Ngày nhuận năm 2024, đặc biệt đằng sau hiện tượng lịch này là gì?
Năm 2024 đặc biệt, khi tháng Hai sẽ kéo dài thêm 1 ngày tức là có 29 ngày. |
Những năm như 1996, 2000, 2004, 2008, 2012, 2016, 2020 và 2024, có điểm chung: Đều là năm có ngày nhuận. Điều này có nghĩa là thay vì 365 ngày như thông thường, chúng ta có thêm một ngày, nâng tổng số ngày trong năm lên thành 366. Ngày thêm vào chính là ngày cuối cùng của tháng Hai, biến ngày 29 tháng 2 trở thành một ngày đặc biệt xuất hiện 4 năm 1 lần.
Lý do chúng ta cần thêm ngày này vào lịch là do một tính toán thiên văn học: Trái đất quay quanh Mặt trời mất khoảng 365,242199 ngày. Con số này không tròn trịa, khó áp dụng cho việc theo dõi thời gian hàng ngày, nên chúng ta đã làm tròn nó xuống còn 365 ngày. Tuy nhiên, việc làm tròn này tạo ra sự chênh lệch so với chu kỳ tự nhiên, và để điều chỉnh lại, cứ mỗi 4 năm, chúng ta lại thêm 1 ngày vào lịch.
Pháp và hầu hết các quốc gia khác trên thế giới sử dụng lịch Gregorian, chia năm thành 12 tháng với 30, 31 hoặc 28 (và đôi khi là 29) ngày. Lịch Gregorian dựa trên chu kỳ mặt trời và được coi là tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, một số quốc gia như Afghanistan, Iran, Ả Rập Saudi, Ethiopia, Nepal và cả Việt Nam lại sử dụng các loại lịch khác nhau.
Có hai quy tắc đặc biệt xác định năm có ngày nhuận: Chỉ những năm chia hết cho 4 nhưng không chia hết cho 100, hoặc những năm chia hết cho 400 mới được thêm ngày 29 tháng 2. Chính vì thế, năm 2000 là năm nhuận, còn các năm 1800, 1900, 2100, 2200 và 2300 thì không.
Ngày 29 tháng 2 có phải là một ngày đặc biệt? Câu trả lời là vừa có vừa không. Nó đặc biệt bởi sự hiếm hoi, chỉ xuất hiện 4 năm 1 lần. Nhưng không có gì siêu nhiên hay huyền bí diễn ra vào ngày này. Dù sao, đó cũng là cơ hội để chúng ta trải nghiệm và tận hưởng một ngày thêm vào cuộc sống. Hãy đánh dấu ngày 29 tháng 2 năm 2024 trên lịch của bạn và tận hưởng trọn vẹn ngày độc đáo này, bởi lần tiếp theo bạn muốn làm điều đó sẽ phải chờ đến 4 năm nữa – năm 2028.
Nguồn: Báo lao động thủ đô