện cho hội đồng khoa học của Bộ dễ lựa chọn công trình phù hợp, lựa chọn những đề tài nghiên cứu khoa học đi sát nhu cầu thực tế, giàu triển vọng ứng dụng vào sản xuất và đời sống.
Cần khuyến khích, tạo động lực cho các nhà khoa học trẻ tham gia tích cực những hoạt động nghiên cứu khoa học thông qua việc biểu dương thành tích tại các cuộc thi, các cuộc hội thảo nghiên cứu khoa học ở các cấp, để đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính để phát triển bền vững. Thúc đẩy nghiên cứu khoa học góp phần chuyển đổi nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công tác quản lý tài nguyên và môi trường theo hướng phát triển bền vững.
TS. Nguyễn Tiến Dũng
Học viện Cảnh sát nhân dân
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị