Nghệ An cần có Nghị quyết mới để phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030

(Xây dựng) – Ngày 20/12, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức hội thảo “Phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý và Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn chủ trì hội thảo.

Nghệ An cần có Nghị quyết mới để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030
Các đồng chí chủ trì Hội thảo.

Nghệ An đi trước, về sau?

Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/07/2013 Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020” (Nghị quyết số 26), tỉnh Nghệ An đã đạt được những thành tựu khá toàn diện trên các mặt. Quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 12 cả nước, đóng góp 12,43% quy mô kinh tế Vùng và 1,85% cả nước. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, riêng năm 2022, đạt 9,05%; thu ngân sách năm 2022 thực hiện trên 20.000 tỷ đồng. Một số lĩnh vực từng bước định hình là trung tâm vùng Bắc Trung bộ như y tế, giáo dục và đào tạo, tài chính – ngân hàng…

Đời sống của nhân dân ở các vùng, miền từng bước được nâng lên rõ rệt. Khối đại đoàn kết toàn dân, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố. Những thành quả ấy có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho bước phát triển của tỉnh trong những năm tới.

Nghệ An cần có Nghị quyết mới để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Nhưng dù đạt được những kết quả tích cực, quá trình thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị vẫn còn tồn tại, hạn chế, nhất là mục tiêu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 chưa đạt được. Chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh nền kinh tế chưa cao; một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng còn đạt thấp so với mục tiêu…

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý nhấn mạnh: Khát vọng đưa Nghệ An phát triển tương xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế vẫn luôn là mục tiêu trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân tỉnh nhà. Qua thực tiễn gần 10 năm triển khai Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, tỉnh Nghệ An rất mong muốn có một cơ chế và nguồn lực đủ mạnh, có tính đột phá cao để cộng hưởng với sự đoàn kết, nỗ lực trong toàn Đảng bộ và nhân dân, đưa tỉnh nhà tiến nhanh, tiến vượt trong giai đoạn mới.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhận định: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, Nghệ An đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, là nền tảng vững chắc, mở ra nhiều cơ hội, tạo đà để tỉnh phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, Nghệ An vẫn chưa khẳng định được thật rõ nét vai trò là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, du lịch, văn hóa, thể thao, tài chính, công nghiệp công nghệ cao theo định hướng của Nghị quyết số 26.

Những kết quả mà Nghệ An đạt được trong nhiều lĩnh vực rất đáng trân trọng nhưng chỉ là bước đầu, còn rất khiêm tốn và thấp hơn so với nhiều tỉnh có cùng điểm xuất phát. Tỉnh vẫn đang đứng trước nhiều điểm nghẽn, nút thắt, nhiều vấn đề, chưa có giải pháp hay, hữu hiệu để tháo gỡ trong quá trình phát triển.

Nghệ An cần có Nghị quyết mới để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chỉ đạo Hội thảo.

Do vậy, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh uỷ Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26, đề xuất những chủ trương, định hướng và giải pháp phát triển Nghệ An nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, đến năm 2030, trở thành tỉnh khá của cả nước, xác định tầm nhìn phát triển đến năm 2045, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đặt câu hỏi: Phải chăng “Nghệ An đi trước về sau” là câu nói đã trở thành sự thật, là thực tiễn đang diễn ra và chúng ta mặc nhiên chấp nhận điều đó? Một tỉnh “đi đầu, dậy trước” trong phong trào cách mạng, quê hương của Xô Viết – Nghệ Tĩnh, nhưng từ khi đổi mới đến nay vẫn luôn nằm trong top những tỉnh phải nhận điều chuyển trợ cấp ngân sách từ Trung ương và sau nhiều năm phấn đấu, GRDP bình quân đầu người mới chỉ đạt 2/3 mức trung bình của cả nước.

Một tỉnh có nguồn lao động dồi dào, giáo dục được khẳng định vị trí top đầu cả nước với truyền thống hiếu học, có những trường Đại học, Cao đẳng lớn, nhưng vẫn loay hoay với bài toán phát triển các ngành công nghệ cao, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Một tỉnh được hưởng những cơ chế đặc thù, có nguồn tài nguyên phong phú, có nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng vẫn chưa thể thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược”.

Tạo đột phá về cơ chế chính sách, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Tại Hội thảo, các đồng chí lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Bộ, ngành, của tỉnh Nghệ An và các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý đã đóng góp nhiều ý kiến với nội dung trực diện, đi sâu vào các cơ chế, chính sách, nguồn lực và tổ chức thực hiện các quy hoạch, dự án, đề án lớn; từ đó làm sáng tỏ nhiều nguyên nhân tồn tại, hạn chế và rút ra nhiều bài học kinh nghiệm phục vụ cho định hướng phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghệ An cần có Nghị quyết mới để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý nhấn mạnh mong muốn có một cơ chế và nguồn lực đủ mạnh, có tính đột phá cao để đưa tỉnh nhà tiến nhanh, tiến vượt trong giai đoạn mới.

Theo TS. Trần Đình Thiên, Nghệ An đã có sự gia tăng FDI trong thời gian gần đây, nhưng chỉ là những bước đầu, chưa rõ xu thế chất lượng. Trong thời gian tới, tỉnh cần quan tâm cải thiện môi trường thu hút đầu tư, thu hút doanh nghiệp dẫn dắt; thu hút người tài để phát huy và gánh vác sứ mệnh tương lai của tỉnh. Trung ương sẽ tạo cơ hội và điều kiện cho Nghệ An bứt phá, nhưng bản thân Nghệ An cũng phải đề xuất những cơ chế, chính sách vượt trội, giải pháp đột phá từ Trung ương và nỗ lực, quyết tâm cao để nắm lấy những cơ hội, vận hội triển khai hiệu quả, thực hiện hiệu quả sứ mệnh của mình.

Trong khi đó, TS. Dương Đình Giám (Hội khoa học kinh tế Việt Nam) cho rằng, các ngành Công nghiệp của Nghệ An phát triển đa ngành là chính, nhưng ít tính đa năng. Sắp tới, tỉnh cần thực hiện một số giải pháp để tạo dựng môi trường thu hút đầu tư hấp dẫn, hoàn thiện hạ tầng công nghiệp, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao và coi trọng liên kết vùng, có thể xây dựng trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp.

GS.TS. Nguyễn Thị Lan đến từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đề xuất một số giải pháp như ban hành các chính sách đặc thù để thu hút các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao, nhân tài và tranh thủ công nghệ quốc tế; xây dựng hệ thống pháp lý đồng bộ, kịp thời; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường quản lý ứng dụng công nghệ cao…

TS. Nguyễn Anh Tuấn đến từ Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đánh giá sự phát triển du lịch của Nghệ An còn chưa tương xứng với tiềm năng, bộc lộ nhiều hạn chế. Để du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch Nghệ An cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh sự cần thiết phải có những cơ chế, chính sách quyết liệt và đột phá nhằm thu hút vốn từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là nguồn FDI.

Hiệu trưởng trường Đại học Vinh Nguyễn Huy Bằng và Chủ tịch Công ty CP Sữa TH True Milk Thái Hương cùng đề xuất Trung ương và tỉnh Nghệ An tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển.

Trong khi đó, nguyên Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng có đưa ra 4 nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong những giai đoạn tiếp theo. Thứ nhất, Nghị quyết mới cần phát triển nông nghiệp hiện đại, có hàm lượng công nghệ cao để phát huy được lợi thế của địa phương, toàn tỉnh Nghệ An bứt phá vươn lên từ hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, đầu tư kinh doanh. Thứ hai, phải đưa công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào không chỉ nông nghiệp mà hiện đại hóa cả du lịch, văn hóa thương mại, nông thôn, đô thị. Thứ ba, phải xây dựng con người Nghệ An có ý chí làm giàu, vươn lên, tự lực tự cường phát triển. Cuối cùng, tỉnh Nghệ An cần để xuất những cơ chế phù hợp và kịp thời để thực hiện các mục tiêu dân giàu tỉnh mạnh, tránh rơi vào tình trạng có Nghị quyết sớm nhưng hoàn thành các mục tiêu chậm.

Nghệ An cần có Nghị quyết mới để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030
Toàn cảnh Hội thảo.

Nghệ An cần có một Nghị quyết mới phù hợp với thực tế phát triển

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26 nhấn mạnh: Nghị quyết số 26 đã tạo ra cơ sở quan trọng để Nghệ An phát triển trong thời gian qua. Nhưng trong bối cảnh mới, Nghệ An cần có một Nghị quyết mới, phù hợp với phát triển địa phương, vùng và cả nước.

Đồng chí Trần Tuấn Anh khẳng định Ban Chỉ đạo sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến phát biểu, tham luận của các đại biểu tham dự Hội thảo và tham luận của các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học gửi đến Ban Kinh tế Trung ương.

Trưởng ban Trần Tuấn Anh nhấn mạnh một số nội dung được các đại biểu đề cập tại hội thảo. Theo đó, các đại biểu thống nhất rằng, phát triển tỉnh Nghệ An phải được đặt trong tổng thể phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ. Chiến lược, quy hoạch Nghệ An phải phù hợp với các chủ trương, định hướng tại Nghị quyết 26-NQ/TW vừa được ban hành; tích hợp được với quy hoạch, phát triển vùng; định hướng rõ vai trò, chức năng của các vùng động lực như thành phố Vinh, khu kinh tế Đông Nam…

Các đại biểu tham dự Hội thảo thống nhất cao về việc đề nghị Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới “về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đó sẽ là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù và bổ sung nguồn lực để phát triển bền vững tỉnh Nghệ An.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích