Nghệ sĩ ưu tú Vũ Tùng Dương bị tố vì livestream trên Facebook xúc phạm đồng nghiệp

Theo phản ánh của ông Đinh Phú Bình (sinh năm 1976, ở Yên Bái), ông bị nghệ sĩ ưu tú Vũ Tùng Dương, công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Đương Đại Việt Nam xúc phạm danh dự, nhân phẩm, đưa thông tin sai sự thật lên Facebook.

Cụ thể, vào khoảng 22h40 phút ngày 28/11/2021, ông Vũ Tùng Dương đã livestream (quay clip trực tiếp) và đăng tải trên dòng trạng thái Facebook với thời lượng 1 giờ 57 phút 56 giây. Trong đó có những lời lẽ xúc phạm, hạ thấp uy tín của ông Bình như “đồ khốn nạn, bỉ ổi, đâm chọc…”, cùng nhiều từ ngữ, nội dung khác nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của ông Bình.

Tiếp sau đó, vào khoảng 8h ngày 29/11/2021, ông Vũ Tùng Dương tiếp tục đăng bài cắt ghép các ngôn từ mà theo ông Vũ Tùng Dương là của một đồng nghiệp cùng cơ quan với ông Bình lăng mạ nói xấu ông Bình với ông Vũ Tùng Dương.

Khi đăng bài, ông Vũ Tùng Dương cố tình gắn thẻ Facebook ông Bình để bài viết đó hiển thị trên Facebook của ông Bình. Trong đó, có nội dung như: “Em mời đàn anh chơi không đẹp, bịa đặt, đây nhá, đẹp mặt nhá,… mọi người nói tao đang thay trời hành đạo đấy”.

Nghệ sĩ ưu tú Vũ Tùng Dương bị tố vì livestream trên Facebook xúc phạm đồng nghiệp
Ông Dương khi đang livestream. (Hình ảnh cắt từ clip, ông Bình cung cấp)

Trao đổi với phóng viên Lao động Thủ đô, ông Bình cho biết, những thông tin vu khống, bịa đặt, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm do ông Vũ Tùng Dương đăng tải trên Facebook không chỉ ảnh hưởng tới cá nhân ông mà còn cả công việc, gia đình và mọi người xung quanh.

Là một viên chức đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật công lập với chức vụ Phó trưởng phòng nghệ thuật, nghệ sĩ ưu tú – biên đạo múa thuộc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Yên Bái, ông luôn có uy tín và đạo đức nghề nghiệp đối với đồng nghiệp, đơn vị, ngành và địa phương.

Về nguyên nhân Vũ Tùng Dương lên mạng xã hội xúc phạm ông Bình. Ông Bình kể lại rằng: “Tại kỳ Liên hoan Ca, Múa, Nhạc Toàn quốc 2021 (đợt 1) tại Hải Phòng, diễn ra từ ngày 18-28/11. Nghệ sĩ ưu tú Vũ Tùng Dương có biên đạo cho Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Yên Bái một tiết mục múa độc lập và một màn phụ họa cho ca khúc tham gia Liên hoan. Cụ thể là: Tiết mục múa “Nước đầu nguồn” và phụ họa ca khúc “Khúc tự tình xứ núi”.

Trong quá trình làm việc tại Trung tâm, ông Vũ Tùng Dương đã thay đổi diễn viên múa Solo chính trong tác phẩm “Nước đầu nguồn” (đưa diễn viên đã biên chế của đoàn khác múa thay cho diễn viên Solo của Trung tâm). Đặc biệt, tên của người múa Solo chính vẫn ghi tên người của đơn vị đã đăng ký từ ban đầu. Một yếu tố khác nữa là ngay từ đầu Vũ Tùng Dương lên Yên Bái biên đạo tác phẩm, nói ghi tên biên đạo của tác phẩm là người tên Nguyễn Thùy. Thế nhưng, khi tác phẩm hoàn thiện vẫn không thấy Nguyễn Thùy đâu, chỉ khi về Hải Phòng mới thấy người được cho là Nguyễn Thùy xuất hiện tại nơi luyện tập của đơn vị và hôm đoàn thi chính thức.

Là người được giao làm đạo diễn của chương trình, nhận thấy đây là hành vi gian lận, có dấu hiệu lừa dối Ban chỉ đạo, Ban tổ chức và Hội đồng Nghệ thuật, vi phạm quy chế của Liên hoan. Tôi đã báo cáo giám đốc đơn vị ngay, nhưng không hiểu vì lý do nào đó, giám đốc đơn vị tôi vẫn đồng ý cho phép thay diễn viên. Với những sai phạm này tôi đã liên hệ với thành viên Hội đồng Nghệ thuật và thành viên Ban tổ chức trình bày sự việc về tác phẩm “Nước đầu nguồn”. Lúc này tác phẩm đã được chấm điểm. Sau khi Ban chỉ đạo nhận thấy bằng chứng của tôi đưa ra về tác phẩm “Nước đầu nguồn” có dấu hiệu vi phạm quy chế của Liên hoan, cùng thời điểm đó đồng chí giám đốc đơn vị xin rút lại tác phẩm không tham gia xét giải. Ban chỉ đạo, Ban tổ chức đã đồng ý loại bỏ tiết mục.

Vì cho rằng tôi là nguyên nhân khiến tác phẩm “Nước đầu nguồn” mang tên biên đạo Nguyễn Thùy mất huy chương, ông Vũ Tùng Dương đã lên mạng Facebook, dùng tài khoản mang tên Vũ Tùng Dương chửi bới lăng mạ, vu khống xúc phạm danh dự nhân phẩm của tôi. Cùng với đó, một số người cùng đơn vị cho rằng việc tố cáo của tôi làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tập thể đã có hành vi đồng lõa với Vũ Tùng Dương. Cổ súy, nhắn tin cho Vũ Tùng Dương, thông tin sai sự thật gây mất đoàn kết nội bộ. Sự việc này tôi đã báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái để vào cuộc giải quyết”.

Nghệ sĩ ưu tú Vũ Tùng Dương bị tố vì livestream trên Facebook xúc phạm đồng nghiệp
Bài viết ông Vũ Tùng Dương đăng trên trang Facebook cá nhân. (Hình ảnh do ông Đinh Phú Bình cung cấp)

Ông Bình cũng cho biết: “Những bài viết của ông Vũ Tùng Dương là những lời sỉ nhục, thóa mạ, chửi bới một cách thô bỉ, tục tĩu nhằm vào nhân cách, danh dự của tôi, với mục đích là hạ thấp nhân cách, danh dự của tôi, khiến cho tôi cảm thấy xấu hổ, nhục nhã trước những người khác. Hành vi trên đáng lên án, bởi nó có tác động rất xấu, mang đến nỗi đau âm ỉ, ám ảnh vô cùng lớn với tôi nói riêng và với những người bị bịa đặt cũng như tác động xấu đến cả xã hội nói chung. Việc làm đó là sự xúc phạm nhân phẩm nặng nề không thể tha thứ, trái với thuần phong mĩ tục, văn hóa ứng xử tế nhị, trọng tình của Việt Nam, vi phạm đạo đức và pháp luật”.

Để bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình, đồng thời ngăn chặn hành vi đáng lên án, có tác động xấu đến xã hội, ông Đinh Phú Bình đã gửi đơn tố cáo ông Vũ Tùng Dương đến Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Lao động Thủ đô, bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang – Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam cho biết, Nhà hát đã nhận được đơn tố cáo của ông Đinh Phú Bình.

Bà Trang cũng cho biết, ông Vũ Tùng Dương là người của Nhà hát Nghệ thuật Đương Đại Việt Nam nhưng hiện tại Nhà hát đang cho ông Dương đi học ở Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Trong thời gian đi học, ông Dương thỉnh thoảng mới đến Nhà hát.

Khi được hỏi về hướng xử lý của Nhà hát đối với đơn tố cáo của ông Đinh Phú Bình, bà Trang cho biết, bà đã gọi điện cho ông Vũ Tùng Dương nhưng hiện tại ông Dương đang đi công tác, đợi ông Dương về, Nhà hát sẽ mời lên để làm việc xem cụ thể như thế nào. “Làm cái gì thì làm nhưng cũng không được để ảnh hưởng đến Nhà hát”, bà Trang nhấn mạnh.

Không chỉ gửi đơn đến Nhà hát Nghệ thuật Đương Đại Việt Nam, ông Đinh Phú Bình còn gửi đơn đến Công an thành phố Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị xử lý hành vi vi phạm của ông Vũ Tùng Dương.

Theo nguồn tin riêng của Lao động Thủ đô, đơn tố cáo mà ông Đinh Phú Bình gửi Công an thành phố Hà Nội đã được lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội giao Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra (PC01) thụ lý, giải quyết. Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng đã tiếp nhận đơn tố cáo của ông Đinh Phú Bình và đang tiến hành giải quyết theo quy định.

Báo Lao động Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

H.Phong

Cần xử lý nghiêm để răn đe

Thời gian gần đây xuất hiện tràn lan những vụ livestream, dùng nền tảng mạng xã hội để chửi bới, tấn công nhau,… Bàn về vấn đề này, luật sư Phạm Quang Xá – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho hay, các hành vi sử dụng mạng xã hội để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý hành chính, nghị định 15/2020/NĐ-CP có quy định xử phạt cụ thể nếu cá nhân, trang tin điện tử, tổ chức thiết lập mạng xã hội thông tin xúc phạm nhân phẩm, danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức tại các Điều 99, 100, 101.

Về trách nhiệm hình sự, người sử dụng mạng xã hội để vu khống, xúc phạm, tấn công người khác tùy mức độ có thể bị xử lý hình sự về tội danh “vu khống”, tội “làm nhục người khác” hoặc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của cá nhân, tổ chức”.

Cá nhân, tổ chức bị xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm cũng có thể khởi kiện dân sự đòi xin lỗi, cải chính và bồi thường thiệt hại.

Luật sư Nguyễn Bích Lan – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cũng phân tích, để xử lý hành chính hoặc hình sự thông thường người bị xúc phạm có thể đề nghị đến Sở Thông tin và Truyền thông, tố cáo tới cơ quan cảnh sát điều tra đối với cá nhân, tổ chức đưa thông tin sai lệch, xúc phạm.

Đối với các tội “vu khống” và “làm nhục người khác”, thông thường cơ quan cảnh sát điều tra xử lý trên cơ sở tố giác của người bị vu khống, bị làm nhục. Còn đối với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của cá nhân, tổ chức”, cơ quan chức năng sẽ xử lý mà không cần tố giác của người bị xúc phạm.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc dùng mạng xã hội livestream để nói xấu, chửi bới với lời lẽ thô tục là hành vi phi văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục. Lên mạng xã hội nói xấu, lăng mạ, chửi bới thì không thể chấp nhận được. Cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý.

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích