Nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về trí tuệ nhân tạo

Bộ Tư pháp vừa tổ chức Hội thảo “Pháp luật về trí tuệ nhân tạo: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam”.

Phát biểu tại hội thảo, bà Kristina Buende, Trưởng ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, trí tuệ nhân tạo đã mở ra nhiều cơ hội phát triển và cả những thách thức cho Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo của Liên minh châu Âu và của Việt Nam cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Từ đó đề xuất các chính sách, pháp luật về trí tuệ nhân tạo phù hợp với thể chế chính trị, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và các mục tiêu của Việt Nam.

Phó Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Patrick Haverman ghi nhận và đánh giá cao các bước tiến của Việt Nam trong việc thúc đẩy quá trình nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo.

Ông khẳng định, UNDP sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện, thúc đẩy khuôn khổ pháp lý để phát triển khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo một cách an toàn, giảm thiểu rủi ro.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, trí tuệ nhân tạo (AI) đã có sự phát triển nhanh trong những năm gần đây, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế và nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống.

Nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về trí tuệ nhân tạo
Toàn cảnh hội thảo.

Ở hầu hết các quốc gia, dù là quốc gia phát triển hay đang phát triển, việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đều đang thu hút sự quan tâm rất lớn của cả Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ngày 26/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 127/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Chiến lược xác định sự cần thiết phải: “Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo”.

Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã và đang nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về khuôn khổ chính sách, pháp luật đối với trí tuệ nhân tạo và sẽ tiếp tục các nghiên cứu khác trong thời gian tới.

Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc hy vọng hội thảo sẽ là cơ hội để các cơ quan Việt Nam, các chuyên gia quốc tế cùng trao đổi, chia sẻ, nhận diện đầy đủ các vấn đề đặt ra, những cơ hội và thách thức đem lại từ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng khuôn khổ chính sách, pháp luật điều chỉnh đối với trí tuệ nhân tạo.

Trình bày một số kết quả đã đạt được trong quá trình triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, theo kết quả đánh giá và công bố trong báo cáo “Chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo của Chính phủ” do Oxford Insight thực hiện, năm 2023, Việt Nam đứng thứ 59/193 quốc gia trên thế giới, đứng thứ 5/10 trong khối ASEAN về khai thác ứng dụng trí tuệ nhân tạo để vận hành và cung cấp dịch vụ, tăng một bậc so với năm 2022.

Để thúc đẩy triển khai Chiến lược trí tuệ nhân tạo hiệu quả hơn nữa, các bộ, cơ quan liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Chiến lược. Trong đó, cần tập trung vào việc rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách; chủ động nghiên cứu kinh nghiệm các nước và khuyến nghị của các tổ chức quốc tế; tăng cường nghiên cứu, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia…

Tại hội thảo, các đại biểu cũng được nghe các diễn giả chia sẻ các kinh nghiệm của quốc tế trong việc xây dựng, thực thi pháp luật điều chỉnh trí tuệ nhân tạo và một số vấn đề pháp lý đặt ra trong việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo…

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích