Nghệ sĩ Hoàng Hải: “Vợ không trách khi tôi vắng nhà biền biệt”

Nghệ sĩ Hoàng Hải: “Vợ không trách khi tôi vắng nhà biền biệt”

Nghệ sĩ Hoàng Hải nhớ kỷ niệm ngay sau lễ cưới, vợ hoảng hốt khi anh xách ba lô lên và đi theo đoàn phim, hơn nửa tháng sau mới gặp lại.

  • •  “Ẩn số đời tư” của nghệ sĩ Vân Dung: Hôn nhân kín, đồn ly hôn cũng “mặc kệ”
  • •  Vì sao con trai Vân Dung gây thích thú với vai thiếu gia miền núi?

Diễn viên nói về công việc, cuộc sống dịp tham gia các
series Đi giữa trời rực rỡ, Độc đạo.

Đóng một lúc hai phim, anh sắp xếp thời gian cho gia đình
thế nào?

Tôi sống ở Đà Nẵng, phim quay chủ yếu ở Hà Nội, Cao Bằng,
Sơn La. Êkíp xếp lịch phù hợp để tôi chạy qua chạy lại, có thời gian nghỉ. Mỗi
lần không có cảnh, tôi về nhà khoảng một tuần, sau đó lại khăn gói đi. Giao
thông rất thuận tiện, nhưng vé máy bay lại hơi đắt. Vậy nên tôi vẫn tự lái ôtô
về Đà Nẵng. Tôi từng có thời làm lái xe đường dài, xe du lịch, nên không gặp
khó khăn gì.

Nghệ sĩ Hoàng Hải tại họp báo phim “Độc đạo”, chiều 27/9 ở Hà Nội. Ảnh: VFC

Vợ nói sao khi anh thường xuyên vắng nhà?

Chúng tôi ở bên nhau hơn 20 năm, bà xã hiểu rõ công việc,
tính cách và đam mê của chồng. Cả hai kết hôn khi tôi đang làm phim Biển lặng ở
Quảng Ngãi, chỉ xin nghỉ ba ngày làm đám cưới. Sau hôn lễ, tôi say bí tỉ một
ngày, ở thêm một ngày nữa là hết phép. Thấy tôi xách ba lô đi, vợ hoảng hốt
khóc: “Anh đi đâu đấy. Thế anh cưới em về làm gì?”. Tôi năn nỉ, dỗ
dành, nói mong cô ấy hiểu công việc của mình nhưng bà xã vẫn không chịu.

Lúc ấy, tôi giả vờ cứng rắn, dọa vợ: “Giờ tùy em đấy, một
là em ở nhà chờ anh nửa tháng rồi anh về, hai là em về nhà em cũng được nhưng đừng
bao giờ trở lại đây nữa”. Cuối cùng, cô ấy nói: “Thôi anh đi
đi”. Sau lần ấy, vợ tôi không bao giờ hỏi “Anh lại đi à?” mà chỉ
hỏi “Bao giờ anh về?”.

Tôi cũng có lỗi vì quá đam mê công việc. Ngày xưa, phương tiện
liên lạc chưa phát triển, thỉnh thoảng tôi mới gọi điện về cho bà xã được một
cuộc. Tôi hay đùa: “Mỗi lần về chỉ sợ chó của nhà không nhận được chủ, lao
ra cắn”.

Vợ cũng là fan khó tính của tôi. Cô ấy xem mọi phim tôi
đóng, chỗ nào chưa được sẽ góp ý thẳng thừng. Chúng tôi thường trò chuyện về
phim ảnh, công việc. Tôi còn từng dẫn cô ấy đến trường quay, xem người ta thực
hiện một số cảnh tình cảm, để hiểu bản chất công việc này.

Diễn viên bên bà xã. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hai vợ chồng anh thống nhất nuôi dạy các con ra sao?

Chúng tôi có bốn con. Khi cô ấy sinh hai con đầu, tôi đi
quay ở vùng rừng núi, phải nhờ bạn chở vợ vào viện. Tôi biết ơn cô ấy rất nhiều.
Nếu không nhờ cô ấy chăm sóc bọn trẻ chu đáo, tôi sao có thể chuyên tâm làm nghề.
Bù lại, những lúc ở nhà, tôi lo liệu hết việc nội trợ trong gia đình, đưa đón bọn
trẻ. Nếu hay đi vắng mà về đến nhà còn nằm ườn ra chơi, liệu ai chịu nổi?

Chúng tôi hòa hợp chuyện giáo dục. Khi người này dạy dỗ con,
người kia không được xen vào bênh. Tôi thích làm bạn với con để có thể bước vào
thế giới của bọn trẻ và hiểu chúng. Nếu cứ la hét, quát mắng, đánh đập, chúng sẽ
lập tức “đóng cửa”, không cho cha mẹ đến gần.

Hai con đầu 26 tuổi và 24 tuổi, đã lập gia đình. Tôi lên chức
ông nội lẫn ông ngoại. Con gái thứ đang học cấp ba. Con trai út 12 tuổi, hóm hỉnh,
tôi thấy có tiềm năng làm diễn viên.

Thu nhập từ nghề diễn của anh hiện thế nào?

So với những năm 1990-2000, thu nhập giờ tốt hơn nhưng
thành thật mà nói, tôi thấy cát-xê diễn viên cũng chỉ để đủ sống. Còn muốn mua
nhà, mua xe là chuyện khó. Bản thân tôi nhiều năm mở công ty, kinh doanh thêm mới
có đồng ra đồng vào. Nhưng tôi vẫn nhớ ơn nghề diễn bởi giúp các công việc khác
của tôi thuận lợi hơn. Chẳng hạn, nếu tôi cạnh tranh với một công ty đối thủ,
tôi đảm bảo mình có ưu điểm nhờ gương mặt quen thuộc.

Đóng phim với nhiều bạn trẻ, anh cảm nhận thế hệ diễn viên
gen Z có sở trường, sở đoản gì?

Các bạn ấy rất thông minh, nhanh nhạy. Trong thời thế giới
phẳng, họ dễ dàng tiếp cận nhiều kiến thức, thông tin. Thế hệ chúng tôi không
có máy vi tính, internet, muốn biết điều gì lại phải lọ mọ đi hỏi người có kinh
nghiệm. Nhưng các bạn lại “thiệt thòi” ở chỗ đa số chưa từng trải qua
gian khổ, nên khi hóa thân các nhân vật có số phận, họ diễn còn thiếu tinh tế.

Nghệ sĩ Hoàng Hải trong phim “Đi giữa trời rực rỡ”. Video: SK Pictures

Hai vai mới của anh trong “Đi giữa trời rực rỡ”
và “Độc đạo” có gì đặc biệt?

Trong Đi giữa trời rực rỡ, tôi đóng Chiểu, người đàn ông
vùng cao giàu có, một mình nuôi con trai. Ông yêu thương Chải vô điều kiện, sẵn
sàng làm mọi thứ vì con. Nhân vật ban đầu ít đất diễn, nhưng được khán giả yêu
quý nên biên kịch phát triển thêm các phân đoạn mới.

Ở phim hình sự Độc đạo, tôi vào vai Lê Toàn, một ông trùm
tha thiết hoàn lương nhưng gặp khó khăn khi tìm về cái thiện. Ông Toàn mất vợ,
có một con trai ruột. Năm ngoái, tôi có vai Lưu (Cuộc đời vẫn đẹp sao), cũng là
nhân vật “gà trống nuôi con”. Tôi ngẫm thấy may vì trên màn ảnh hay sống
cảnh đơn thân, nhưng ngoài đời có vợ con sum vầy.

Ở tuổi 56, anh đặt mục tiêu thế nào trong nghề nghiệp?

Tôi thấy mình “càng già càng tham”, đóng phim
liên tục. Nhưng mỗi nhân vật dù ngắn hay dài, chính diện hay phản diện, tôi đều
tìm ra cách diễn để không lặp lại chính mình. Tôi không đặt nặng chuyện vai
chính hay phụ, chỉ cần “vai hay” là nhận.

Ngoài ra, tôi vẫn mơ ước được thử thách bản thân với một
nhân vật đặc biệt, lập dị, khác hẳn những gì mình từng làm trong suốt sự nghiệp.
Đó có thể là một kẻ tâm thần hay người ngoài hành tinh cũng được (cười).

Nghệ sĩ Hoàng Hải sinh năm 1968 ở Hà Nội, tốt nghiệp Đại học
Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2012. Anh
được khán giả biết đến qua vai Minh trong series Cảnh sát hình sự, Trung phim
Dòng sông phẳng lặng, Tu phim Gió làng Kình. Năm 2004, anh được giải Nam diễn
viên được yêu thích nhất của Tạp chí Truyền hình cho vai Hải phim Đường đời.
Năm 2006, anh giành giải Nam diễn viên phụ xuất sắc tại Cánh Diều Vàng cho vai
Trọng, phim hợp tác Trung Quốc mang tên Hà Nội, Hà Nội. Những năm gần đây, anh
đóng nhiều phim truyền hình như Đừng bắt em phải quên, Mê cung, Hồ sơ cá sấu, Mặt
nạ gương.

Bạn cũng có thể thích