Nghề đào tạo về TCĐLCL: Hướng đến những giá trị đích thực
Hết mình với nghề
Vào những ngày cuối năm, khi không khí Tết đang ngập tràn khắp phố phường, theo chân đoàn cán bộ của Tổng cục TCĐLCL, tôi có dịp đến thăm cô Nguyễn Thanh Tịnh, nguyên Quyền Giám đốc Trung tâm Đào tạo (nay là Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) – một trong những người đặt nền móng cho ngành đào tạo về TCĐLCL. Cả đời gắn bó, cống hiến vì ngành, dù đã nghỉ hưu gần 30 năm, cô vẫn luôn dõi theo hoạt động của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và đóng góp nhiều ý kiến đầy tâm huyết.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, cô không khỏi bồi hồi nhớ đến những năm tháng cống hiến hết mình với nghề. Cô Tịnh xúc động kể lại, trong suốt quá trình công tác, cô luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, trau dồi kiến thức chuyên môn, “hết mình” vì công việc, luôn chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo lớp cán bộ giảng dạy để mỗi cán bộ trong nghề phải đủ đức, đủ tài, đủ chuyên môn khi đứng trên bục giảng.
Suốt những năm tháng công tác trong ngành, cô luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các lãnh đạo, mọi cống hiến, nỗ lực và cố gắng đều được ghi nhận một cách trân trọng. Đối với anh em cán bộ trong cùng đơn vị luôn chan hòa, giúp đỡ, yêu thương, đoàn kết gắn bó.
Nhớ lại thời điểm mới thành lập Trung tâm Đào tạo 30 năm về trước, được lãnh đạo cấp trên quan tâm, Trung tâm đã được dự án của Pháp sang góp ý xây dựng và kiện toàn bộ máy tổ chức. Phía bạn cũng cử chuyên gia đến làm việc, sát cánh cùng đội ngũ cán bộ Trung tâm, cung cấp thiết bị hiện đại phục vụ công tác giảng dạy. Các chuyên gia hàng đầu về đánh giá quản lý chất lượng, tiêu chuẩn hóa của Pháp cũng được cử sang giảng dạy cho cán bộ tại Trung tâm và cán bộ Sở, ban, ngành, doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố.
Cũng nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Tổng cục, các cán bộ Trung tâm đã có cơ hội được đi đào tạo tại nước ngoài để học hỏi, trau dồi kiến thức về quản lý chất lượng, tiêu chuẩn hóa. Từ đó, nâng cao trình độ, chuyên môn, phục vụ hoạt động đào tạo về ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Nâng cao chất lượng đào tạo để phát triển KT-XH
Cô Tịnh chia sẻ, đào tạo là một nghề rất cao quý, nó đặc biệt ở chỗ không chỉ mang lại cho chúng ta tri thức mà cả vốn sống, nhân cách. Cùng với đó, người làm nghề đào tạo cần có bản lĩnh, tính nhẫn nhịn và không ngừng trau dồi bản thân để mang lại những giá trị tốt đẹp cho người, cho đời. Ngoài ra, còn phải có nghiệp vụ giảng dạy, chứ không phải cứ giỏi chuyên môn là có thể giảng dạy tốt.
Quay trở lại câu chuyện nghề, cô Tịnh cho rằng đào tạo không nên “chạy show” hay mở quá nhiều lớp dẫn đến tình trạng chất lượng sụt giảm, thiếu đi những giá trị đích thực về kiến thức và chuyên môn. Cùng với đó, sự quan tâm kịp thời của các cấp lãnh đạo đến đào tạo sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong ngành tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hiện nay và mai sau. Thường xuyên đánh giá đội ngũ cán bộ trong đào tạo cũng là cách để thúc đẩy hội nhập và phát triển, đáp ứng được yêu cầu của kinh tế-xã hội đất nước.
Bày tỏ kì vọng sự phát triển ngành đào tạo về TCĐLCL, cô Tịnh cho hay, đào tạo cần hướng đến mục tiêu tốt đẹp, không nên tạo sự cạnh tranh, chạy theo kinh tế thị trường; đào tạo phải phù hợp với chức năng quản lý của nhà nước, một cơ quan chịu trách nhiệm trước nhà nước về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Cùng với đó, lợi ích đào tạo phải gắn liền với lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, phân rõ chức năng để không dẫm chân lên nhau, làm giảm uy tín và chất lượng của ngành.
Hà My