Nghị định 68 giúp doanh nghiệp “tháo khó”

Chia sẻ về những điều khoản thay đổi của nghị định này, ông Nguyễn Hoàng Sơn – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Thuế và Kế toán Việt Tín cho biết:

Điều 1 Nghị định 68 quy định tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết có những thay đổi so với quy định tại Nghị định 20 như sau:

1. Tổng chi phí lãi vay được hiểu là chi phí lãi vay sau khi đã trừ đi lãi tiền gửi và lãi cho vay.

Tổng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ. Con số này theo Nghị định 20 là 20%.

2. Phần chi phí lãi vay không được trừ (vượt mức 30% ở trên) sẽ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.

3. Bổ sung thêm một số ngoại lệ như các giao dịch vay, cho vay của các tổ chức tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng; tổ chức kinh doanh bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm; các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại; các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững); các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên và dự án phúc lợi công cộng khác).

account-2-7358-1597303016.jpg
 

Điều 2 của Nghị định 68 quy định về tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành. Theo đó, Nghị định có hiệu lực từ ngày ký (ngày 24/6/2020) và áp dụng từ kỳ tính thuế TNDN năm 2019. Đối với kỳ tính thuế TNDN năm 2017 và 2018, các trường hợp thuộc đối tượng áp dụng theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 thì được áp dụng điểm a khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Nghị định này, cụ thể như sau:

1. Người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN năm 2017; năm 2018 để xác định chi phí lãi vay, số thuế TNDN phải nộp tương ứng (nếu có) và nộp cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày 1/1/2021. Trường hợp sau khi khai bổ sung, số thuế TNDN giảm thì sẽ được giảm số tiền chậm nộp tương ứng (nếu có).

2. Trường hợp người nộp thuế có số tiền thuế TNDN, tiền chậm nộp đã nộp ngân sách nhà nước lớn hơn số tiền thuế TNDN, tiền chậm nộp đã xác định lại thì phần chênh lệch được bù trừ vào số thuế TNDN trong năm 2020. Trường hợp số thuế TNDN trong năm 2020 không đủ bù trừ hết thì phần còn lại được bù trừ vào thuế TNDN phải nộp trong các năm tiếp theo nhưng tối đa không quá 5 năm kể từ năm 2020.

3. Trường hợp cơ quan thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã thực hiện thanh tra, kiểm tra và đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, quyết định xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế, người nộp thuế đề nghị cơ quan thuế quản lý trực tiếp xác định lại số thuế phải nộp. Căn cứ vào đề nghị của người nộp thuế và các hồ sơ, tài liệu có liên quan, cơ quan thuế xác định lại số thuế phải nộp, tiền chậm nộp tương ứng để thực hiện bù trừ phần chênh lệch theo quy định tại điểm b khoản này.

Như vậy, Nghị định 68 đã nâng trần tỷ lệ tính chi phí lãi vay vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN từ 20% lên 30%, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích lũy, tập trung vốn để duy trì hoạt động, phát triển sản xuất – kinh doanh. Phần chi phí lãi vay không được trừ (vượt trên 30%) được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định (thấp hơn 30%). Đặc biệt quan trọng, Nghị định 68 có hiệu lực ngay từ năm 2020 nhưng đã được thực hiện từ năm 2019 và được hồi tố lại từ năm 2017, 2018 và 2019 để tính lại thuế cho doanh nghiệp một cách công khai, minh bạch, tránh những thiệt hại cho doanh nghiệp.

Hỏi việc sửa đổi này có ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước và doanh nghiệp không, ông Sơn cho biết, Nghị định 68 vừa được Chính phủ ban hành không chỉ hồi tố để áp dụng từ năm 2019 mà còn hồi tố cả năm 2017 và 2018 sẽ khiến ngân sách nhà nước thêm căng thẳng hơn do giảm thu mạnh hơn số tiền ước tính lên đến hơn trăm nghìn tỷ đồng (việc ảnh hưởng không chỉ trong quá khứ mà còn ở tương lai, mặc dù hiện tại Nhà nước không phải hoàn trả ngay số tiền đã truy thu theo Nghị định 20 mà được khấu trừ vào số thuế phải nộp các năm tiếp theo). Tuy nhiên, đây là hành động hỗ trợ kịp thời của Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sớm ổn định hoạt động và phát triển trở lại.

Đối với doanh nghiệp, Nghị định 68 được ban hành đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có vốn mỏng, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Việc nâng trần chi phí lãi vay thêm 50% (từ 20% lên 30%) làm cho thu nhập tính thuế doanh nghiệp giảm xuống đáng kể, chi phí thuế TNDN giảm đi tức là lợi nhuận doanh nghiệp tăng lên góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp thanh toán nhanh các khoản nợ vay, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, tái đầu tư nguồn lực mới.

 

Theo https://doanhnhansaigon.vn/tu-van/nghi-dinh-68-giup-doanh-nghiep-thao-kho-1100129.html

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích