Nghệ An: 2 trẻ bị bỏng thực quản do hóa chất
Nghệ An: 2 trẻ bị bỏng thực quản do hóa chất
Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, đơn vị đã tiếp nhận cấp cứu cho 2 trẻ bỏng thực quản do hóa chất.
Chiều 28/3, tin từ Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, 2 bé N.X.T.K. và N.T.A. đều nhập viện vì bị bỏng thực quản do hóa chất.
Kết quả nội soi tiêu hóa của các bé lần lượt được kết luận là loét toàn bộ thực quản, phù nề nấp thanh môn và tầng thượng hầu; và sẹo cũ tạo lỗ hẹp thực quản cách cung răng trên khoảng 12cm. Cả hai trường hợp bệnh nhi đều phải chịu nhiều đau đớn trong các đợt điều trị dài ngày tại bệnh viện.
Theo các bác sĩ khoa tiêu hóa, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An: Bỏng thực quản là tình trạng tổn thương thực quản thường gặp ở trẻ em do uống nhầm hóa chất gây bỏng và ăn mòn thực quản như nước tẩy rửa Javen, giấm, axit dùng trong sản xuất pin, ắc-quy hoặc bazơ dùng trong sản xuất bánh tro, mì sợi, …
Các triệu chứng đầu tiên sau khi trẻ uống nhầm chất làm bỏng là rát, nóng, rộp ở môi, miệng, lưỡi và họng. Nóng rát ở miệng lưỡi khiến trẻ không ăn uống được. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị sốt và xuất hiện những mảng màu trắng hay còn gọi là giả mạc ở trên miệng, môi và lưỡi.
Khi các mảng trắng trên miệng lưỡi bong ra, triệu chứng bỏng, rát giảm bớt, trẻ thấy dễ chịu hơn và có thể ăn uống được, do lúc này vết bỏng thực quản bắt đầu hình thành sẹo và gây hẹp thực quản
Sẹo làm hẹp thực quản: Khi sẹo hình thành sẽ khiến trẻ nuốt nghẹn, gây khó khăn trong ăn uống từ những thức ăn cứng như cơm, cho đến cháo và cuối cùng là nước sữa, do sẹo làm chít hẹp hoàn toàn thực quản. Khi không thể ăn uống được nữa, cơ thể trẻ bắt đầu suy kiệt, mệt mỏi do đói khát liên tục, dẫn đến sụt cân và có thể tử vong.
Hàng năm, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đều tiếp nhận, cấp cứu nhiều bệnh nhi bị bỏng thực quản do hóa chất. Hầu như tất cả những trường hợp trẻ em bỏng thực quản do hóa chất, đều bắt nguồn từ sự bất cẩn của người lớn.
Qua 2 trường hợp bệnh nhi N.X.T.K. và N.T.A. nêu trên đã gióng lên 1 hồi chuông cảnh báo về tình trạng trẻ nhỏ bị bỏng thực quản do sự bất cẩn của các bậc làm cha, làm mẹ. Do đó, các bậc phụ huynh, phải thật thận trọng trong bảo quản hóa chất, để xa tầm tay trẻ, tránh ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.
Khi nghi ngờ trẻ bị bỏng thực quản, người nhà không nên tự ý móc họng cho trẻ ói vì sẽ làm hóa chất tiếp xúc thêm thực quản một lần nữa. Hãy nhanh chóng sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất kèm theo hóa chất gây bỏng./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị