Nghệ An: Huyện Nam Đàn đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Các Di tích Lịch sử-Văn hóa của huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) được quan tâm bảo tồn, trùng tu và phát huy hiệu quả như Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Kim Liên; Đền Chung Sơn, Cụm Di tích Vua Mai Hắc Đế
Du khách tham quan Khu Di tích lịch Quốc gia Đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An). (Ảnh: Văn Tý/TTXVN) |
Sau 5 năm thực hiện Đề án thí điểm “Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018-2025” ngày 4/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ, bằng nhiều giải pháp, bước đi thích hợp, huyện Nam Đàn đã phát huy lợi thế hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng hóa, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Điểm nhấn trong xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu của Nam Đàn là huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng từ huyện đến cơ sở, trong đó hạ tầng du lịch, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hóa được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, một số công trình hạ tầng kết nối du lịch như cảnh quan tuyến đường vào quê nội, quê ngoại Bác Hồ, đường giao thông kết nối các di tích, các điểm du lịch trong và ngoài huyện.
Các di tích lịch sử văn hóa được quan tâm bảo tồn, trùng tu và phát huy hiệu quả, nhất là Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Kim Liên; xây dựng, hoàn thiện công trình Đền Chung Sơn, Cụm Di tích Vua Mai Hắc Đế, Chùa Đại Tuệ.
Không chỉ các di tích được đầu tư mà chất lượng phục vụ khách du lịch, các đơn vị quản lý cũng không ngừng đổi mới, nâng cao, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên ngày càng hoàn thiện đáp ứng yêu cầu.
Ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Kim Liên cho biết hàng năm khu du lịch đón hàng triệu đồng bào trong nước và du khách quốc tế về thăm.
Để nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan, công tác chuyên môn, nghiệp vụ cũng được đơn vị chú ý đào tạo, bồi dưỡng. Hiện nay, bên cạnh hướng dẫn viên, thuyết minh tiếng Anh, tiếng Pháp, đơn vị đã đào tạo 7 hướng dẫn viên thuyết minh tiếng Lào.
Xác định du lịch văn hóa-lịch sử gắn với tâm linh đang là xu thế phát triển của du lịch cả nước nói chung và địa phương nói riêng, huyện Nam Đàn nỗ lực đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.
Đến nay huyện đã hoàn thành 4 mô hình gồm mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm, homestay Cửa Ông xã Nam Nghĩa; mô hình du lịch sinh thái Thung Pheo xã Nam Anh; mô hình du lịch trải nghiệm vườn hoa của anh Phạm Trung Kiên, xã Kim Liên; mô hình du lịch nông thôn trải nghiệm Tâm Thuận xã Nam Cát.
Đặc biệt, chương trình xây dựng mỗi xã một sản phẩm OCOP gắn với sản phẩm phục vụ du lịch, đến nay huyện đã có 57 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên.
Hợp tác xã Sen Quê Bác đơn vị đi đầu trong việc phát triển các sản phẩm gắn với phát triển du lịch với 15 sản phẩm về sen trong đó, 10 sản phẩm đã được chấp chứng nhận OCOP 3 sao đến 4 sao. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN) |
Một trong những đơn vị đi đầu phát triển các sản phẩm gắn với du lịch là Hợp tác xã Sen Quê Bác. Bên cạnh việc đầu tư sản xuất và chế biến các sản phẩm OCOP từ sen OCOP đạt tiêu chuẩn 3 đến 4 sao giúp bà con trong vùng có thêm việc làm tăng thu nhập, những cánh đồng sen của Hợp tác xã cũng trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch.
Anh Phạm Kim Tiến, Giám đốc Hợp tác xã Sen Quê Bác chia sẻ với mong muốn đưa những sản phẩm đặc trưng của địa phương đến du khách một cách tốt nhất, nhanh nhất, đơn vị đã triển khai nhiều kênh phân phối; đồng thời phát triển các sản phẩm sen theo định hướng văn hóa gắn liền với du lịch.
Đến nay đơn vị đã có 15 sản phẩm từ sen như trà củ sen, trà lá sen, tinh bột củ sen… trong đó 10 sản phẩm đã được chấp chứng nhận OCOP 3 sao đến 4 sao. Với doanh thu hơn 10 tỷ đồng/năm, Hợp tác xã đã tạo việc làm cho nhiều lao động.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nam Đàn Vương Hồng Thái, ngành du lịch đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện.
Năm 2022, có khoảng hơn 1,9 triệu lượt du khách đến huyện, doanh thu du lịch đạt gần 300 tỷ đồng.
Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện vào năm 2030, Nam Đàn đã quy hoạch và từng bước thực hiện quy hoạch các vùng điểm du lịch theo 4 cụm chính: Vùng Liên-Giang-Cát tập trung đón khách du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng và tâm linh; vùng Anh-Thanh-Nghĩa tập trung chủ yếu là du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng, sinh thái, trải nghiệm; vùng thị trấn và các điểm phù cận theo hướng du lịch tâm linh, văn hóa nghệ thuật và ẩm thực; vùng hữu ngạn sông Lam tập trung khai thác du lịch cộng đồng gắn với các di sản văn hóa vật thể./.
Nguồn: Báo xây dựng