Nghệ An: Các doanh nghiệp dệt may nỗ lực vượt khó

Một năm đầy khó khăn

Năm 2023, tình trạng đơn hàng may mặc sụt giảm nghiêm trọng, nguyên nhân chính là thị trường Mỹ, châu Âu và nhiều nước khác bị khủng hoảng, lạm phát tăng cao. Người dân ở các nước thắt chặt chi tiêu dẫn tới các nhà nhập khẩu, phân phối hàng dệt may phải hoạt động cầm chừng, kéo theo đơn hàng sản xuất cho các đối tác giảm. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp dệt may của Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh…

Theo tổng hợp từ Phòng Xuất nhập khẩu Sở Công Thương Nghệ An, năm 2023, các đơn hàng của ngành Dệt may bị giảm sút từ 25-30%, chỉ có số ít doanh nghiệp bảo đảm đơn hàng, còn lại nhiều nhà máy phải hoạt động cầm chừng. Thực trạng trên đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập, cuộc sống của hàng nghìn công nhân lao động.

Đơn cử như tại Khu kinh tế Đông Nam và các Khu công nghiệp tỉnh Nghệ An, nơi có đông doanh nghiệp dệt may đóng chân, tình trạng thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động cũng diễn ra theo tình hình chung. Trong đó, doanh nghiệp lớn như Công ty CP May Minh Anh Nghệ An, lúc cao điểm, 3 nhà máy của công ty có gần 20.000 người lao động, trong năm, đã giảm hơn 5.000 người lao động. Các công ty khác trong Khu công nghiệp cũng giảm từ 100-300 người lao động. Việc giảm này vừa xuất phát từ quyết định của các công ty, vừa xuất phát từ việc thu nhập thấp, không có tăng ca nên người lao động xin nghỉ việc.

Nghệ An: Các doanh nghiệp dệt may nỗ lực vượt khó
Năm 2023, hàng nghìn người lao động ngành Dệt may đã bị mất việc làm, ảnh hưởng thu nhập. Ảnh: ML

Tại huyện Yên Thành, doanh nghiệp lớn như Nhà máy may An Hưng cũng phải cắt giảm, tạm hoãn, cho nghỉ chờ việc gần 1.000 người lao động. Ông Đặng Việt Dũng – Phụ trách công tác nhân sự của Nhà máy cho biết: “Trước đó, công ty có gần 2.000 người lao động, đến nay đã giảm gần một nửa. Trong năm, các đơn hàng của công ty chủ yếu là đơn hàng ngắn, số lượng ít nên doanh nghiệp rất vất vả để duy trì sản xuất, thu nhập của người lao động cũng giảm đi khá nhiều”.

Huyện Diễn Châu hiện có 12 nhà máy và các cơ sở may mặc, tạo việc làm cho trên 15.000 người lao động, năm nay, hầu hết các nhà máy đều phải cắt giảm lao động. Trong đó, có công ty đã diễn ra vụ việc hàng nghìn người lao động ngừng việc tập thể để đòi đòi quyền lợi, một phần nguyên nhân là do thu nhập thấp, không có tăng ca. Tổ chức Công đoàn và các cơ quan liên quan đã tổ chức các buổi làm việc, đề nghị doanh nghiệp và người lao động chia sẻ với nhau, có các giải pháp phù hợp trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh những khó khăn chung do khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng có những hạn chế đặc thù. Đơn cử như: Chủ yếu quy mô nhỏ và vừa; phương thức sản xuất chủ yếu là gia công theo đơn đặt hàng nên thường bị động trong lập kế hoạch tổ chức sản xuất; khan hiếm nguồn lao động, kể cả lao động phổ thông do sức cạnh tranh về chế độ tiền lương với các ngành nghề khác như điện tử, giày da; các nhà máy may đa số tập trung ở vùng nông thôn để dễ dàng tuyển dụng lao động, tuy nhiên, lại gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực có tay nghề và chất lượng.

Nỗ lực vượt khó

Một số doanh nghiệp dệt may tại Nghệ An chia sẻ, dù đã dự đoán được những khó khăn sẽ phải đối mặt do khủng hoảng kinh tế, thế nhưng không tính được mức độ ảnh hưởng lớn và có nhiều bất ngờ như vậy. Nhiều bạn hàng, đơn hàng truyền thống bị gián đoạn, giảm mạnh.

Dù “sốc” trước tình hình khủng hoảng sản xuất, kinh doanh nhưng các doanh nghiệp đã kịp thời tìm kiếm các giải pháp, chủ động, linh hoạt, ứng phó với tình hình. Đơn cử như: Tìm kiếm các thị trường mới, chấp nhận làm những đơn hàng nhỏ lẻ, ngắn hạn, đòi hỏi kỹ thuật khó hơn, đơn giá giảm hơn, thậm chí không có lợi nhuận. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại ở những thị trường mới; tận dụng tối đa lợi thế, cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và sự phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia.

Điều đáng ghi nhận, dù gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã nỗ lực để duy trì việc làm cho người lao động, chấp nhận bù lỗ để đảm bảo có thu nhập cho người lao động; duy trì đóng BHXH và một số phúc lợi khác cho người lao động.

Nghệ An: Các doanh nghiệp dệt may nỗ lực vượt khó
Các doanh nghiệp đã nỗ lực để duy trì việc làm, có thu nhập cho người lao động.

Ông Hoàng Minh Đức – Phụ trách nhân sự Công ty CP Minh Trí Vinh chia sẻ: “Trải qua một năm đầy khó khăn nhưng công ty và người lao động đã thấu hiểu, chia sẻ với nhau. Công ty đã nỗ lực rất nhiều để có thể giữ chân người lao động, hy vọng tháng cuối năm và đến năm sau, tình hình kinh tế khởi sắc hơn, công ty tìm kiếm được các đơn hàng mới, khi đó vẫn có đủ số lượng người lao động để làm việc”.

Còn ông Nguyễn Đình Sinh – Giám đốc May Minh Anh Nghệ An cho biết, nhiều năm qua, Công ty luôn được biết đến là doanh nghiệp tạo việc làm ổn định, thu nhập khá và cao cho người lao động, các chế độ phúc lợi tốt. Năm nay, khủng hoảng kinh tế đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, thu nhập của người lao động công ty. Trong những tháng cuối năm, công ty đã có đơn hàng ổn định, có những tín hiệu tích cực về đơn hàng trong năm 2024. Lãnh đạo công ty đang nỗ lực xúc tiến thương mại, đàm phán các đơn hàng để sớm phục hồi ổn định hoạt động sản xuất.

Mai Liễu

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích