Nghệ An: Thông qua dự thảo Đề án phát triển đô thị Đô Lương trở thành thị xã theo hướng thương mại, dịch vụ
Báo cáo tại phiên họp, Chủ tịch UBND huyện Đô Lương Hoàng Văn Hiệp cho biết: Đô Lương được đánh giá là huyện trung tâm của tỉnh Nghệ An, có nhiều tiềm năng, lợi thế và động lực để phát triển thành thị xã theo hướng thương mại, dịch vụ. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu phát triển và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2020-2025 thì việc lập Đề án xây dựng và phát triển Đô thị Đô Lương đạt đô thị loại IV, trở thành thị xã theo hướng thương mại, dịch vụ là một việc làm cần thiết và cấp bách.
Chủ tịch UBND huyện Đô Lương Hoàng Văn Hiệp báo cáo dự thảo Đề án xây dựng và phát triển Đô thị Đô Lương đạt đô thị loại IV, trở thành thị xã theo hướng thương mại, dịch vụ.
Theo tiêu chí về hạ tầng đô thị, hiện Đô Lương có 53/59 tiêu chuẩn đạt; 06 tiêu chuẩn chưa đạt để trở thành đô thị loại IV. Huyện Đô Lương hiện tại có 32 xã và 01 thị trấn. Phạm vi quy hoạch chung xây dựng đô thị Đô Lương nằm trong địa giới hành chính của 13 xã và 01 thị trấn, dự kiến đô thị Đô Lương khi huyện Đô Lương trở thành thị xã sẽ chia làm 12 phường, 19 xã còn lại (vùng nằm ngoài đô thị Đô Lương) dự kiến sẽ chia thành 12 xã.
Theo lộ trình, huyện sẽ xây dựng đô thị Đô Lương đạt đô thị loại IV trước năm 2025 và định hướng phát triển huyện Đô Lương trở thành thị xã theo hướng thương mại, dịch vụ trước năm 2030.
Định hướng khu vực phát triển đô thị thành 03 khu vực. Trong đó, khu vực phát triển I: Khu vực có tính chất lịch sử, truyền thống, bao gồm toàn bộ thị trấn Đô Lương (hiện hữu), xã Đà Sơn, Lưu Sơn, Yên Sơn; dự kiến chia làm 3 đơn vị hành chính (diện tích mỗi đơn vị trung bình khoảng 560ha). Khu vực phát triển II: Khu vực phát triển các khu đô thị mới về khu ở và dịch vụ thương mại, bao gồm các xã Tràng Sơn, Đông Sơn, Lạc Sơn, Văn Sơn, Thịnh Sơn; dự kiến chia làm 5 đơn vị hành chính (diện tích mỗi đơn vị trung bình khoảng 650ha). Khu vực phát triển III: Khu vực phát triển đô thị mới có tính chất dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, bao gồm các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Đặng Sơn, Bồi Sơn; dự kiến chia làm 4 đơn vị hành chính (diện tích mỗi đơn vị trung bình khoảng 750ha).
Dự thảo Đề án đề xuất khu vực phát triển đô thị giai đoạn đầu là Khu vực phát triển I và II; trong đó, trọng tâm phát triển thị trấn Đô Lương (hiện hữu) và một phần các xã Lưu Sơn, Tràng Sơn, Đông Sơn, Yên Sơn, Văn Sơn, Đà Sơn, Lạc Sơn tổng diện tích khoảng 1.300 ha.
Dự thảo Đề án cũng đã đưa ra giải pháp chung và 07 nhóm giải pháp cụ thể để xây dựng và phát triển đô thị Đô Lương đạt đô thị loại IV, trở thành thị xã theo hướng thướng mại, dịch vụ.
Góp ý vào nội dung dự thảo Đề án, các đại biểu đề nghị huyện Đô Lương cần phải định hình được khu thương mại dịch vụ phục vụ cho đối tượng nào để từ đó tính toán đến việc liên kết vùng để phát triển; xem xét xây dựng khu du lịch hai bên sông Lam trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị xây dựng và phát huy giá trị con người Đô Lương, xây dựng văn minh đô thị; đầu tư nâng cấp thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kết luận.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, UBND tỉnh thống nhất chủ trương để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về dự thảo Đề án Xây dựng và phát triển Đô thị Đô Lương đạt đô thị loại IV, trở thành thị xã theo hướng thương mại, dịch vụ. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Đô Lương tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên để hoàn thiện lại nội dung Đề án, trong đó quan tâm bổ sung giải pháp thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn để có nguồn lực phát triển đô thị và giúp thay đổi quy mô và mật độ dân số trên địa bàn. Việc xây dựng một số cơ chế đặc thù phải do huyện chủ trì sau khi được Ban Thường vụ đồng ý thông qua. Đồng thời, chủ động rà soát lại các tiêu chí tới đây sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thay thế Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị để xây dựng phù hợp.
Cũng tại phiên làm việc chiều 23/12, UBND tỉnh đã thông qua:
1. Dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 và ổn định đến năm 2025.
2. Dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành cơ chế quản lý điều hành ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2022.
3. Dự thảo Quyết định bãi bỏ Quyết định số 93/2013/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 của UBND tỉnh ban hành Quy chế bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
4. Dự thảo Đề án Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục Mầm non, Phổ thông ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
5. Dự thảo Quyết định quy định giá thóc tính thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 2022.
Nguồn: hoanhap.vn