Nghiên cứu đánh giá chất lượng các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan tới doanh nghiệp

Theo VCCI, cơ quan này đang chuẩn bị một nghiên cứu về chất lượng các tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm phát hiện vấn đề bất cập của việc ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, từ đó đưa ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các văn bản này, giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi hoá cho kinh doanh.

Nhằm chuẩn bị cho nghiên cứu này, VCCI cho biết đã gửi công văn tới doanh nghiệp/hiệp hội đề nghị cung cấp thông tin về những vướng mắc, bất cập của các tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến hoạt động của mình.

Các góp ý có thể xoay quanh vấn đề về việc ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn như: Sự cần thiết ban hành; Thẩm quyền ban hành; Công khai hồ sơ dự thảo và các tài liệu liên quan trước khi ban hành; Lấy ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội là đối tượng chịu tác động; Phản hồi, tiếp thu, giải trình ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội; Hiệu lực thời gian, hiệu lực trở về trước (hồi tố), lộ trình áp dụng; Các vấn đề khác về việc ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn.

 Ảnh minh hoạ.

Các vấn đề về nội dung quy chuẩn, tiêu chuẩn như: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng tác động; Phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; Tính thống nhất, không trái quy định của cấp trên, không chồng chéo với các quy định khác; Tính khả thi, khả năng dự đoán trước, điều kiện thi hành; Tính hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tiễn, mang lại tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực, hạn chế tối đa chi phí tuân thủ; Tính minh bạch, quy định rõ ràng, khách quan, định lượng, dễ hiểu, không bị hiểu theo nhiều cách khác nhau; Tương thích với các cam kết quốc tế, với tiêu chuẩn quốc tế và nước ngoài; Các vấn đề khác về nội dung quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Các vấn đề về việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn như: Công tác tuyên truyền, phổ biến về quy chuẩn, tiêu chuẩn; Hướng dẫn áp dụng, giải đáp thắc mắc; Tính sẵn có và chi phí hợp lý của dịch vụ đánh giá sự phù hợp; Mức độ cạnh tranh hoặc độc quyền của dịch vụ đánh giá sự phù hợp; Áp dụng bình đẳng, công bằng giữa các đối tượng chịu tác động; Không nhũng nhiễu, gây phiền hà khi áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn; Tiếp nhận phản hồi, rà soát nội dung quy chuẩn, tiêu chuẩn; Các vấn đề khác về việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích