Nghệ nhân phố cổ Hà Nội 60 năm giữ nghề kim hoàn thủ công truyền thống

Nghệ nhân phố cổ Hà Nội 60 năm giữ nghề kim hoàn thủ công truyền thống

Trái ngược với sự tấp nập và nhộn nhịp của phố Hàng Bạc (Hoàn Kiếm, Hà Nội), cửa hàng kim hoàn Hồng Châu của ông Nguyễn Chí Thành mang vẻ đẹp bình dị, cổ kính và lâu đời.

  • •  Nghệ nhân mỹ nghệ Sơn Đồng dạy con cách giữ nghề trong thời đại công nghệ
  • •  Người “giữ lửa” nghề tò he truyền thống ở Phú Xuyên – Hà Nội

Phố Hàng Bạc nằm giữa trung tâm khu phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trải qua nhiều thế kỷ với những biến động thời gian vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc, nếp sống làng nghề xưa.

Nơi đây cũng từng nổi tiếng với nghề đúc bạc nén, nghề kim hoàn và nghề đổi tiền. Ngày nay, phố Hàng Bạc chỉ còn duy nhất cửa tiệm Mỹ nghệ Hồng Châu còn giữ lại nghề chế tác thủ công.

Cửa tiệm Mỹ nghệ Hồng Châu của ông Nguyễn Chí Thành, 75 tuổi

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống 5 đời làm nghề chế tác bạc thủ công, ông Thành ngày ngày vẫn miệt mài với nghề kim hoàn mong muốn được tiếp nối nghề truyền thống của cha ông để lại.

“Từ nhỏ những tiếng đục, dũa, tiếng thổi lửa nung vàng của bố đã ăn sâu vào tâm trí của tôi, lúc đó nhà tôi có sẵn đồ nghề nên tôi cũng thử ngồi nghịch, dần dần nghề vận vào người lúc nào không hay. Tôi còn nhớ trong nhà lúc đó khó khăn, các anh chị em phải chia nhau bươn chải nhiều nghề khác nhau, nhưng tôi vẫn quyết trở thành thợ chạm bạc, phần vì muốn giữ nghề cho cả dòng họ, phần vì tôi được cho là khéo tay nhất nhà” – ông Nguyễn Chí Thành cho biết.

Theo ông Thành, các nghệ nhân làm bạc giỏi thời xưa chủ yếu đến từ 3 làng nghề nổi tiếng là Làng Châu Khê, Làng Đồng Xâm và Làng Định Công. Gia đình ông Thành xuất thân từ làng Định Công sau đó chuyển lên phố Hàng Bạc sinh sống. Nhà có 7 anh em nhưng chỉ có mình ông Thành theo nghề, đến nay đã 60 năm.

Tiệm kim hoàn Hồng Châu trở nên đặc biệt trên phố Hàng Bạc vì ông Thành vẫn giữ được những kỹ thuật cổ điển, từ bàn làm việc đến chiếc đèn, vỏ lon tự chế, hay bộ dụng cụ kéo, kìm, búa, đe gỗ… đã hoen rỉ, cũ kỹ, nhuốm màu thời gian.

Tiệm kim hoàn Hồng Châu trở nên đặc biệt trên phố Hàng Bạc vì ông Thành vẫn giữ được những kỹ thuật cổ điển

Ông Thành cho biết: “Bàn toàn là gỗ, sắt các thứ linh tinh chứ không có gì đặc biệt, cái bàn này là từ thời ông nội tôi, cha tôi dùng rồi truyền lại cho tôi, có những bàn tuy gỗ đã mục, không dùng nữa nhưng tôi vẫn giữ lại, đôi lúc du khách đến đây chỉ thích ngồi xem tôi làm, ngắm mấy đồ nghề tôi tự chế”.

Để làm ra một sản phẩm kim hoàn phải trải qua những công đoạn như nung cho bạc chảy ra, dùng búa đập dẹt, tán thành thanh mỏng, uốn vòng, khắc họa tiết… tùy vào sản phẩm lại có sự thay đổi khác nhau.

“Khi làm đòi hỏi phải tỉ mẩn, cẩn thận, tay phải chuẩn, không được run, đôi mắt cũng phải tinh tường, tất cả đều được thực hiện kỹ lưỡng” – ông Thành nhấn mạnh.

Về mẫu mã có thể do ông Thành tự sáng tạo hoặc gia công theo yêu cầu của khách: “Thợ kim hoàn như tôi mẫu nào cũng làm được, cái hơn của đồ thủ công là chế tác được theo ý mình. Một số người mang trang sức đã cũ, hỏng đi hỏi nhiều nơi không nhận, đến đây tôi sửa được hết”

“Để theo được nghề này ngoài sự chăm chỉ, cần cù, cẩn thận thì phải có sự kiên nhẫn, những sản phẩm thủ công đòi hỏi cần đầu tư nhiều thời gian và công sức, làm nghề này nhanh là hỏng, mà muốn nhanh cũng không được vì không thể ‘ăn bớt’ công đoạn nào” – ông Thành cho hay.

Để làm ra một sản phẩm kim hoàn đòi hỏi phải tỉ mẩn, cẩn thận, tay phải chuẩn

Theo ông Thành đối với những sản phẩm đơn giản, thời gian hoàn thành tính từ lúc nhận mẫu đến hoàn thiện xong cũng mất khoảng 1 ngày, có những sản phẩm phức tạp phải mất đến 2-3 ngày.

Tuy chỉ là một cửa tiệm nhỏ giữa hàng trăm những cửa hàng buôn bán, chế tác vàng bạc hào nhoáng ở phố Hàng Bạc, nhưng tiệm kim hoàn của ông Thành vẫn thu hút rất nhiều du khách đến tham quan và sửa chữa.

“Ngày trước tôi mở cửa hàng tới 10h tối, nhưng do hiện giờ không còn đủ sức khỏe nên chỉ làm tới 6h tối là đóng cửa. Tôi gắn bó với nghề bởi tôi muốn giữ gìn truyền thống của ông cha, động lực để tôi theo nghề là nụ cười hài lòng của khách hàng” – Chủ tiệm kim hoàn Hồng Châu tâm sự.

Xã hội thay đổi, phát triển từng ngày cuốn theo những nghề truyền thống cũng dần trở nên mai một, công nghệ hiện đại dần thay thế các phương pháp chạm khắc trang sức thủ công. Tuy nhiên, cửa tiệm Hồng Châu của ông Nguyễn Chí Thành vẫn luôn sáng đèn và vang tiếng đe, tiếng búa, góp phần lưu giữ nghề kim hoàn truyền thống của người Hà Thành xưa.

Bạn cũng có thể thích