Nghệ An: Tăng cường kiểm tra mặt hàng phục vụ Tết Trung thu và năm học mới

Theo chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An, các đội quản lý thị trường trên địa bàn đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra và phát hiện không ít vụ vi phạm.

Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An kiểm tra cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Ảnh: Cục QLTT Nghệ An

Vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An đã phát hiện và xử lý hai vụ vi phạm với tổng giá trị thu phạt gần 77 triệu đồng. Cụ thể, tại hộ kinh doanh Phan Thị Giang ở số 84 đường Lê Huân, phường Hồng Sơn, TP. Vinh, lực lượng chức năng đã thu giữ 2.036 sản phẩm đồ chơi trẻ em không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Với hành vi này, chủ hộ kinh doanh bị xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng, và tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 36,648 triệu đồng.

Cùng khoảng thời gian, Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra một xe tải mang biển kiểm soát 36H-004.87, do ông Hoàng Thanh Sơn điều khiển. Kiểm tra phát hiện trên xe có 1.200 cánh gà, 100 gói kẹo vỉ, và 3.500 gói xúc xích không rõ nguồn gốc, trị giá 15,8 triệu đồng. Ông Sơn đã thừa nhận vi phạm và bị phạt 12 triệu đồng, toàn bộ số hàng hóa vi phạm bị buộc tiêu hủy.

Số hàng hóa vi phạm bị phát hiện tạm giữ khi đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ. Ảnh: Cục QLTT Nghệ An

Không chỉ tập trung vào Tết Trung thu, Đội Quản lý thị trường số 10 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An cũng đã đẩy mạnh kiểm tra các mặt hàng sách giáo khoa và đồ dùng học tập trước thềm năm học mới 2024-2025. Đoàn kiểm tra đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ để giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh sách giáo khoa trên địa bàn, nhằm ngăn chặn các hành vi in và tiêu thụ sách giả.

Qua kiểm tra, hầu hết các cửa hàng lớn đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tuân thủ quy định về tem nhãn. Tuy nhiên, vẫn phát hiện một số vi phạm như không niêm yết giá hàng hóa, đoàn kiểm tra đã xử phạt 07 tổ chức, cá nhân với tổng giá trị 5,25 triệu đồng.

Để đảm bảo thị trường ổn định và an toàn cho người tiêu dùng, Đội Quản lý thị trường số 10 cũng đã tập trung tuyên truyền, yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh sách giáo khoa không mua bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chỉ hợp tác với các đối tác phát hành sách chính thức.

Lực lượng chức năng Nghệ An tăng cường kiểm tra mặt hàng sách giáo khoa và đồ dùng học tập trước thềm năm học mới. Ảnh: Cục QLTT Nghệ An

Nhằm giúp người tiêu dùng không mua phải sách giả, ông Nguyễn Phong Yên – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam cho biết, sách giả, sách in lậu thường có màu sắc không được tự nhiên, ám đen, khó xem vì sử dụng mực in kém chất lượng. Nội dung trên sách bị mờ, mực in không đều, chỗ đậm chỗ nhạt.

Với sách thật, hình ảnh trong sách đều sắc nét. Nếu đặt cạnh sách thật, dễ dàng nhận thấy, các hình ảnh trong sách giả không đẹp, chất lượng kém và có phần tối hơn do sách giả, sách in lậu thường scan, photo lại từ sách thật nên đối chiếu màu sắc, tính sắc sảo của chữ in, hình ảnh trên trang giấy là cách đơn giản nhất để người tiêu dùng có thể phân biệt.

Ngoài ra, với mục đích tiết kiệm chi phí, sách giả, sách in lậu thường sử dụng loại giấy không phù hợp dùng trong in ấn, làm giảm giá trị của thành phẩm.

Sách giả, sách in lậu sử dụng sách thật để sao chép hoặc scan lại, một số chỗ được đánh máy lại phần chữ dẫn tới nội dung trong sách bị xô lệch, sai sót. Đặc biệt đối với các hình ảnh đặc thù như bản đồ,… sách giả thường lược bỏ nhiều thông tin hoặc tỉ lệ thể hiện không chính xác dẫn đến việc tiếp thu kiến thức bị sai lệch, ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh. Đây cũng là một trong những lí do quan trọng để người tiêu dùng nên nói không với sách giả, sách kém chất lượng.

Sách giả, sách in lậu còn sản xuất tem giả đi kèm khiến khách hàng và người tiêu dùng tin tưởng và an tâm khi mua hàng. Mã thẻ cào của sách giả thường sao chép từ mã sách thật. Khi kích hoạt sẽ bị báo mã không đúng hoặc đã qua sử dụng.

Để đảm bảo con em mình có tài liệu học tập chất lượng, phụ huynh nên đăng ký mua sách qua nhà trường hoặc tại các hệ thống phân phối chính thức của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các công ty sách và thiết bị trường học tại địa phương. Tránh mua sách từ các nguồn không rõ ràng, đặc biệt là các khu vực nông thôn hoặc những nơi dễ bị nhắm đến bởi các đối tượng buôn bán sách giả.

Duy Trinh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích