Nghệ An: Quan tâm, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo tỉnh Nghệ An thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ảnh: Mỹ Lương |
Nghệ An là địa phương có số lượng lớn người có công với cách mạng. Những năm qua, tỉnh này luôn tổ chức nhiều hoạt động nhằm tôn vinh, tri ân và đẩy mạnh công tác chăm sóc, đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An Đoàn Hồng Vũ chia sẻ: “Xác định rõ trách nhiệm, ý nghĩa đối với công tác chăm lo cho người có công và thân nhân của người có công, các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân trong toàn tỉnh đã luôn quan tâm, chu đáo, ưu tiên cho công tác này. Đến nay, tất cả người có công và thân nhân người có công đều được quan tâm chăm sóc, ổn định về đời sống vật chất và tinh thần”.
Tính đến ngày 30/6/2023, tỉnh Nghệ An đã và đang trợ cấp thường xuyên cho 67.048 đối tượng với số tiền trên 130 tỷ đồng/tháng. Trong đó, nhiều nhất là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (30.317 người); bệnh binh (9.292 người); chất độc hóa học (13.601 người); người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày (370 người),…
Cùng với việc trợ cấp thường xuyên, tỉnh cũng thực hiện trợ cấp 1 lần cho các đối tượng như: Thân nhân lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa; Mẹ Việt Nam Anh hùng; chuyên gia theo Quyết định 57/2013/TTg và Quyết định 62/2015/TTg của Thủ tướng Chính phủ; thân nhân người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, thanh niên xung phong; trợ cấp huân, huy chương kháng chiến; trợ cấp mai táng phí đối với người hoạt động kháng chiến và người có công giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến đã từ trần; giải quyết trợ cấp mai táng phí cho người có công với cách mạng hưởng hàng tháng nay từ trần,…
Đoàn công tác của Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu trao quà cho các gia đình chính sách ở 2 xã biên giới Nhôn Mai và Mai Sơn, huyện Tương Dương. Ảnh: Thành Cường |
Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách ưu đãi khác, như: Trợ cấp thờ cúng liệt sĩ; cấp Bằng Tổ quốc ghi công; thẩm định hồ sơ, giới thiệu khám, giám định người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ; khám giám định thương binh sót vết thương; khám giám định khuyết tật đối với thân nhân liệt sĩ.
Để chăm lo ngày một tốt hơn cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng, tỉnh Nghệ An luôn quan tâm, triển khai hiệu quả Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, khơi dậy truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” để huy động tốt nguồn lực xã hội hoá.
Tính riêng trong năm 2022, toàn tỉnh đã thu Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được 19,1 tỷ đồng, đạt 155,7% kế hoạch giao. Từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và huy động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 239 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, với tổng trị giá 11,187 tỷ đồng; trao tặng 216 sổ tiết kiệm cho người có công và thân nhân liệt sĩ, với số tiền 770 triệu đồng.
Công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công được quan tâm, nâng cao về chất lượng. Hiện tỉnh Nghệ An có 110 người có công với cách mạng đang được chăm sóc ở 2 cơ sở nuôi dưỡng người có công.
Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm, dành nguồn ngân sách cũng như huy động các nguồn lực khác để xây mới, tôn tạo, nâng cấp, tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; quản lý, chăm sóc chu đáo các phần mộ ở nghĩa trang liệt sĩ. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 116 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 1 nghĩa trang liệt sĩ cấp tỉnh quản lý, 21 nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện và 94 nghĩa trang liệt sĩ cấp xã, với tổng số 24.520 mộ liệt sĩ.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An dâng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Ảnh: Mỹ Lương |
Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2023), UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động tôn vinh, tri ân và đền đáp công lao của người có công và thân nhân người có công.
Cụ thể như: Tổ chức Đoàn đại biểu người có công tiêu biểu của tỉnh tham quan, báo công với Bác Hồ và gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hà Nội; viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số địa danh, di tích lịch sử; tổ chức vận động, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; tổ chức các Đoàn dâng hoa, dâng hương viếng các nghĩa trang liệt sĩ, khu di tích, khu tưởng niệm trong và ngoài tỉnh; tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà các đơn vị chăm sóc, nuôi dưỡng, điều dưỡng thương bệnh binh, người có công với cách mạng và các gia đình người có công tiêu biểu, có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ, dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn tỉnh.
Nguồn: Báo lao động thủ đô