Nghiên cứu đầu tư 9 tỷ USD xây đường sắt TP HCM – Cần Thơ
Nghiên cứu đầu tư 9 tỷ USD xây đường sắt TP HCM – Cần Thơ
Theo dõi MTĐT trên
Tuyến đường sắt TP. HCM – Cần Thơ sẽ đi qua 6 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài hơn 174km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9 tỷ USD, tương đương 213.948 tỷ đồng.
Ban quản lý dự án đường sắt vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tình hình khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ.
Theo đơn vị được Bộ GTVT giao lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, trong nghiên cứu đã tiến hành rà soát các nghiên cứu trước đây, cập nhật, bổ sung làm rõ các nội dung theo yêu cầu. Đồng thời, đơn vị lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cũng đã tổ chức thảo luận xin ý kiến các địa phương, cơ quan liên quan.
Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy, việc đầu tư đường sắt TP.HCM – Cần Thơ là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trong tương lai, đồng thời đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững giao thông vận tải, tái cấu trúc đô thị và phân bổ dân cư, lao động trên hành lang TP.HCM – Cần Thơ, thúc đẩy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Hướng tuyến của tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ bắt đầu từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ), đi qua 6 tỉnh/thành phố với tổng chiều dài 174,42km. Trên tuyến bố trí 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa, khám xe, chỉnh bị…. được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi – khổ 1435mm – điện khí hóa.
Công nghệ đường sắt được lựa chọn cho tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ là đoàn tàu động lực phân tán (EMU) cho tàu khách, đoàn tàu động lực tập trung cho tàu hàng, tín hiệu điều khiển tàu tự động trên nền tảng thông tin vô tuyến; tốc độ thiết kế lớn nhất 190km/h (tàu khách khai thác tốc độ <190km/h, tàu hàng khai thác tốc độ <120km/h). Kết cấu tuyến chủ yếu trên nền đắp và cầu cạn.
Về phương án tổ chức vận tải tàu khách và tàu hàng, Ban quản lý dự án đường sắt kiến nghị tàu hàng sẽ được tổ chức từ Tân Kiên đến ga ga An Bình và Cần Thơ; tàu khách được tổ chức từ Tân Kiên và ga Bình Triệu đến ga Cần Thơ; trong đó tổ chức một số đoàn tàu ngoại ô từ ga Tân Kiên đến ga Tam Hiệp. Tổng mức đầu tư Dự án dự kiến là 213.948 tỷ đồng (khoảng 9,07 tỷ USD).
Về phương án đầu tư, tư vấn nghiên cứu đề xuất đầu tư dự án theo hình thức PPP: Nhà nước thanh toán tiền GPMB, nhà đầu tư PPP huy động vốn xây dựng hạ tầng, thử nghiệm và bàn giao lại cho Nhà nước, đây là hình thức BTL.
Về mô hình quản lý khai thác, nhà đầu tư thành lập Công ty cổ phần vận tải đường sắt TP.HCM – Cần Thơ để đầu tư phương tiện, tổ chức vận hành khai thác và bảo dưỡng hạ tầng, phương tiện và trả phí thuê cơ sở hạ tầng cho Công ty đầu tư và quản lý hạ tầng đường sắt (của nhà nước). Trong giai đoạn sau tiếp tục nghiên cứu đề xuất thêm các mô hình phù hợp với mô hình đầu tư.
Ban quản lý dự án đường sắt cho biết, khó khăn trong quá trình nghiên cứu Dự án trải dài trên tuyến, qua rất nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, do việc điều chỉnh, cập nhật quy hoạch mạng lưới đường sắt cũng như quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của các địa phương đang được tiến hành cập nhật nên công tác thỏa thuận gặp rất nhiều khó khăn và kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ nghiên cứu Dự án.
Bộ Giao thông Vận tải đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt nghiên cứu chuẩn bị đầu tư dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong quý 4/2022 để triển khai các thủ tục tiếp theo, phấn đấu hoàn thành chuẩn bị đầu tư trước năm 2025 và triển khai xây dựng trước 2030.
Tính đến cuối tháng 12/2022, Ban quản lý dự án đường sắt đã cùng tư vấn khẩn trương làm việc với các địa phương về thống nhất phương án tuyến, vị trí ga, depot Dự án. Tuy nhiên đến nay, Ban quản lý dự án đường sắt chưa nhận được ý kiến chính thức của UBND TP.HCM, UBND tỉnh Bình Dương và UBND tỉnh Tiền Giang.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị