Nghệ An: Nhà máy xử lý chất thải rắn Ecovi gây ô nhiễm nghiêm trọng sắp được nâng công suất?
Nghệ An: Nhà máy xử lý chất thải rắn Ecovi gây ô nhiễm nghiêm trọng sắp được nâng công suất?
Hoạt động không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân sống xung quanh, thế nhưng dự án Nhà máy xử lý và tái chế chất thải rắn Ecovi vẫn được xem xét nâng công suất từ 300 tấn/ngày đêm lên 650 tấn/ngày đêm.
Tăng công suất gấp đôi, chuyển từ đốt thông thường sang đốt rác phát điện
Mới đây, nguồn tin của phóng viên, tỉnh Nghệ An đã họp bàn và cơ bản thống nhất với đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Khu liên hợp tái chế và xử lý chất thải rắn Ecovi nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, huyện Nghi Lộc của Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam (KKT Đông Nam).
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Nhà đầu tư đề xuất mở rộng Nhà máy xử lý và tái chế chất thải rắn Ecovi, tăng công suất từ 300 tấn/ngày đêm lên 650 tấn/ngày đêm và thay đổi công nghệ sang đốt phát điện. Trước đó, Nhà máy xử lý và tái chế chất thải rắn Ecovi hoạt động với công nghệ đốt rác thông thường.
Trong văn bản xin ý kiến cơ quan, ban ngành, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam cũng thừa nhận, với quy mô xử lý rác sinh hoạt đề xuất tăng thêm 350 tấn/ngày đêm, so với khối lượng rác phát sinh tại các địa phương được phép thu gom, vận chuyển về Khu liên hợp Nghi Yên dự kiến thiếu nguồn nguyên liệu rác khoảng 200-230 tấn/ngày đêm.
Bên cạnh đó, đơn vị còn cho rằng, việc chỉ định nhà đầu tư, không thông qua đấu thầu có thể sẽ không lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính, công nghệ hiện đại.
Được biết, Nhà máy xử lý và tái chế chất thải rắn Ecovi do Công ty Cổ phần Galax vận hành theo hình thức chỉ định thầu, đã được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư, Ban Quản lý KKT Đông Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đi vào hoạt động từ năm 2014 đến nay.
Gây ô nhiễm nghiêm trọng, nhà máy bị tạm dừng hoạt động
Thông tin đề nghị mở rộng Nhà máy xử lý và tái chế chất thải rắn Ecovi cơ bản được chấp thuận đang thu hút sự chú ý từ phía dư luận. Bởi lẽ trong quá trình hoạt động, việc vận hành đốt rác của Chi nhánh Công ty Cổ phần Galax Nghệ An tại Nhà máy đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của các hộ dân sinh sống gần Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên. Ùn ứ rác thải và ô nhiễm cả một vùng dân cư.
Về sự việc trên, vào tháng 3/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đã ký văn bản yêu cầu Chi nhánh Công ty Cổ phần Galax tại Nghệ An tạm ngừng hoạt động đốt rác tại Nhà máy xử lý rác Ecovi; tập trung nghiên cứu, đầu tư công nghệ xử lý mới để đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường.
Trên thực tế, không chỉ hoạt động đốt rác của Nhà máy gây ra ô nhiễm môi trường. Theo phản ánh của nhiều người dân tại xóm 2, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, từ khi có Nhà máy xử lý rác thải, cuộc sống của người dân sống xung quanh nhà máy bán kính 1.500m gần như đảo lộn. Khối lượng rác tồn đọng trong khuôn viên Nhà máy quá lớn, nước thải chưa được xử lý chảy tràn ra kênh, mương, vườn các hộ dân xung quanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của người dân. Không khí bị ô nhiễm, mùi thối, mùi hôi chua làm ruồi muỗi sinh sôi nảy nở, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao.
Theo Chủ tịch UBND xã Nghi Yên, Nhà máy xử lý và tái chế chất thải rắn Ecovi hoạt động không hiệu quả mặc dù đã được nâng cấp công nghệ, do gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân nên đã dừng hoạt động gần 1 năm nay, hiện tại có Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị thực hiện việc chở rác về để chôn lấp…
Như vậy, trong khi hàng ngày, hàng giờ, người dân xóm 2, xã Nghi Yên đang phải sống chung với bầu không khí ô nhiễm mà chưa có bất cứ giải pháp nào giải quyết triệt để thì bất ngờ, Nhà máy lại được chấp thuận tăng năng suất thay vì “tập trung nghiên cứu, đầu tư công nghệ xử lý mới để đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường” như chỉ đạo từ Phó Chủ tịch tỉnh Lê Hồng Vinh.
Chính điều phi lý này đã làm xôn xao dư luận, nhất là những hộ dân ngày đêm gánh chịu hệ quả từ Nhà máy xử lý rác hiệu quả này. Tại sao không tạm dừng hoạt động, tập trung cải tạo, để Nhà máy xử lý được khối lượng rác theo đúng công suất đã phê duyệt ? Phần rác còn lại hoàn toàn có thể thực hiện đấu thầu chọn nhà đầu tư theo đúng quy định.
Tại sao việc thanh toán tiền xử lý rác sinh hoạt hàng năm từ vốn ngân sách, từ nguồn thuế của nhân dân nhưng một số cơ quan có thẩm quyền lại chỉ định thầu? Trong khi đơn vị nhà đầu tư năng lực yếu kém, đã 7 năm liên tiếp không hoàn thành mục tiêu của dự án, gây ô nhiễm môi trường, bị người dân phản ánh gay gắt song vẫn là đơn vị tiếp tục được chỉ định thầu, được nâng công suất? Tại sao lại tồn tại sự bất thường vô lý như vậy?… Dư luận đang đặt ra rất nhiều câu hỏi xoay quanh dự án này.
Mặt khác, nếu đề xuất tăng công suất Nhà máy xử lý rác chính thức được thông qua trong khi những bức xúc, phản ánh của người dân chưa được giải quyết thỏa đáng thì sẽ rất dễ nảy sinh khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, mất đoàn kết trong cộng đồng cư dân khu vực xung quanh Nhà máy, thậm chí lan rộng ra các khu vực khác trên địa bàn, làm mất ổn định trật tự khu vực, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương…
Nhận thấy, mọi dự án đều nhằm mục đích đem lại cuộc sống, môi trường tốt hơn cho người dân, “vì nhân dân phục vụ”, chính vì vậy, chúng tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền ngay lập tức xem xét lại đề xuất trên, đặc biệt chú ý, cân nhắc nguyện vọng của nhân dân để có những quyết sách đúng đắn, phù hợp. Trong đó, cần nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể, công khai minh bạch thông tin, đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. /.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị