Nghị quyết số 54 góp phần đưa Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 16, sáng 12/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh – Ảnh: VGP/ĐH |
Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ lớn nhất cả nước; là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói riêng và cả nước nói chung.
Để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020; Quốc hội ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố.
Đạt được nhiều kết quả nổi bật
Báo cáo của Chính phủ khẳng định qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Ngoại trừ vào các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, kinh tế Thành phố liên tục tăng trưởng cao, bình quân hằng năm trong giai đoạn 2016 – 2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011 – 2015.
Sau khi kinh tế Thành phố tăng trưởng chậm lại ở mức 1,39% trong năm 2020 và suy giảm -6,78% trong năm 2021 do tác động của dịch COVID-19, những tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự phục hồi với tăng trưởng quý I đạt 1,87%, quý II đạt 5,73%, bình quân 6 tháng đạt 3,82%.
Tỉ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP tăng qua các giai đoạn (bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt 32,29%, cao hơn so với mức 31,07% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2015).
Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP liên tục tăng qua các năm (bình quân hằng năm trong giai đoạn 2016-2020 là 38,42%, cao hơn so với mức 33,15% bình quân hằng năm trong giai đoạn 2011-2015).
Theo đánh giá của Thành phố, với việc thực hiện các quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14, tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn so với việc phải trình các cơ quan Trung ương thẩm định. Việc nâng hạn mức huy động vốn cho phép Thành phố chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển.
Việc được chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của Thành phố. Việc điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đã có tác động đáng kể đến nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Chính sách chi thu nhập tăng thêm được thực hiện công khai, minh bạch, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực. Việc thực hiện đẩy mạnh cơ chế ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương đã phát huy hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội, thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn Thành phố phát huy được vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.
Cơ sở pháp lý để xây dựng, hoàn thiện chính sách đối với nhiều địa phương
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh việc tổng kết Nghị quyết 54 có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Thành phố Hồ Chí Minh mà còn tạo cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý để xây dựng, hoàn thiện chính sách đối với nhiều địa phương trên cả nước. Báo cáo tổng kết của Chính phủ đã nêu cụ thể về việc thực hiện từng chính sách được quy định trong Nghị quyết 54.
Thường trực Ủy ban TCNS cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao những nỗ lực của Thành ủy, HĐND, UBND cùng nhân dân và toàn thể hệ thống chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trong thực hiện Nghị quyết số 54.
Qua đối chiếu với kết quả thực hiện 4 nhóm chính sách được thí điểm tại Nghị quyết số 54 cho thấy, việc triển khai đã đạt được một số kết quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần để Thành phố phát triển nhanh, bền vững trong tương lai.
Với 5 năm triển khai, trong đó có 2 năm chịu tác động của đại dịch COVID-19 (2020, 2021) đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện, song Thành phố đã đạt được kết quả đáng trân trọng trong thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14. Qua 5 năm thực hiện, trừ giai đoạn dịch bệnh, kinh tế Thành phố liên tục tăng trưởng cao; vượt qua giai đoạn đỉnh dịch, kinh tế phục hồi nhanh.
Chính sách đặc thù về quản lý đất đai đã góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố.
Các quy định về quản lý đầu tư; về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước đã góp phần tạo cơ chế chủ động, linh hoạt, bổ sung thêm nguồn lực trong thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.
Bên cạnh những kết quả đạt được, do nhiều yếu tố tác động không thuận như đại dịch COVID-19; một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ; những hạn chế trong tổ chức thực hiện, Thường trực Ủy ban TCNS nhận thấy còn một số hạn chế, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 54; đặc biệt là một số chính sách liên quan đến đất đai, tài chính, ngân sách nhà nước còn chậm triển khai; có chính sách sau 5 năm vẫn chưa được thực hiện.
Thường trực Ủy ban TCNS đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết đến hết 31/12/2023.
Đồng thời, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc đánh giá, tổng kết toàn diện, đầy đủ kết quả thí điểm và việc: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm và báo cáo Quốc hội” theo đúng quy định tại Nghị quyết 54, đưa nội dung này vào Nghị quyết của kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV./.
Nguồn: Báo xây dựng