Nghệ sỹ làm từ thiện: Sao phải ngại sao kê?

Nghệ sỹ làm từ thiện: Sao phải ngại sao kê?

Việc công khai minh bạch không chỉ đem lại niềm tin cho các nhà hảo tâm cũng như người dân khi mà họ đã “chọn mặt gửi vàng” để những mong bà con vơi đi khốn khó mà còn là cách khẳng định tư cách, danh dự của người nghệ sĩ.

Cách đây vài tháng, sự việc nghệ sĩ Hoài Linh chậm giải ngân số tiền từ thiện lên đến hơn 15 tỷ đồng từng khiến dư luận sôi sục…thì giờ đây, câu chuyện Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng và nhiều sao Việt khác bị tố ăn chặn tiền từ thiện, một lần nữa, làm nóng dư luận cộng đồng.

Đây không phải lần đầu tiên, những nghệ sĩ nổi tiếng như Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành hay Hoài Linh….bị gọi tên trong những lùm xùm liên quan các khoản tiền quyên góp làm từ thiện.

Lẽ tất nhiên, khi việc đúng sai còn chưa ngã ngũ thì những thị phi sẽ khó mà chấm dứt. Và tất nhiên, những nghi ngờ sẽ vẫn còn đó.

Screenshot_3

Hiện Trấn Thành là nghệ sĩ duy nhất sao kê trong những lùm xùm về tiền từ thiện và nghệ sĩ thời gian gần đây.

Nghệ sỹ Hoài Linh đã từng phải thừa nhận rằng: “Làm từ thiện không phải đơn giản. Để làm tốt, không phải chỉ muốn là được. Tôi không lường trước sự phức tạp khi làm thiện nguyện…”

Còn ca sĩ Thủy Tiên thì sao? Lăn xả vào tâm lũ, đối mặt với bao hiểm nguy để cứu trợ bà con miền Trung, cô được ngợi ca như một biểu tượng của tấm lòng nhân ái, được ví như nàng tiên trong truyện cổ tích. Thế nhưng không lâu sau đó, khi rộ lên thông tin về sự thiếu minh bạch của khoản từ thiện lên tới hàng trăm tỷ đồng thì cộng đồng bắt đầu ì xèo.

Ca sỹ Thủy Tiên, không dưới một lần rơi nước mắt để giải thích. Thế nhưng mặc cho những lời thanh minh, “group anti-fan” của ca sỹ Thủy Tiên đã lên tới 160.000 thành viên. Vậy là từ được tung hô lên tận mây xanh, giờ Thủy Tiên lại là nghệ sỹ Việt đầu tiên chạm mốc con số đáng buồn này. Vì đâu nên nỗi?

Chuyện nghệ sỹ làm từ thiện, chuyện người có ảnh hưởng trong cộng đồng thực hiện những nghĩa cử cao đẹp, làm những điều tốt đẹp, lẽ ra phải lan tỏa cảm xúc tích cực, truyền cảm hứng. Vậy vì sao những ngày qua lại dậy sóng chuyện đòi nghệ sỹ “sao kê” các khoản tiền quyên góp được? Có người còn mở cuộc thăm dò ý kiến về chuyện nghệ sỹ có cần giải trình tiền từ thiện hay không và kết quả có đến 85% người trả lời ủng hộ.

Trong tình hình thực tế dịch bệnh khó khăn hiện nay, hoạt động thiện nguyện là vô cùng cần thiết và càng được quan tâm nhiều hơn. Nghệ sỹ làm từ thiện không là chuyện mới. Trân trọng sự xả thân vì việc nghĩa nhưng trong bất cứ trường hợp nào, sự công khai, minh bạch luôn là cần thiết để tránh những hiểu lầm không đáng có.

Có lẽ nhận thức rõ điều này, không ít nghệ sỹ, khi làm từ thiện có quan điểm không kêu gọi quyên góp mà chỉ làm thiện nguyện theo khả năng của bản thân.

Cũng có không ít nghệ sỹ, với sự ảnh hưởng của mình, kêu gọi sự ủng hộ, quyên góp. Nhưng rõ ràng, cách làm là vô cùng quan trọng. “Tiền bạc phân minh”, những đòi hỏi của dư luận, có lẽ, cũng không có gì quá đáng bởi việc công khai minh bạch không chỉ đem lại niềm tin cho các nhà hảo tâm cũng như người dân khi mà họ đã “chọn mặt gửi vàng” để những mong bà con vơi đi khốn khó mà còn là cách khẳng định tư cách, danh dự của người nghệ sĩ.

Bởi vậy, các nghệ sĩ, thay vì tranh cãi, lời qua tiếng lại trên mạng xã hội hay tuyên bố kiện người nọ, tố cáo người kia thì có lẽ, cần giải trình các khoản chi tiêu một cách có trách nhiệm, công khai, minh bạch số tiền từ thiện mình đã quyên góp được. Vì suy cho cùng, người nghệ sĩ làm thiện nguyện dù có cái tình lớn lao đến đâu đi nữa thì vẫn cần cái lý để làm điểm tựa trước yêu cầu không phải không có lý của dư luận.

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra lấy ý kiến rộng rãi Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, trong đó có yêu cầu nghệ sĩ cần phải công khai, minh bạch thông tin khi thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện, tích cực đóng góp cho cộng đồng và tạo ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân.

Bộ Công an cũng đã lên tiếng sẽ vào cuộc nếu có tố giác lừa đảo từ thiện. Bởi theo Nghị định 64/2008 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, việc vận động, tiếp nhận, phân bổ sử dụng tiền, hàng phải được thực hiện kịp thời, đúng mục đích, đối tượng, minh bạch, công khai, nghiêm cấm các hoạt động cứu trợ, thiện nguyện để vụ lợi.

Như vậy, có thể thấy, thời gian gần đây, hoạt động thiện nguyện của nghệ sỹ và những vấn đề nảy sinh không còn là chuyện nhỏ khi nó có thể gây mất lòng tin của nhiều người. Điều đó cũng có nghĩa, là hoạt động nhân văn, nhưng người nghệ sỹ không thể chỉ thực hiện bằng cảm tính khi đứng ra nhận sự quyên góp của nhiều người để làm từ thiện. Số tiền càng lớn càng cần có cơ sở pháp lý rõ ràng. Công cụ pháp luật không chỉ là thiết chế để bảo vệ lòng tin mà còn là để bảo vệ quyền lợi của người nghệ sĩ, giúp họ tránh các rủi ro làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh trước công chúng.

Bạn cũng có thể thích