Nghệ An: Tăng cường quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm

Nghệ An: Tăng cường quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm

Thục Anh –  Thứ năm, 23/02/2023 10:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 788 cơ sở giết mổ động vật, trong đó có 41 cơ sở giết mổ được UBND cấp huyện quy hoạch, xây dựng với hình thức tập trung để giết mổ thủ công, đã được cấp GCN điều kiện vệ sinh thú y, ATTP và đi vào hoạt động hiệu quả

Tuy nhiên, vẫn còn 747 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ chưa được chính quyền địa phương quản lý, nên nguy cơ làm dịch bệnh lây lan và mất an toàn thực phẩm là rất lớn.

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Xây dựng lộ trình đưa các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ vào cơ sở tập trung

UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu UBND các huyện, thành, thị rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch quỹ đất xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn. Cùng với đó có chính sách khuyến khích, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung theo hướng hiện đại, nâng cấp các cơ sở giết mổ đã được xây dựng tại địa phương đi vào hoạt động hiệu quả. Đồng thời, bố trí và giao lực lượng thú y thực hiện đúng quy trình kiểm soát giết mổ theo quy định để sản phẩm đưa ra thị trường đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, không để lây lan dịch bệnh cho động vật.

tm-img-alt

UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Các địa phương xây dựng lộ trình đưa các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ vào cơ sở giết mổ động vật tập trung có sự kiểm soát của chính quyền địa phương và của cơ quan chuyên môn thú y. Tổ chức ký cam kết đối với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không thuộc diệp cấp Giấy chứng nhận vệ sinh thú y/an toàn thực phẩm theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ NN&PTNT. Hàng năm, xây dựng và triển khai chương trình giám sát, kế hoạch thanh tra, kiểm tra các cơ sở giết mổ động vật đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; xử lý theo quy định pháp luật đối với các cơ sở giết mổ động vật không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hành tốt các biện pháp bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, tuân thủ quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, không sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Báo cáo kết quả kiểm soát giết mổ định kỳ vào ngày 25 hàng tháng về Sở NN&PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để tổng hợp.

UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu UBND thành phố Vinh chủ động phối hợp các Sở, ngành liên quan khẩn trương hoàn thành quy hoạch cơ sở giết mổ động vật tập trung tại xã Nghi Kim, trình phê duyệt và triển khai thực hiện, sớm đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu giết mổ trên địa bàn thành phố và các huyện phụ cận. Trước mắt chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố thực hiện quy trình kiểm soát giết mổ đối với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đã được chính quyền địa phương cấp phép.

Xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân buông lỏng quản lý đối với cơ sở giết mổ động vật

tm-img-alt

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hành tốt các biện pháp bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn, phối hợp với UBND cấp huyện xây dựng các cơ sở giết mổ động vật tập trung đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật; xử lý nghiêm các cơ sở không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân, cán bộ thú y được giao nhiệm vụ tại cơ sở thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý đối với cơ sở giết mổ động vật, cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật dùng làm thực phẩm. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm dịch động vật, quản lý kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật.

Sở Y tế chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện sớm những trường hợp nhiễm, nghi nhiễm các loại bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người, bệnh truyền qua thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, chủ động giám sát tại cộng đồng; phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh trên người, cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch bệnh lây lan; sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân.

Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm việc vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối, siêu thị…

Công an tỉnh tăng cường công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng về kiểm soát giết mổ động vật làm lây lan dịch bệnh, gây mất an toàn thực phẩm.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân việc kinh doanh, giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cấp huyện chủ động tham gia cùng chính quyền, các đơn vị liên quan cấp huyện trong công tác quản lý thú y, an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ động vật.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích