Nghiên cứu của đại học Mỹ: Ô nhiễm nhựa gây ung thư, vô sinh ở phụ nữ

Nghiên cứu của đại học Mỹ: Ô nhiễm nhựa gây ung thư, vô sinh ở phụ nữ

Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Michigan, Hoa Kỳ, các nhà khoa học đã xác định rằng một trong những hóa chất được sử dụng trong sản xuất nhựa (phthalates) có khả năng gây ung thư và vô sinh ở phụ nữ.

Nhựa ở khắp mọi nơi xung quanh ta; từ bao bì thực phẩm, mỹ phẩm, cho đến đồ chơi trẻ em. Nhựa là thành phần cấu tạo của chiếc xe chúng ta đi hàng ngày; nhựa còn có mặt ở trong căn bếp, trong tủ lạnh, và muôn vàn không gian khác. Nói ngắn gọn, nhựa chính là một phần lớn trong cuộc sống hiện đại.

Ô nhiễm nhựa gây tiểu đường, ung thư, vô sinh ở phụ nữ - Ảnh 1.
Bao bì nhựa dùng trong thực phẩm (Nguồn: CBC News)

Chúng ta cũng biết, một phần không nhỏ các sản phẩm nhựa trên thị trường sẽ phân hủy từ từ khi tiếp xúc với nước, nhiệt độ cao và các tác nhân ăn mòn khác. Geoffrey Kamese, giám đốc điều hành của Bio Vision Africa, một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực quản lý năng lượng, môi trường và hóa chất, cho biết có hơn 10 loại hóa chất được sử dụng để sản xuất nhựa.

Kamese cho biết, hầu hết chúng đều có hại cho con người và môi trường. Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Michigan, Hoa Kỳ, người ta đã xác định rằng một trong những hóa chất được sử dụng trong sản xuất nhựa (phthalates) có khả năng gây ung thư và vô sinh ở phụ nữ.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tiếp xúc với các hóa chất phthalate trong khoảng thời gian sáu năm có thể góp phần làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ da trắng”, PGS. Sung Kyun Park, Trường Y tế Công cộng, Đại học Michigan, cho biết.

“Tiếp xúc với phthalates hàng ngày có khả năng làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh chuyển hóa. Điều quan trọng là chúng ta phải mau chóng xử lý các hóa chất gây rối loạn nội tiết vì chúng có hại cho sức khỏe con người,” ông bổ sung.

Nghiên cứu 1,308 phụ nữ trong vòng sáu năm để xem liệu phthalates có góp phần gây ra bệnh tiểu đường ở nhóm đối tượng này hay không, các chuyên gia phát hiện khoảng 5% phụ nữ mắc bệnh tiểu đường trong giai đoạn này.

Những phụ nữ này có nồng độ phthalate cao trong nước tiểu, tương tự kết quả nghiên cứu trên phụ nữ trung niên ở Mỹ vào đầu những năm 2000. Phụ nữ da trắng tiếp xúc nhiều với phthalates có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 30-63% so với thông thường. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các hóa chất trên không liên quan đến bệnh tiểu đường ở phụ nữ da đen và châu Á.

Phthalate là gì? Tại sao nó có hại?

Phthalates là một nhóm hóa chất được sử dụng để làm cho nhựa dẻo và bền hơn. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng phthalates có khả năng gây rối loạn nội tiết và có hại cho sức khỏe con người. Phthalate có thể được tìm thấy trong hầu hết các sản phẩm tiếp xúc với nhựa trong quá trình sản xuất, đóng gói hoặc vận chuyển.

Phthalates cũng được sử dụng làm dung môi trong mỹ phẩm và các sản phẩm tiêu dùng khác, có thể gây hại cho gan, thận, phổi và hệ thống sinh sản.

Theo các nghiên cứu, các hóa chất gây rối loạn nội tiết trong nhựa có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở phụ nữ. Trong những năm qua, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra mối liên kết giữa phthalates và bệnh hen suyễn, rối loạn tăng động giảm chú ý, ung thư vú, béo phì và tiểu đường loại II, chỉ số IQ thấp, các vấn đề về phát triển thần kinh, các vấn đề về hành vi, rối loạn phổ tự kỷ, thay đổi quá trình phát triển sinh sản và các vấn đề về khả năng sinh sản của nam giới.

Nhựa gây ô nhiễm không khí và nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Tiến sĩ Fredrick Muyodi, Đại học Makerere, Uganda, cho biết nhựa ngày càng phổ biến ở các nước đang phát triển trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nghiên cứu về nhựa lại chưa được ưu tiên.

“Chúng ta nên bắt đầu lập kế hoạch và ưu tiên nghiên cứu về nhựa vì chúng đang đầu độc không khí, nước và thực phẩm,” Muyodi nói.

Tiếp xúc với chất thải nhựa được coi là nguy hiểm đối với sức khỏe con người, có khả năng ảnh hưởng đến khả năng nội tiết tố, khả năng sinh sản và thần kinh của cơ thể, trong khi việc đốt nhựa lộ thiên đang góp phần gây ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm nhựa gây tiểu đường, ung thư, vô sinh ở phụ nữ - Ảnh 2.

Các chuyên gia tại Đại học Harvard đã chỉ ra rằng một số hóa chất có thể rò rỉ ra khỏi nhựa và ngấm vào thực phẩm. Những hóa chất này có liên quan đến các vấn đề sức khỏe như rối loạn chuyển hóa (bao gồm béo phì) và giảm khả năng sinh sản. Sự rò rỉ có thể xảy ra nhanh hơn và mạnh mẽ hơn khi nhựa tiếp xúc với nhiệt. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng sẽ nạp vào người một lượng hóa chất có khả năng gây hại khi làm nóng thức ăn đựng trong hộp nhựa bằng lò vi sóng.

Ngày Môi trường thế giới (ngày 05 tháng 6 năm 2023) được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” (Solutions to Plastic Pollution), trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa”.

Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2023 nhằm truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực; hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn; tăng cường tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; thực thi hiệu quả chính sách chống rác thải nhựa.

Năm 2023 là năm đánh dấu kỷ niệm 51 năm tổ chức Ngày Môi trường thế giới, sau khi tổ chức này được thành lập bởi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm 1972 và Ngày Môi trường thế giới đầu tiên được tổ chức vào năm 1973.

Trải qua 5 thập kỷ, tổ chức này đã phát triển thành một trong những tổ chức lớn nhất về môi trường toàn cầu. Hàng chục triệu người trên khắp thế giới đã tham gia và hành động hưởng ứng các hoạt động, sự kiện do tổ chức này phát động./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích