Nghệ An: Siết chặt quản lý việc người dân khai thác cây Săng Lẻ tại huyện Con Cuông
Nghệ An: Siết chặt quản lý việc người dân khai thác cây Săng Lẻ tại huyện Con Cuông
Ngày 3/4 UBND huyện Con Cuông tổ chức họp bàn tăng cường công tác quản lý Nhà nước về việc người trồng rừng khai thác, vận chuyển và sử dụng các loại cây gỗ trên địa bàn.
Chủ trì cuộc họp có đồng chí Lương Đình Việt, UV BTV huyện ủy, PCT UBND huyện. Sau khi nhận được phản ánh về việc 2 hộ dân ở xã Châu Khê tự ý đào bứng cây Săng Lẻ tại bản Bãi Gạo xã Châu Khê vào ngày 30/3/2023 và có 4 điểm tập kết hàng trăm cây săng lẻ của các chủ thu gom tại thôn Khe Choăng, bản Châu Định của các chủ thu gom buôn bán loại gỗ này để làm cây cảnh.
UBND huyện Con Cuông đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm huyện Con Cuông, chính quyền địa phương và các ngành chức năng xác minh nguồn gốc loại gỗ này để tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng trên địa bàn.
Được biết 2 hộ dân đang trong quá trình đào bứng cây Săng lẻ tự mọc trên đất rừng sản xuất sau khi được Nhà nước giao năm 2006, trước đây đất rừng chỉ có lau lách cây cỏ, gia đình trồng keo và mét nên việc khai thác cây săng lẻ tự mọc trên đất rừng sản xuất không vi phạm pháp luật. Riêng 4 điểm tập kết Săng lẻ tại Châu Khê của người dân mua từ địa phương khác gồm: Chi Khê, Đôn Phục, Cam Lâm, Thạch Ngàn và Lưu Kiền huyện Tương Dương có nguồn gốc hợp pháp và sự xác nhận của chính quyền từ việc ươm trồng của các hộ dân. Để tăng cường quản lý Nhà nước trong công tác bảo vệ rừng, tiếp tục triển khai các biện pháp giám sát, tổng hợp, theo dõi và hướng dẫn người dân được phép khai thác sử dụng nguồn gốc cây gỗ thông thường từ rừng sản xuất để tạo thu nhập từ rừng, đồng thời tránh việc người dân lợi dụng để khai thác các cây gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên theo Thông tư 26 ngày 30/12/2022 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.
Đồng chí Lương Đình Việt, UVBTV huyện ủy, PCT UBND huyện nhấn mạnh các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về thông tư 26 mới đối với rừng sản xuất 1A. Đồng thời thực hiện hiệu quả Chỉ thị 13 của TTCP, Chỉ thị 03 của BTV Tỉnh ủy và Chỉ thị 04 của Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về bảo vệ rừng trong đó người đứng đầu cấp ủy chính quyền chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng. Tại cuộc họp đã thống nhất các biện pháp quản lí bảo vệ rừng trong vấn đề tăng cường giám sát, kiểm tra theo dõi hiện trường khai thác gỗ từ rừng sản xuất và đối tượng khai thác để tạo điều kiện cho người dân được hưởng lợi từ rừng. Tiếp tục xác minh nguồn gốc các cây Săng lẻ đã được tập kết. Phát hiện ngăn chặn xử lý nghiêm minh nếu có trường hợp vi phạm đến Luật bảo vệ rừng để đảm bảo rừng tự nhiên không bị xâm phạm. Riêng tại địa điểm tập kết phải tuân theo quy định của Pháp luật về đất đai cũng như giấy phép kinh doanh.
Được biết, cây Săng lẻ có tên khoa học là Hopea hainanensis Merr et chunTchtona grandis Linn – thuộc gỗ nhóm 3. Loại cây này những năm gần đây trở thành cây biểu tượng của các huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An, nhất là ở huyện Tương Dương đã xây dựng riêng một vị trí sát Quốc lộ 7 để du khách cả nước thăm quan, chiêm ngưỡng loại cây rừng có vẻ đẹp hiếm có này.
Cây mọc dày, thân thẳng cao hàng chục mét. Cây này chịu được khí hậu thời tiết khắc nghiệt, giúp điều hoà nhiệt độ môi trường, chống mưa lũ, xói lở. Để bảo vệ loài cây này, tỉnh Nghệ An và các huyện miền núi đã khoanh các khu vực bảo tồn.
Hiện nay cây săng lẻ đang rất đắt hàng khi được vận chuyển từ miền núi về các vùng đô thị phục vụ cho việc mua bán chơi cây cảnh và nhiều mục đích khác. Nhưng cần lưu ý rằng, việc đào cây rừng về làm cây cảnh hay với bất cứ mục đích gì đều làm suy giảm tài nguyên rừng, đặc biệt là nguy cơ xâm hại rừng làm cho tình trạng khai thác rừng trái phép sẽ phức tạp, gây khó khăn cho công tác bảo vệ rừng. Hành vi này được nghiêm cấm theo Luật lâm nghiệp và cũng đã có chế tài xử phạt.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị