“Nghe câu dân ca em hát”
(Xây dựng) – Là bài thơ dung dị nhất có thể về Tổ quốc, đất nước, văn hoá dân tộc. Nó khiến chúng ta nghĩ ngay tới bài thơ “Đất nước” được trích trong chương V – trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm. Bởi cả hai đã thể hiện suy nghĩ mới mẻ về đất nước qua những vẻ đẹp được phát hiện ở chiều sâu trên nhiều bình diện: lịch sử, địa lý, văn hóa… Có điều “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm, chỉ mỗi chương V – trường ca “Mặt đường khát vọng” đã trên 500 câu thơ, còn bài thơ “Nghe câu dân ca em hát” của TS Phạm Gia Yên vẻn vẹn có 20 câu thơ (trong 4 khổ tứ tuyệt) cực kỳ hàm súc. Ông có lối thơ phóng khoáng, rộng mở. Khúc thức có vẻ rất đời thường (nghe câu dân ca em hát), nhưng gói gém trong đó biết bao điều sâu xa về vận nước “Đất nước Âu vàng khi có được vua minh”. Bài thơ đặc biệt gợi nhớ trong mỗi người từng giai đoạn lịch sử vừa bi vừa hùng không thể để lãng quên, cũng như đời sống văn hoá luôn có cả hai mặt để chúng ta nhận rõ vàng, thau. Mỗi câu thơ, mỗi hình ảnh thơ của “Nghe câu dân ca em hát” chất đầy những triết lý của cuộc sống, của lịch sử, của đạo đời. Trân trọng giới thiệu bài thơ “Nghe câu dân ca em hát” của TS Phạm Gia Yên.
Đêm mùa xuân vương vấn chút heo may
Ta bồi hồi nghe câu dân ca em hát
Chao nghiêng đất trời, chao nghiêng đêm thinh lặng
Công chúa Mỵ Châu hiện về trong câu hát em.
Bài hát về những vùng quê bình yên
Của những lũy tre xanh với thầy giáo Thứ
Có cả chàng Chí Phèo và nàng Thị Nở
Có Thị Mầu chanh chua và cô Tấm dịu hiền.
Bài hát về những mất mát đau thương
Một dân tộc mấy ngàn năm chưa bao giờ nguôi nghỉ
Những cuộc chiến tranh tràn qua bao thế hệ
Biết bao người đàn ông, đàn bà hóa đá đợi chờ nhau.
Bài hát về một dân tộc hào hùng
Ở đó có “hiệp sỹ” Thạch Sanh và chàng trai làng Gióng
Có cả anh nông dân đan sọt làng Phù Ủng
Đất nước Âu vàng khi có được vua minh.
Dân tộc mình đẹp hơn bởi những khúc dân ca
Dệt những câu Kiều thành làn quan họ
Dệt những giận hờn, yêu thương thành câu hò xứ Nghệ
Đau đáu một đời những khúc dân ca.
Nguồn: Báo xây dựng