Nghệ An: Ban hành tiêu chuẩn thiết kế đối với dự án chợ nông thôn, xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu

(Xây dựng) – Sở Xây dựng Nghệ An vừa ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế đối với các dự án chợ nông thôn, các điểm điến du lịch tiêu biểu được áp dụng cơ chế đặc thù thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021-2025.

Nghệ An: Ban hành tiêu chuẩn thiết kế đối với dự án chợ nông thôn, xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu
Một trong những điểm chợ nông thôn tại huyện Quỳnh Lưu.

Theo đó tại Văn bản số 2748/SXD-QLXD ngày 8/8/2023, Sở Xây dựng Nghệ An hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã, UBND các xã áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế đối với chợ nông thôn; xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu (gồm: Nhà vệ sinh, biển chỉ dẫn du lịch, nhà trưng bày, trung tâm thông tin du lịch) thuộc Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 tỉnh Nghệ An như sau:

Đối với dự án chợ nông thôn

Lựa chọn quy mô, cấp thiết kế: Quy mô chợ hạng 3, số điểm kinh doanh 25%; diện tích đường giao thông nội bộ và bãi đậu xe >25%; diện tích sân vườn, cây xanh >10%.

Các hạng mục phụ trợ khác (khu vệ sinh, hệ thống cấp điện, cấp nước, thu gom rác thái, hệ thống thoát nước, phòng cháy chữa cháy) đảm bảo theo các quy định chuyên ngành và có thể tách riêng ra bên ngoài. Khu vực bán thực phẩm tươi sống, khu dịch vụ ăn uống được bố trí riêng để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Yêu cầu về thiết kế: Nhà chợ chính cần được ưu tiên bố trí ở hướng hợp lý để đón gió tốt, tránh nắng trực tiếp, thuận lợi cho khách hàng tiếp cận từ mọi phía; đối với nhà chợ chính được thiết kế phù hợp với nhu cầu cụ thể từng địa phương với diện tích tối thiểu cho 1 điểm kinh doanh là 3m2; không gian các điểm kinh doanh (lô quầy) của chủ hàng >50% diện tích kinh doanh, được bố trí theo cụm hay tuyến và không nên chia ngăn chiều rộng

Khi xác định chiều cao chợ cần chú ý đến các yếu tố như chỉ tiêu khối tích, độ thông thoáng, tiếng ồn và hệ thống chiếu sáng tự nhiên của chợ. Khẩu độ lớn hơn hoặc bằng 12m thì chiều cao lớn hơn hoặc bằng 6m. Khẩu độ nhỏ hơn 12m thì chiều cao lớn hơn hoặc bằng 4,5m.

Hình thức kiến trúc nên thiết kế đơn giản để tránh bám bụi và dễ vệ sinh. Cần phải có giải pháp che chắn nắng, mưa hắt và gió lạnh mùa đông, mái đua, mái đón rộng, đủ che cho cả diện tích khách đi lại, đứng mua hàng. Các loại vật liệu làm ngăn, vách, trần… phải sử dụng các loại vật liệu khó cháy phù hợp với giới hạn chịu lửa. Nền chợ phải được bê tông hóa, sàn khu vực buôn bán thực phẩm tươi sống phải có độ dốc thu nước cục bộ và sử dụng các loại vật liệu chịu nước, chống trơn trượt, dễ cọ rửa.

Cần chú ý công tác chống nóng, chống thấm dột cho mái: Đối với mái dốc, khi lợp bằng các vật liệu nhẹ cần phải có độ dốc hợp lý, đảm bảo cách. nhiệt, chống nóng, chống ổn, chống thấm, chống ăn mòn, chống mưa hắt, gió bão và bịt kín các khe hở để tránh gió thổi nước ngược theo TCVN 8052-1:2009 và TCVN 8053: 2009.

Giải pháp thiết kế kết cấu cho nhà chợ chính phải được tính toán với các tải trọng và tổ hợp tải trọng bất lợi nhất phù hợp với các quy định hiện hành, tải trọng tiểu chuẩn phân bố đều trên mặt sàn là 500Pa; Hệ thống kết cấu chịu lực như cột, dầm, kết cấu sườn mái phải là bê tông cốt thép hoặc thép.

Nghệ An: Ban hành tiêu chuẩn thiết kế đối với dự án chợ nông thôn, xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu
Khu vực bán hải sản chợ nông thôn xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Lưu).

Yêu cầu về hệ thống hạ tầng kỹ thuật chợ nông thôn

Hệ thống cấp nước sạch: Nguồn nước sạch lấy từ hệ thống cấp nước của khu vực hoặc đầu tư xây dựng giếng khoan qua hệ thống lọc. Hệ thống cấp điện, chiếu sáng: Ưu tiên sử dụng chiếu sáng tự nhiên. Hệ thống điện chiếu sáng trong chợ đảm bảo chiếu sáng cho không gian mua bán và các điểm kinh doanh, chiếu sáng sự cố thoát hiểm.

Hệ thống thu gom và xử lý rác thải đảm bảo yêu cầu cách ly các không gian hoạt động của chợ, thuận tiện cho việc thu gom và không chống chéo với các lối giao thông khác trong chợ.

Hệ thống thoát nước: Xây dựng hệ thống thoát nước trong chợ liên thông với hệ thống thoát nước chung của khu vực và có biện pháp xử lý trước khi xả ra môi trường, có đầy đủ hố ga, lưới chắn rác, nắp đậy ngăn mùi và thuận lợi khi vệ sinh và thông tắc. Hệ thống phòng cháy chữa cháy: Thiết kế theo QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.

Không gian mua bán ngoài trời: Tùy theo nhu cầu và diện tích khu đất có thể bố trí một số diện tích không có hoặc có mái che đơn giản để tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động kinh doanh khi gặp thời tiết bất lợi.

Đối với đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu

Nhà vệ sinh: Có vị trí thuận lợi, dễ tiếp cận, an toàn cho khách khi sử dụng, phù hợp với môi trường cảnh quan; có khu vực vệ sinh riêng cho nam và nữ, có ký hiệu bằng hình ảnh để phân biệt nhà vệ sinh dành cho nam và nữ, được đặt ở nơi dễ thấy và có biển chỉ dẫn nhà vệ sinh rõ ràng, bằng tiếng Việt và tiếng Anh (kèm chữ viết tắt tiếng Anh: WC), mỗi khu vệ sinh cần có khu vực rửa tay và ít nhất một phòng vệ sinh cho người tàn tật, phòng vệ sinh này phải có cửa đủ rộng để xe lăn có thể vào được và phải bố trí đường dốc dành cho xe lăn; Quy mô phòng vệ sinh phụ thuộc vào lượng du khách, chiều cao nhà vệ sinh từ sàn đến mái tối thiểu >2,5m, có mái lợp ngăn được nước mưa; Khu vực rửa tay có bố trí các trang thiết bị dành cho việc lau, rửa tay; Một buồng vệ sinh có diện tích tối thiểu là 2,5m², có cửa chốt cài bên trong để bảo đảm sự riêng tư, xung quanh được che chắn kín đáo, bảo đảm mỹ quan, dễ lau chùi; Bể chứa và xử lý phân phải thiết kế đảm bảo xử lý đạt tiêu chuẩn xả thải của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Về kết cấu bể chứa phải đảm bảo không không bị lún, sụt, rạn nứt, rò rỉ; Nắp bể chứa và bể xử lý phân được trát kín, không bị rạn nứt; Mặt sàn nhà tiêu nhẵn, phẳng và không đọng nước, trơn trượt; Ống thông hơi có đường kính trong ít nhất 20mm, cao hơn mái nhà tiêu ít nhất 400mm; Có đầy đủ trang thiết bị tiện nghi cần thiết (như lavabo, bồn cầu, bồn tiểu, gương, móc treo đồ…), được lắp đặt chắc chắn, gọn gàng.

Hệ thống đèn chiếu sáng: Lắp đặt đủ chiếu sáng cho tất cả các khu vực (lối ra vào, trong phòng vệ sinh và khu vực rửa tay). Ở những nơi không có nguồn cấp điện thì thiết kế đảm bảo đủ ánh sáng tự nhiên; Hệ thống thông gió: Lắp đặt hệ thống thông gió phù hợp hoặc thông gió tự nhiên (mở cửa số) để đảm bảo lưu thông không khí, không bốc mùi; Nước thải từ bể xử lý của nhà tiêu tự hoại phải được chảy vào cống hoặc hố thấm, không chảy tràn ra mặt đất.

Nghệ An: Ban hành tiêu chuẩn thiết kế đối với dự án chợ nông thôn, xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu
Thác Khe Kèm một điểm du lịch tiêu biểu tại huyện Con Cuông.

Nhà trưng bày, trung tâm thông tin du lịch, biển chỉ dẫn: Vị trí đặt nhà trưng bày, Trung tâm thông tin du lịch đảm bảo gần hoặc trong điểm du lịch cộng đồng, dễ dàng nhận biết/tìm thấy với du khách; có khả năng tiếp cận thuận tiện từ các trục đường chính và các điểm tham quan trong khu vực; có bãi đỗ xe. Đáp ứng khả năng tiếp cận cho mọi đối tượng khách du lịch, đặc biệt là người già/người khuyết tật.

Về quy mô: Có quy mô phù hợp và không gian đảm bảo các cấu trúc cơ bản bao gồm: Lối vào/sảnh, quầy dịch vụ cung cấp thông tin, khu vực chờ phục vụ của khách, khu vực trưng bày hiện vật/thông tin khu vực hành chính, nhà kho, nhà vệ sinh. Có trang thiết bị cơ bản để phục vụ các hoạt động của điểm thông tin du lịch cộng đồng.

Xây dựng, thiết kế, trang trí hài hòa với môi trường và văn hóa cộng đồng. Sử dụng vật liệu phù hợp với địa phương và môi trường xung quanh, chú trọng đến các loại vật liệu gần gũi với thiên nhiên như tre, gỗ, đá…

Bố trí không gian trưng bày, sắp xếp các hiện vật/thông tin làm nổi bật đặc trưng văn hóa cộng đồng; Đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống cháy nổ: Có bố trí hệ thống phòng cháy, chữa cháy đầy đủ theo đúng quy định.

Biến chỉ dẫn du lịch: Biển chỉ dẫn du lịch phải rõ ràng, đặt tại vị trí không bị che khuất tầm nhìn, dễ nhận thấy từ xa. Vật liệu làm biển phải đảm bảo độ bển và có thể đọc rõ trong mọi điều kiện thời tiết. Có thể sử dụng các màu sắc, hiệu ứng ánh sáng, các biểu tượng du lịch để tăng khả năng nhận biết.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích