Ngày Trái đất 22/4: Tôn vinh, yêu thương và nâng niu “ngôi nhà chung”
Ngày Trái đất 22/4: Tôn vinh, yêu thương và nâng niu “ngôi nhà chung”
Ngày Trái đất do Liên hợp quốc phát động được tổ chức vào 22/4 hằng năm nhằm nâng cao nhận thức, kêu gọi các quốc gia, cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường tự nhiên toàn cầu. Trái đất chỉ có một, vì vậy, bảo vệ Trái đất là trách nhiệm không của riêng ai
Cùng với sự phát triển công nghiệp hóa trên thế giới thì điều đáng quan ngại nhất chính là vấn đề tàn phá môi trường và nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên gây biến đổi khí hậu. Chính vì lẽ đó ngày Trái đất được ra đời với mục đích kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ, yêu thương và phủ xanh hành tinh này.
Kể từ năm 2009, Liên hợp quốc chính thức công nhận ngày 22/4 hằng năm là Ngày Trái đất. Đây là dịp để nâng cao nhận thức và hành động của toàn nhân loại nhằm bảo vệ giá trị của môi trường tự nhiên toàn cầu.
Ngày Trái Đất ra đời là để tôn vinh, yêu thương và nâng niu hành tinh sống của chúng ta. Đây là ngày mà dù công việc có bận rộn thế nào, mọi người cũng tạm gác lại mọi công việc riêng tư để tham gia các chiến dịch ý nghĩa bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.
Chủ đề của ngày Trái đất năm 2023 vẫn tương tự 2022 là “Invest in Our Planet”, nghĩa là “Đầu tư vào hành tinh của chúng ta”. Chủ đề này nhằm truyền tải thông điệp “Để có thể vực dậy xã hội năng động, phát triển thì việc cấp thiết nhất bây giờ chính là bảo vệ Trái đất khỏi ô nhiễm, giữ một môi trường xanh, sạch, đẹp”. Đây là ngày để mỗi người “thực hiện hành động”, không chỉ vì quan tâm đến thế giới tự nhiên, mà còn vì Trái đất là ngôi nhà chung của nhân loại.
Trong ngày Trái đất, mọi người thường tuyên truyền nâng cao ý thức và vận động mọi người tham gia các phong trào chung sức bảo vệ môi trường sống như là trồng nhiều cây xanh, tiết kiệm nước sạch, sử dụng các vật dụng an toàn với tự nhiên thay vì bao bì nhựa ni lông, hạn chế lãng phí hay sử dụng quá nhiều thịt động vật nhằm hạn chế hiệu ứng nhà kính từ chăn nuôi…
Những hoạt động hưởng ứng Ngày Trái đất trên thế giới và Việt Nam
Vào ngày này thường có rất nhiều hoạt động diễn ra nhưng hoạt động ở mỗi khu vực lại khác nhau tùy thuộc vào người quản lý. Thông thường là các hoạt động dưới đây:
- Dọn vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở.
- Trồng nhiều cây xanh và sử dụng phân bón hữu cơ cho cây.
- Giảm thiểu tình trạng sử dụng xăng, dầu, các khí đốt và ưu tiên các thiết bị có năng sạch từ ánh sáng mặt trời, gió…
- Tái sử dụng các chai nhựa, túi ni lông thay vì vứt bỏ.
- Tuyên truyền ngày trái đất cho nhiều người biết đến hơn.
- Ít sử dụng điện và tiết kiệm nước sạch.
Việt Nam là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Trên cơ sở các cam kết tại COP26, Chính phủ Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế đã chính thức thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác quốc tế (JETP). Để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất năng lượng và chú trọng chuyển đổi năng lượng với một lộ trình phù hợp, vừa bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng giảm tối đa gánh nặng chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH15 ngày 29/8/2022 về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021”, cũng như Kế hoạch chi tiết số 355/KH-ĐGS 28/10/2022 về giám sát chuyên đề. Một trong những mục tiêu của cuộc giám sát là nhằm kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.
Là một người trẻ Việt Nam tiêu biểu trong công tác ủng hộ, tham gia các chiến dịch về môi trường – Hoa hậu Liên lục địa 2022 Lê Nguyễn Bảo Ngọc được tổ chức Earth Day tin tưởng giao vai trò là Đại sứ duy nhất của Ngày Trái Đất tại Việt Nam năm nay.
Cùng với Cố vấn Ngày Trái Đất tại Việt Nam Hoàng Thị Minh Hồng và tình nguyện viên toàn quốc, Hoa hậu Bảo Ngọc chính thức phát động kêu gọi mọi người hưởng ứng thông điệp Ngày Trái Đất 2023: Invest in Our Planet (Đầu tư cho Hành tinh của chúng ta).
Trước đó, Hoa hậu Bảo Ngọc đã có những hoạt động nổi bật trong vấn đề bảo vệ môi trường như trồng cây xanh tại Cà Mau trong Lễ phát động Tháng Thanh niên 2023 tại Cà Mau, Lai Châu. Hay mới đây, Hoa hậu sinh năm 2001 chia sẻ hoạt động hiện diện trong vai trò là Đại sứ chiến dịch “Ngày hội giao thông không khói cho hành tinh xanh” được diễn ra tại tỉnh Gia Lai vào ngày 16/4.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị