Nghị sự nào cho Trái đất hôm nay?
Nghị sự nào cho Trái đất hôm nay?
Một nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của Đại học Waseda mới đây đã tìm thấy hạt vi nhựa trong các đám mây trên đỉnh núi Phú Sĩ và một số nơi khác ở Nhật – theo báo Nikkei.
Một nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của Đại học Waseda mới đây đã tìm thấy hạt vi nhựa trong các đám mây trên đỉnh núi Phú Sĩ và một số nơi khác ở Nhật – theo báo Nikkei.
Các quan sát ngoài trời, được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu, lần đầu tiên đã phát hiện ra hạt vi nhựa – vốn gây tác hại cho hệ sinh thái đại dương và đã trở thành mối quan tâm của các nhà khoa học môi trường lâu nay – cũng tồn tại trong các đám mây. Hạt vi nhựa trong các đám mây có thể ảnh hưởng đến khí hậu và gây hại cho cơ thể con người.
Nhóm nghiên cứu, đứng đầu là giáo sư Hiroshi Okochi của Đại học Waseda và những người khác, đã kiểm tra 44 mẫu nước lấy từ các đám mây ở đỉnh và chân núi Phú Sĩ và đỉnh núi Tanzawa-Oyama nằm ở phía tây thành phố Yokohama thuộc tỉnh Kanagawa. Phân tích các mẫu nước này, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy tổng cộng 70 hạt vi nhựa, có thể được sắp xếp thành chín loại.
Các hạt đo được từ 7,1 đến 94,6 micromet (một phần triệu mét) và mật độ trung bình trong mỗi lít là từ 6,7 đến 13,9 hạt. Người ta cho rằng các hạt vi nhựa đã được đưa vào khí quyển bởi nước biển ngưng tụ thành mây.
Cho đến nay người ta còn biết rất ít về tác động của các hạt vi nhựa, nhưng tác động của chúng có thể bao gồm tác động đến khí hậu. Các hạt vi nhựa từ đám mây rơi xuống đất dưới dạng nước mưa sau đó có thể xâm nhập vào cơ thể con người thông qua các sản phẩm nông nghiệp và vật nuôi, từ đó tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.
Khởi đầu của sự “sụp đổ khí hậu”
Mùa hè 2023 vừa được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đánh giá là mùa hè nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử cho tới nay. Các tháng 6-8.2023 là những tháng nóng nhất trong lịch sử và là một dấu hiệu báo động khác nữa của tình trạng biến đổi khí hậu trên Trái đất. Nhiệt độ bề mặt đại dương trên toàn cầu liên tiếp phá vỡ kỷ lục mỗi tháng, trong khi diện tích băng ở Nam cực giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ra tuyên bố: “Sự sụp đổ khí hậu đã bắt đầu”. Cuộc khủng hoảng khí hậu đã “mở ra các cánh cửa địa ngục”. Lời cảnh báo trên được Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đưa ra trước các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị Thượng đỉnh Tham vọng Khí hậu, diễn ra ngày 20.9, trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao khóa họp thứ 78 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York.
“Điều chúng ta đang thấy không chỉ là những tình huống (thời tiết) cực đoan mới mà còn là sự kéo dài của những kỷ lục bị phá vỡ và tác động của nó tới con người và hành tinh, một hậu quả rõ ràng của biến đổi khí hậu” – Carlo Buontempo, Giám đốc Dịch vụ biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh Châu Âu nói.
“Đáng chú ý là điều này xảy ra trước cả khi chúng ta chứng kiến tác động đầy đủ của sự nóng lên do hiện tượng El Nino”, Tổng thư ký WMO Petteri Taalas nói. Các đợt nóng, các vụ cháy và lũ lụt có thể còn gia tăng khi El Nino phát triển ở vùng Thái Bình Dương nhiệt đới lần đầu tiên trong 7 năm.
Liệu năm nay 2023 có kết thúc như là năm nóng nhất trong lịch sử? Chưa rõ, nhưng chắc chắn là rất, rất gần với kỷ lục ấy.
Các nhà khoa học nói rằng năm 2024 sắp tới thậm chí có thể còn nóng hơn, do El Nino sẽ làm cho bề mặt đại dương nóng hơn bình thường và ảnh hưởng tới thời tiết. “Bằng chứng khoa học về sự biến đổi khí hậu là áp đảo và chúng ta sẽ tiếp tục thấy những kỷ lục về thời tiết cực đoan mạnh mẽ hơn, thường xuyên hơn, cho đến lúc chúng ta ngưng phát thải khí nhà kính” – Phó giám đốc Copernicus, Samantha Burgess nói trong một tuyên bố của tổ chức này.
Trong khi đó, vào giữa tháng 10.2023, người ta đã ghi nhận mực nước sông Amazon, con sông dài hơn 6.400 km chảy qua nhiều quốc gia Nam Mỹ và có lưu vực rộng nhất thế giới, lần đầu tiên đã xuống mức thấp nhất trong hơn một thế kỷ, ảnh hưởng nặng nề đến việc mưu sinh và cuộc sống của rất nhiều cư dân sống trên và dọc hai bên bờ con sông này.
Nguyên nhân thuộc về con người
Nguy cơ một sự “sụp đổ khí hậu” của Trái đất đã khiến một nhà lãnh đạo tôn giáo như Đức Giáo hoàng Francis cũng phải lên tiếng cảnh báo, tha thiết kêu gọi hành động. Hôm 4.10.2023 ngài đã kêu gọi những người cho tới nay vẫn phủ nhận sự biến đổi khí hậu và những chính trị gia chỉ biết đến lợi ích chính trị ích kỷ, ngắn hạn của cá nhân hay đảng phái cần thay đổi thái độ để nhìn nhận những nguyên nhân thuộc về con người đã dẫn đến nguy cơ “sụp đổ khí hậu”.
Trong một tài liệu mới được công bố trước hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu COP28 sẽ họp ở Dubai vào tháng 11 tới, Đức Giáo hoàng Francis nói rằng việc chuyển đổi sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và từ bỏ năng lượng hóa thạch diễn ra chậm chạp, và người ta đang tin và dựa vào công nghệ giảm phát thải hơn là tập trung giải quyết những nguyên nhân gốc rễ thuộc con người khiến nhiệt độ gia tăng toàn cầu.
Tài liệu ấy là tông huấn (encyclic) dài 7.000 từ, có tựa là Laudate Deum (Ngợi ca Thiên Chúa) và là sự tiếp nối của tông huấn năm 2015 về môi trường có tên Laudate Si (Hãy ngợi ca) ra đời sau những biến cố thời tiết cực đoan vốn được coi là “những tiếng kêu phản kháng” của Trái đất.
“Thế giới chúng ta sống đang sụp đổ và có thể đang tiến gần tới điểm đổ vỡ. Không nghi ngờ gì rằng biến đổi khí hậu sẽ tác hại đến cuộc sống và gia đình của nhiều người” – Đức Giáo hoàng Francis nói. “Mỗi cá nhân đều có thể dễ dàng cảm nhận được trong đời mình hiện tượng nước biển dâng và băng tan, và có thể trong một số năm tới, nhiều người dân sẽ phải rời bỏ nhà cửa vì những thực tế đó. Nếu chúng ta tin vào khả năng vượt qua những lợi ích nhỏ nhen và khả năng suy nghĩ lớn hơn của con người, chúng ta có thể tiếp tục hy vọng hội nghị COP28 cho phép đẩy nhanh việc chuyển đổi năng lượng một cách quyết định, với những cam kết có hiệu quả và được tiếp tục giám sát”.
Theo ngài, thất bại ở Dubai sẽ là “một thất vọng lớn và làm hại cho bất kỳ điều gì tốt đẹp đã làm được cho tới nay”.
Nghị sự cấp bách cho Trái đất
Trong khi thế giới đang phải vất vả đối phó với bài toán khó về biến đổi khí hậu đặt ra cho toàn thể nhân loại, thì những lò lửa chiến tranh đã bùng phát và lấy đi bao nhiêu là sinh mạng cũng như năng lượng, nguồn lực, tài nguyên quý giá có thể được dùng để cứu lấy Trái đất.
Một lần nữa, lợi ích của nhân loại nói chung đã bị hy sinh cho lợi ích của quốc gia, của phe phái, thậm chí là lợi ích cá nhân ích kỷ của một số chính trị gia muốn đầu cơ trên sự sợ hãi phải mất đi những lợi ích ngắn hạn của một số nhóm người nào đó. Chưa bao giờ như bây giờ, trong điều kiện cực đoan của biến đổi khí hậu, nhân loại lại chia rẽ đến thế.
Ở nước ta, đã có nhiều tiếng kêu báo động rằng miền Tây năm nay “đói lũ”. Đói lũ do El Nino và do nước bị giữ lại ở các con đập ở thượng nguồn sông Mekong.
Các dự báo cho thấy mùa lũ năm nay ở các tỉnh miền Tây có thể đạt đỉnh vào đầu tháng 10 với mực nước tại Tân Châu đạt 3,1 – 3,3m, thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ 0,6 – 0,8m. Trên thực tế, sáng ngày 1.10 mực nước tại đây chỉ đạt 2,8m, nếu so với mực nước lũ ở mức báo động 1 tại đây là 3,5m thì thấp hơn khá nhiều. Tương tự, tại Châu Đốc dự báo đỉnh lũ năm nay khoảng 2,8 – 3m, thấp hơn trung bình nhiều năm 0,5 – 0,7m. Thực tế sáng ngày 1.10 đỉnh lũ chỉ đạt 2,55m.
“Đói lũ” là do lượng nước từ thượng nguồn đổ về thiếu hụt nghiêm trọng. Theo Dự án MDM (Dự án giám sát hoạt động các đập thủy điện Mekong), do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino, năm nay nhiều nơi ở khu vực trung và thượng nguồn sông Mekong thường xuyên khô hạn. Và cùng với đó, các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong đã tích một lượng nước rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy tự nhiên của dòng sông. Mỗi tuần có vài tỷ mét khối nước mà các con đập trên thượng nguồn giữ lại.
Hiện tượng người dân miền Tây Nam bộ rời bỏ ruộng vườn để gọi là “đi Bình Dương”, tức đi miền Đông làm công nhân, ngoài chuyện thiếu đất sản xuất, hẳn cũng bắt nguồn cả từ những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp do tình hình biến đổi khí hậu gây ra, trong đó có hiện tượng lũ vào mùa nước nổi ngày càng giảm. Đó là sự di cư do biến đổi khí hậu.
Rõ ràng, cạnh tranh giữa các quốc gia là tất nhiên, nhưng giải pháp cho những vấn đề của Trái đất và của từng quốc gia liên quan đến biến đổi khí hậu cũng đòi hỏi phải có sự hợp tác của các quốc gia trong từng khu vực (như việc điều tiết, quản lý nước sông Mekong) và trên toàn cầu. Bao giờ nhân loại có thể đạt đồng thuận về một nghị sự cấp bách chung cho Trái đất?
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị