Nghiên cứu khả năng xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội cấp độ vùng ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc trong bối cảnh chuyển đổi số

IMG_5225
Toàn cảnh Hội thảo

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề sau: rà soát khung pháp lý về thể chế kinh tế vùng, cơ chế liên kết vùng, không chính sách liên quan đến xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội cấp vùng; phân tích kinh nghiệm quốc tế về xây dựng mục tiêu kinh tế – xã hội cấp vùng (Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia) và các yêu cầu và điều kiện cần thiết đối với xây dựng mục tiêu cấp độ vùng, từ đó kiến nghị các nhóm giải pháp và lộ trình xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội cấp độ vùng đối với vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Trong những năm qua, các chỉ tiêu hiện có đều cho thấy tình hình kinh tế – xã hội vùng Trung du và miền núi phía Bắc tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội bước đầu được triển khai có hiệu quả. Nhóm chính sách vùng Trung du và miền núi phía Bắc và chỉ tiêu kinh tế xã hội đang ngày càng được bổ sung và hoàn thiện. Các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội được xem xét, thông qua, bước đầu bảo đảm tính khả thi và có thể đo lường, giám sát được về phương pháp và yêu cầu thống kê. Động lực tăng trưởng kinh tế xã hội khu vực Trung du và miền núi phía Bắc bước đầu được hình thành.

Tuy nhiên, những bất cập của hệ thống chỉ tiêu cũ liên quan đến vùng Trung du và miền núi phía Bắc cần tiếp tục xử lý bao gồm: chưa có thể chế trực tiếp sử dụng kết quả theo dõi, đánh giá một số chỉ tiêu cấp vùng một cách định kỳ phục vụ công tác điều hành; phương pháp tính toán thu thập số liệu và gộp từ số liệu cấp địa phương trong vùng lên số liệu cấp vùng còn đang hoàn thiện; quy hoạch định hướng phát triển cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc trên cơ sở tính đặc thù của các địa phương trong vùng còn hạn chế; phân cấp thực hiện chưa rõ ràng, nguồn lực (tài chính, nhân lực) để bảo đảm xây dựng, điều chỉnh và theo dõi, giám sát các chỉ tiêu thống kê kinh tế – xã hội ở các địa phương trong vùng còn khó khăn… Ngoài ra, các chỉ tiêu đánh giá phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc hiện nay vẫn chỉ cộng gộp từ các địa phương nên chưa đánh giá được hết đặc thù của từng địa phương trong vùng. Trong khi đó, phân cấp xây dựng, triển khai và đánh giá mục tiêu vẫn còn nhiều lúng túng, đặc biệt là ở cấp địa phương. Hội đồng điều phối vùng đã được thành lập nhưng chưa có quy chế hoạt động, chưa có quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân, quy chế thi đua, cơ chế khen thưởng, xử phạt tập thể… nên không hoàn thành nhiệm vụ.

Trong thời gian tới, cần thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như: tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế vùng và liên kết vùng, nhằm tạo động lực cho phát huy lợi thế so sánh của cả vùng và từng địa phương trong vùng; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trong đó có nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thống kê vùng; thử nghiệm xây dựng và giao chỉ tiêu ở cấp vùng, lộ trình thực hiện các chỉ tiêu cấp vùng theo từng năm, gắn với các nhiệm vụ cụ thể; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thông tin, thống kê, theo dõi đánh giá thực hiện các chỉ tiêu…

IMG_5231
Ông Nguyễn Ngọc Quang – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam (bên trái) thảo luận tại chương trình

Thảo luận tại chương trình, ông Nguyễn Ngọc Quang – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam cho biết: “Việt Nam chúng ta có khí hậu, thời tiết thuận lợị, nhưng chúng ta nên ưu tiên tập trung phát triển theo vùng, có quy hoạch theo vùng rõ ràng. Ví dụ, ở Sơn La, bà con sản xuất rất nhiều rau, hoa quả và tiêu thụ ở các chợ đầu mối Hà Nội, tuy nhiên vẫn còn là mô hình tự phát và chưa thực sự hiệu quả, hoặc như ở một số địa phương khác xảy ra tình trạng thiếu thức ăn chăn nuôi nhưng ở một số tỉnh miền núi lại thừa ngô, khoai, sắn… thậm chí để mốc. Vì vậy, chúng ta cần quy hoạch rõ ràng địa phương nào phù hợp với mô hình phát triển nào, để đảm bảo cung cầu và không xảy ra tình trạng nơi thiếu, nơi thừa, khó khăn cho mục tiêu phát triển kinh tế.”

Tại hội thảo, các chuyên gia và đại biểu cũng trao đổi những nội dung, tồn tại, hạn chế về cơ chế, chính sách trong việc xây dựng và giao thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội cấp vùng nói chung và trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc nói riêng, đồng thời kiến nghị các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả việc xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội cấp độ vùng đối với vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích