Nghĩa Hưng (Nam Định) sắp xếp, sáp nhập thôn xóm, tổ dân phố
Cổng chào nông thôn mới trên tuyến đường về xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định – Ảnh: Hồ Thanh
Ông Trần Ngọc Sơn, Trưởng phòng Nội vụ huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (Khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Thông báo số 280-TB/TU của Ban TVTU, Kế hoạch số 97/KH-UBND của UBND tỉnh Nam Định, UBND huyện Nghĩa Hưng đã xây dựng Kế hoạch số 77/KH-UBND, Phương án tổng thể số 03/PATT-UBND về thực hiện sắp xếp, sát nhập thôn (xóm), tổ dân phố giai đoạn 2021-2022.
UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể, tổ chức thực hiên đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn cơ sở. Ngoài tiêu chí về quy mô số hộ gia đình, phải lưu ý đến điều kiện địa lý, tôn giáo, thiết chế văn hóa, tập tục sinh hoạt cộng đồng của các thôn, xóm. Quá trình sắp xếp, sát nhập phải thực sự dân chủ, phát huy tinh thần gương mẫu của đảng viên và tính chủ động của người dân. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân hiểu rõ việc sát nhập thôn (xóm), tổ dân phố là cần thiết, là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta. Đây cũng là biện pháp khắc phục tình trạng manh mún, chia cắt trong hệ thống tổ chức các thôn (xóm), tổ dân phố để xây dựng thôn (xóm), tổ dân phố mới có quy mô phù hợp với yêu cầu quản lý.
Mặt khác, giảm số lượng thôn (xóm), tổ dân phố sẽ giảm đáng kể số lượng nhân sự, góp phần giảm chi ngân sách, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở.
Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Ông Trần Hải Triều, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng, Nam Định) cho biết: UBND xã Nghĩa Thái đã xây dựng đề án sắp xếp, sát nhập thôn (xóm) trên địa bàn, lập kế hoạch thực hiện chi tiết, cụ thể, theo đúng quy định. Toàn xã hiện có 17 xóm, gồm 3.257 hộ dân với 9.979 khẩu; trong đó có 7 xóm dưới 150 hộ phải thực hiện sáp nhập vào các xóm liền kề; xóm 14, xóm 15 thuộc diện khuyến khích sát nhập và xóm 3 không thực hiện sát nhập do yếu tố đặc thù.
Sau khi sắp xếp, sáp nhập xã Nghĩa Thái sẽ còn 9 xóm theo thứ tự tên mới từ xóm 1 đến xóm 9 (giảm 8 xóm) cán bộ bán chuyên trách từ 50 người xuống còn 27 người (giảm 23 người) cán bộ Hội, đoàn thể từ 102 người xuống còn 54 người (giảm 48 người). UBND xã Nghĩa Thái cũng đã đề ra phương án giải quyết, xử lý đối với các công trình công cộng như nhà văn hóa, điện, đường giao thông, hệ thống thủy lợi đều được bàn giao cho xóm mới quản lý.
Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Ông Trương Văn Định, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng, Nam Định) cho biết: Đảng ủy xã đã ra Nghị quyết số 29/NQ-ĐU về lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm) giai đoạn 2021-2022. UBND xã đã xây dựng, triển khai thực hiện “Đề án sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm) trên địa bàn xã Nghĩa Thịnh giai đoạn 2021-2022” theo đúng kế hoạch.
Toàn xã có 2.844 hộ dân, 8.667 nhân khẩu ở 13 thôn, trong đó chỉ có 2 thôn thuộc diện phải sáp nhập là thôn Bình A (59 hộ) và thôn Kỳ Hưng (107 hộ). Phương án được đặt ra là thôn Bình A sát nhập vào thôn Long Yến (đang có 246 hộ) thành thôn mới Long Bình và thôn Kỳ Hưng sát nhập vào thôn Hưng Nghĩa (đang có 195 hộ) thành thôn mới Hưng Nghĩa. Sau khi sát nhập xã Nghĩa Thịnh còn lại 11 thôn, giảm 6 người hoạt động không chuyên trách. Hiện nay, xã Nghĩa Thịnh đã hoàn thành việc tổ chức lấy ý kiến của cử tri đại diện hộ gia đình ở các thôn thuộc diện phải sáp nhập để HĐND cùng cấp thông qua nghị quyết.
Chợ Hải Lạng, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Ở xã Nghĩa Sơn, ông Nguyễn Văn Dân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho biết: Là xã nằm ở khu vực trung tâm huyện Nghĩa Hưng, thuộc tả ngạn sông Đáy và hữu ngạn sông Ninh Cơ, có chiều dài hơn 9 km. Theo đề án đã được xây dựng, Nghĩa Sơn hiện có 28 xóm với 5.031 hộ dân, 7 xóm được giữ nguyên và 21 xóm phải sắp xếp, sáp nhập để thành lập 10 xóm mới.
Ban đầu khi mới triển khai, một số đảng viên chưa đồng thuận, việc tổ chức quán triệt, triển khai tại hội nghị chi bộ chưa kỹ, chưa sâu nên đã tổ chức họp lại. Đến nay 100% đảng viên các chi bộ đều thống nhất cao với nhiệm vụ sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố; các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện đều đã được giải quyết ổn thỏa, được người dân đồng thuận.
Người dân thực hiện kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn phòng chống dịch Covid-19 trước khi vào trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định – Ảnh: Hồ Thanh.
Tuy nhiên hiện nay người dân ở huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) vẫn có những lo lắng, băn khoăn như: Thôn (xóm) thuộc diện sát nhập nhưng có các yếu tố đặc thù lại không phải thực hiện sắp xếp, sáp nhập; cán bộ không chuyên trách đang có uy tín, tâm huyết với công việc nhưng khi sát nhập thì lại trở thành dôi dư, buộc phải nghỉ. Việc chọn đặt tên thôn (xóm), tổ dân phố mới như thế nào để gìn giữ được truyền thống lịch sử, phong tục tập quán, có ý nghĩa văn hóa và phù hợp với thế hệ trẻ.
Ngoài ra, người dân còn bày tỏ lo lắng khi phải làm lại các giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do thay đổi tên thôn (xóm), tổ dân phố sau khi sáp nhập.
Nguồn: hoanhap.vn