Nghề “già” cần tay thợ trẻ

Thu nhập ổn định từ nghề truyền thống

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội về phát triển làng nghề, với 1.350 làng nghề và làng có nghề, sau thời gian bị mai một trong hoạt động, đến thời điểm hiện Hà Nội còn 806 làng nghề và làng có nghề. Trong đó có 321 làng nghề đã được Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống.

Với quy mô như vậy Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn của cả nước với đa dạng các ngành nghề. Hoạt động sản xuất làng nghề của Hà Nội cũng đã góp phần giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động tại nông thôn.

Nghề “già” cần tay thợ trẻ
Nghề làm mộc tại thôn Phù Yên, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ đã mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương. Ảnh: Lương Hằng

Thôn Phù Yên, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội nổi tiếng với nghề làm mộc. Các sản phẩm của làng nghề gồm: Nhà cổ, đồ thờ, đồ gia dụng… Với lượng khách hàng đông đảo, hiện nay, nghề mộc đã mang lại nguồn thu nhập cao cho các hộ gia đình nơi đây. Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Quang Sơn (thôn Phù Yên, xã Trường Yên) cho biết, với gần 40 năm gắn bó, nghề mộc đã đem lại thu nhập ngày càng ổn định. Dù chỉ đi làm công ăn lương, tuy nhiên, với những người thợ có thâm niên, tay nghề như ông sẽ được trả lương mỗi tháng khoảng 15 – 16 triệu đồng. “Với mức lương này đủ để gia đình tôi chi tiêu hàng tháng và để dành ra một khoản tiết kiệm cho sau này”- ông Sơn cho hay.

Không được mức thu nhập cao, song, nghề làm nón ở làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội) cũng đã trở thành nghề nuôi sống bao thế hệ gia đình người dân nơi đây. Bà Nguyễn Thị Hương (làng Chuông, xã Phương Trung) cho biết, bà đã có nhiều năm gắn bó với nghề. Những năm gần đây, thị trường làng nghề ngày càng được mở rộng. Với những người thợ lành nghề có thể dễ dàng đạt mức lương từ 7 – 8 triệu đồng/ tháng. “Mức thu nhập này tuy không cao nhưng với lao động ở nông thôn thì mang lại sự ổn định, hiệu quả hơn nhiều so với việc làm ruộng”- bà Hương chia sẻ.

Tương tự, làng nghề điêu khắc Nhân Hiền (xã Nhân Hiền, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội) ngày càng được nhiều người biết tới vì có nhiều sản phẩm chạm khắc tinh xảo, mang giá trị kinh tế cao. Ông Nguyễn Văn Trúc, Chủ tịch Hội điêu khắc gỗ thôn Nhân Hiền cho biết, về cơ bản nghề điêu khắc ở làng đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động mỗi năm.

Theo tìm hiểu, hiện nay ở Nhân Hiền số lao động làm nghề vẫn chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 80% số hộ dân của làng. Sản phẩm của làng nghề chủ yếu là chạm khắc các bức tượng dân gian, tượng phật… với nguồn nguyên liệu chính là gỗ mít. Ngoài ra, những người thợ ở đây cũng sản xuất những mặt hàng phổ thông khác như bức phù điêu loại nhỏ, tượng các loại. Với mỗi lao động làm thuê tại các xưởng, thu nhập trung bình mỗi tháng vào khoảng từ 7 – 8 triệu đồng/ người/ tháng.

Quan tâm đào tạo đội ngũ kế cận

Có thể khẳng định, dưới sự hỗ trợ của các cấp chính quyền Thành phố và sự vào cuộc quyết liệt của người dân, nhiều làng nghề truyền thống của Thủ đô đang ngày càng phát triển. Thế nhưng, việc duy trì phát triển nghề hiện nay tại các làng nghề cũng là điều “trăn trở” với những người làm nghề. Nguyên nhân là do thế hệ trẻ ngày nay không mấy “mặn mà” với nghề truyền thống; coi nghề chỉ là việc làm thời vụ vì thu nhập từ nghề chưa cao.

Dù có tay nghề do được tiếp xúc với nghề từ bé, song chị Nguyễn Thị Hồng (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên) vẫn chỉ coi nghề may comple là nghề phụ để kiếm thêm thu nhập. Chị Hồng cho biết, chị vốn làm cho một công ty điện tử trên địa bàn Thành phố, thời gian gần đây, do công ty ít việc nên chị nhận việc tại các xưởng may về làm thêm. “Công việc ở công ty khá nhàn, trong khi đó thu nhập cũng cao hơn làm nghề, do đó, không chỉ tôi mà cũng có rất nhiều lao động ở địa phương lựa chọn làm việc ở công ty. Nếu thu nhập ở làng nghề bằng hoặc cao hơn làm việc ở công ty thì tôi cũng sẽ ở nhà làm việc chứ không vất vả đi thuê trọ làm xa nhà”- chị Hồng nói.

Còn theo ông Nguyễn Trọng Cẩm, Phó Chủ tịch Hội làng nghề truyền thống mộc thôn Phù Yên, từ khi UBND Thành phố công nhận danh hiệu “Làng nghề mộc truyền thống”, làng nghề ngày càng phát triển và lượng khách hàng tìm đến cũng nhiều hơn so với trước. Song, khi làng nghề khẳng định được thương hiệu thì việc giữ gìn, phát triển làng nghề cũng là một thách thức.

“Để nghề tồn tại và ngày càng phát triển thì đội ngũ kế cận đóng vai trò quan trọng. Nếu không có những người trẻ đam mê theo học nghề thì làng nghề sẽ ngày càng mai một. Việc học nghề không phải ngày một ngày hai, mà phải là một quá trình rèn rũa, đúc kết kinh nghiệm. Bởi vậy muốn gắn bó, phát triển nghề thì việc thu hút, quan tâm, đào tạo nghề cho thế hệ trẻ là điều quan trọng”- ông Cẩm nói.

Cũng chính từ những “trăn trở” này, Phó Chủ tịch Hội làng nghề truyền thống mộc thôn Phù Yên đã nghiên cứu tổ chức các lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho những người thợ cùng chung đam mê. Qua đó, giúp những người thợ trẻ có thêm những kiến thức, kinh nghiệm để tiếp nối nghề truyền thống, đưa thương hiệu của làng nghề ngày càng đi xa.

Để duy trì và phát triển các làng nghề và làng nghề truyền thống, thiết nghĩ, thời gian tới, Hà Nội cần tăng cường hơn nữa công tác đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề, truyền nghề, chú trọng các nghề truyền thống, cổ truyền. Cùng đó, tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc thi tay nghề thợ giỏi phong tặng danh hiệu nghệ nhân, hội thi sản phẩm làng nghề; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật, tổ chức sản xuất, quản lý doanh nghiệp cho chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất tại làng nghề…

Lương Hằng

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích