Nghệ sĩ Quyền Linh quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe An Trĩ Tâm như thuốc chữa bệnh
An Trĩ Tâm quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội Tiktok được phân phối độc quyền bởi Lương y Dương Thị Lan (địa chỉ thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, TP.Hà Nội). Điều đáng nói, sản phẩm này cố tình quảng cáo đánh lừa người bệnh bằng việc đưa ra giấy kiểm nghiệm Số 20-T7/285 do Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Kiểm tra Chất lượng sản phẩm Hi-Tech cấp ngày 24 tháng 7 năm 2020. Tuy nhiên, trên phiếu kiểm nghiệm ghi rõ đây chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứ không phải thuốc.
Sản phẩm không phải là thuốc nhưng vẫn quảng cáo là thuốc chữa bệnh.
Tại video nghệ sĩ Quyền Linh quảng cáo khẳng định đây là bài thuốc y học cổ truyền của người Dao chữa bệnh trĩ mọi cấp độ, hiệu quả sau 7 ngày sử dụng. Chưa hết, video quảng cáo sản phẩm này còn cho biết, hàng nghìn người đã thoát khỏi bệnh trĩ nội, trĩ ngoại, hỗn hợp…
Video quảng cáo mà nghệ sĩ Quyền Linh dẫn dắt xuất hiện người phụ nữ tự xưng tên là Dương Thị Lan giới thiệu thuốc An Trĩ Tâm là sản phẩm chữa trĩ nội, trĩ ngoại, trĩ hỗn hợp. Người phụ nữ cũng khẳng định, ai uống sản phẩm này đều nhanh khỏi bệnh và không tốn kém.
Trên mạng xã hội Tiktok thường xuyên quảng cáo An Trĩ Tâm do nghệ sĩ Quyền Linh dẫn dắt.
Tuy nhiên, khi tra thông tin về giấy phép quảng cáo của sản phẩm này trên hệ thống của Bộ Y tế đều không có thông tin.
Theo các chuyên gia pháp lý, Điều 7 Luật Quảng cáo 2012 quy định, các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo trong đó có: Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.
Điều 6 Luật Dược 2016 cũng quy định các hành vi bị cấm trong lĩnh vực dược, theo đó: Quảng cáo thuốc khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung hoặc không đúng với nội dung đã được xác nhận là hành vi bị cấm (Điểm a Khoản 10 Điều 6).
Bên cạnh đó Khoản 2 Điều 79 Luật Dược 2016 quy định về điều kiện đối với thuốc được quảng cáo: Thuộc Danh mục thuốc không kê đơn; Không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng hoặc sử dụng dưới sự giám sát của thầy thuốc theo khuyến cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Giấy đăng ký lưu hành thuốc còn thời hạn hiệu lực tại Việt Nam”.
Theo đó, thuốc được quảng cáo không thuộc các trường hợp bị pháp luật cấm và phải đáp ứng đủ các điều kiện trên.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, hiện nay, việc quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua hình thức online, gọi điện thoại cho người tiêu dùng diễn ra rất phổ biến. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng này để tư vấn thổi phồng công dụng sản phẩm sai quy định pháp luật.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với các hành vi: Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế. Gọi điện thoại tự xưng là bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tư vấn, “bắt bệnh” và giới thiệu để bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Gọi điện thoại tự xưng là bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi sử dụng sản phẩm để giới thiệu và bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Người dân cần lưu ý các điểm sau đây trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.
Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!
Phương Nam