Ngày về của những “chiến sĩ áo trắng”

Nỗ lực gấp 200-300% so với bình thường

Trở về sau hơn 2 tháng chi viện thành phố Hồ Chí Minh, đoàn y, bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã cùng nhau đi qua những ngày tháng khốc liệt nhất nhưng cũng ý nghĩa nhất trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Ngày về của những “chiến sĩ áo trắng”
Các y, bác sĩ ngày đêm hối hả cứu chữa người bệnh Covid-19 nặng và rất nặng tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hải Sơn)

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lưu Quang Thùy, Phó Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 đặt tại Bệnh viện dã chiến số 13 (thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Khi tiễn đoàn lên đường, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện giao nhiệm vụ đã nói “Chuyến đi lần này rất khó khăn, mục tiêu là làm sao đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người trong đoàn và làm sao phải cứu sống được nhiều bệnh nhân nhất”. Trong hơn 2 tháng “chiến đấu” tại Trung tâm Hồi sức tích cực, đoàn công tác đã hoàn thành “mục tiêu kép” mà Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện giao cho. Hơn 2 tháng điều trị, nhân viên toàn đoàn đều xét nghiệm âm tính”.

Mặc dù chuyên về ngoại khoa, nhưng thời gian qua, cùng với lực lượng y tế trên cả nước, các y, bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã góp sức không nhỏ vào công cuộc phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Minh chứng rõ ràng nhất, sau 2 tháng thành lập, tới ngày 13/10, Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 đã tiếp nhận 971 bệnh nhân nặng, rất nặng từ các bệnh viện tầng dưới chuyển đến. Đến nay Trung tâm đã điều trị khỏi và cho xuất viện hơn 600 bệnh nhân, hiện còn 36 F0 với 12 người đang thở máy, 21 người cần trợ thở oxy, 3 người đã ổn định chờ xuất viện được bàn giao lại cho Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh tiếp quản.

Đó là những thành quả rất đáng ghi nhận của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tại Trung tâm đã nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi với tinh thần làm việc quên mình, vượt qua gian khó níu giành lại sự sống cho nhiều bệnh nhân trước “lằn ranh sống chết”. Có mặt ở Trung tâm Hồi sức từ những ngày đầu thiết lập, hơn 2 tháng “chinh chiến” trong khu điều trị bệnh nhân nặng và thở oxy dòng cao, bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Trung tâm Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã điều trị cho rất nhiều bệnh nhân diễn biến nặng và nguy kịch. “Khi vào đây tôi xác định có nhiều khó khăn, nhưng đến nơi rồi mới thấy áp lực công việc nặng nề và khốc liệt hơn tưởng tượng rất nhiều. Bệnh nhân đông, diễn biến nặng nhanh, trong khi nhân lực còn hạn chế bởi vậy dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn có nhiều bệnh nhân tử vong. Có những bệnh nhân đã vượt qua nguy kịch, sức khỏe khả quan hơn, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau lại rơi vào nguy kịch lần thứ hai và không qua khỏi”, bác sĩ Hạnh cho biết.

Kể về những ngày tháng chiến đấu trong khu vực điều trị bệnh nhân nặng, bác sĩ Hạnh không giấu được những giọt nước mắt. Có đêm, bác sĩ Hạnh phải trực tiếp chỉ huy ca trực ép tim để cứu sống bệnh nhân trước “cửa tử”. “Ca trực đó, có hai bệnh nhân cùng trở nặng một lúc, trong khi cả hai bệnh nhân này đều còn rất trẻ. Bởi vậy cả ê kíp đã quyết định cho hai bệnh nhân đặt ống thở nội khí quản, chỉ cách nhau 5- 10 phút. Sau đó, có một bệnh nhân đột ngột có diễn biến nặng, có dấu hiệu ngừng tim, nên cả ê kíp đã nhanh chóng ép tim để cấp cứu. Tình thế lúc đó rất nguy cấp, mục tiêu của chúng tôi là phải cố gắng ở mức cao nhất để cứu sống họ. Rất may mắn sau khoảng 10-15 phút cấp cứu, bệnh nhân đã ổn định trở lại… Mọi người đều rất xúc động và thở phào vì đã vượt qua được khoảnh khắc sinh tử cùng với bệnh nhân”, bác sĩ Hạnh xúc động chia sẻ.

Đoàn kết sẻ chia nơi tâm dịch

Tương tự, sau hơn 2 tháng “chiến đấu” với Covid-19 ở tầng điều trị cao nhất, cứu sống hàng trăm bệnh nhân nặng, gần 500 y, bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ tại Bệnh viện dã chiến 16 đã trở về thực hiện cách ly và đoàn tụ với gia đình sau bao ngày xa cách. Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Trung tâm Hồi sức cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, anh đã nhiều lần tới thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lần chi viện này, khi bước ra khỏi sân bay, anh đã ngỡ ngàng khi trên đường không bóng người, chỉ có vài con chim đang đậu. “Đây là cú sốc đối với tôi, không hiểu chuyện gì xảy ra thế này”, bác sĩ Hùng nhớ lại.

Bác sĩ Hùng là một trong những người có mặt ở tất cả các điểm nóng Covid-19 trong hơn 1 năm qua, từ Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang và giờ là thành phố Hồ Chí Minh. Ngày đầu tiên Trung tâm Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh từ các tuyến chuyển đến, bác sĩ Hùng cho biết, giờ anh mới nhận ra, tất cả các đợt đi chống dịch từ trước đến nay chỉ giống như cuộc tập dượt. Đây mới là trận đánh đích thực. Bệnh nhân nặng rất nhiều khiến anh và các đồng nghiệp choáng váng ở khoảng thời gian đầu tiên.

“Trong thâm tâm chúng tôi luôn lo sợ liệu mình có đủ sức không. Chỉ lo có nhân viên y tế chẳng may bị lây nhiễm, công việc lại dồn cho đồng nghiệp, cứ thế thì lấy đâu ra nhân viên y tế để điều trị? Tôi không lo sợ lây nhiễm, mà chỉ sợ mình nhiễm bệnh thì công việc của mình lại dồn cho đồng nghiệp. Nhưng may mắn, sau một thời gian chúng tôi đã ổn định được và làm việc đúng theo quy trình”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

Ngày về của những “chiến sĩ áo trắng”

Trong trận chiến khốc liệt đó, bác sĩ Hùng cho biết, các nhân viên y tế hoạt động đến 300% công suất, áp lực và mệt mỏi, nhưng đều cố gắng đáp ứng đầy đủ công tác chuyên môn. Có 15 năm kinh nghiệm điều trị hồi sức cấp cứu, nhưng bác sĩ Hùng phải thừa nhận, đây là lần đầu tiên anh thấy nhiều bệnh nhân phải thở máy như vậy. “Điều giúp chúng tôi có động lực là người bệnh, gia đình họ đang chờ đợi họ về nhà. Vì vậy không có lý do gì để chúng tôi buông tay, chúng tôi cố gắng hết sức, dù chỉ 1% hy vọng chúng tôi cũng phải cố để họ được sống, được về với gia đình. Nhiều bệnh nhân, có cả gia đình là F0 khỏi bệnh đã gửi lời cảm ơn xúc động đến chúng tôi”, bác sĩ Hùng tâm sự thêm.

Đồng quan điểm trên, gần 50 ngày “đồng cam cộng khổ” cùng các đồng nghiệp từ các bệnh viện khác nhau tại tuyến đầu chống dịch tại Bệnh viện dã chiến 13, Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Ngọc Linh, Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Trưởng Đoàn công tác Bệnh viện Bưu điện chia sẻ niềm vui lớn nhất là thấy bệnh nhân được đoàn tụ cùng gia đình. Theo bác sĩ Linh, trong quá trình hỗ trợ chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh, có vất vả, nước mắt, hy sinh… có cả sự sẻ chia, giúp đỡ ấm áp tình người giữa các y, bác sĩ với người bệnh, giữa các y bác sĩ với nhau.

“Trong gian khó, thì tình người, tình đời và triết lý nhân sinh cho đi là còn mãi hiển hiện rất rõ rệt. Nhất là những niềm vui mỗi khi các y, bác sĩ và người bệnh chiến thắng bệnh dịch, được tiễn người bệnh ra viện trở về nhà. Tất cả sẽ là những ký ức chẳng thể phai nhoà đối với mỗi nhân viên y tế chúng tôi – những người đã trực tiếp tham gia chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch bệnh khốc liệt này”, bác sĩ Ngọc Linh nói.

Các bác sĩ tâm sự, đại dịch đã mang đến quá nhiều mất mát, đau thương, cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Đó là dấu lặng buồn, nhưng chính những mất mát đau thương ấy đã khiến cho con người xích lại gần nhau hơn, cùng đoàn kết, gắn bó hỗ trợ lẫn nhau để tìm cách chiến thắng dịch bệnh. Và trong cuộc chiến ấy, sự hy sinh cao cả của người thầy thuốc đã đem lại cuộc sống cho biết bao người bệnh, giúp biết bao gia đình được sum họp. Hơn 20.000 nhân lực y tế chi viện đã hoàn thành nhiệm vụ trở về, họ tự hào khi đã cống hiến một phần thanh xuân tươi đẹp vào những tháng ngày lịch sử không bao giờ quên.

Minh Khuê

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích