Ngày Môi trường thế giới (5/6): “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”

Ngày Môi trường thế giới (5/6): “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”

Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2023 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa”.

Ngày Môi trường thế giới có tên tiếng anh là World Environment Day. Đây là ngày mà người dân trên toàn thế giới chung tay bảo vệ môi trường. Trong ngày đặc biệt này, còn là dịp để chúng ta nhìn lại những tác động xấu của con người với môi trường. 

Ngày Môi trường thế giới được tổ chức vào ngày 5 tháng 6 hàng năm và nó mang một ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Vào ngày này, Liên Hợp Quốc còn phát động giải thưởng Global 500 nhằm khuyến khích tinh thần và nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của mọi người. Giải thưởng sẽ được trao cho người có đóng góp nhiều nhất trong hoạt động bảo vệ môi trường. Có thể nói, các cấp lãnh đạo từ mọi quốc gia luôn nỗ lực không ngừng để có thể giữ Trái Đất luôn tồn tại mãi mãi. 

Nhiệm vụ và trách nhiệm bảo vệ môi trường là cả một quá trình dài và liên tục. Vì vậy, chúng ta không được phó mặc cho bất cứ 1 cá nhân nào. Hiện nay, sự phát triển của khoa học công nghệ 4.0, sự bùng nổ của sản xuất hiện đại và sự tăng trưởng nhanh của dân số thế giới. Con người đang ngày càng tàn phá môi trường và đẩy nhanh quá trình nóng lên toàn cầu. Chính vì thế, Ngày Môi trường thế giới lập ra là một ngày trọng đại. Ngày để mỗi chúng ta nhìn nhận lại những tác động xấu chúng ta đã làm, cách khắc phục và bảo vệ bền vững không gian sinh sống khổng lồ này. 

tm-img-alt
Ngày môi trường thế giới là ngày khắp thế giới chung tay bảo vệ môi trường. Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Nguồn gốc ra đời của Ngày Môi trường thế giới

Ngày Môi trường thế giới lần đầu tiên được khai mạc vào ngày 5 tháng 6 năm 1972 tại Stockholm – Thụy Điển. Sự kiện trọng đại này đã chính thức được công bố bởi Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (United Nations Environment Programme – UNEP). Kể từ năm 1972 tới nay, đã có hơn 150 quốc gia trên thế giới hưởng ứng tham gia ngày kỷ niệm có ý nghĩa to lớn này. 

Trong sự kiện này, các hoạt động bảo vệ môi trường sẽ được tổ chức trong tuần lễ quanh ngày 5 tháng 6. Lễ kỷ niệm hàng năm sẽ được tổ chức ở nhiều quốc gia khác nhau. Đây được coi là nghĩa cử đặc biệt để giúp cho người dân toàn cầu hiểu về tầm quan trọng của môi trường và công tác bảo vệ môi trường. 

Mục tiêu lớn nhất và cũng được xem là ý nghĩa nhất của ngày này là thúc đẩy mọi người thật sự hiểu được tầm quan trọng của việc giữ môi trường sạch, không ô nhiễm. Cốt yếu nhờ sự kiện này mà tạo ảnh hưởng lên toàn bộ người dân thế giới vì sự bảo vệ không chỉ một hay hai ngày mà đây là một quá trình phải được thực hiện một cách nghiêm túc liên tục. Hàng năm, các quốc gia sẽ nhận được thông điệp từ Tổng thư ký UNEP về các vấn đề như định hướng, bảo vệ môi trường xanh như thế nào,…  Sau đó, các đất nước sẽ cùng đồng lòng ký kết và đảm bảo thực hiện.

Việt Nam bắt đầu tham gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới vào năm 1982. Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa để dân tộc Việt Nam bảo vệ môi trường sống của mình. Hiện nay, Việt Nam đã có rất nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ và giữ gìn môi trường.

Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2023

Ngày Môi trường thế giới 5/6/2023 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” (Solutions to Plastic Pollution), trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution).

Thông điệp được đưa ra với mong muốn truyền tải thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên. Kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa, hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn.

Theo đánh giá của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm. Một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng một lần. Nhựa dùng một lần sau đó bị vứt bỏ hoặc đốt cháy gây hại cho sức khỏe con người, gây ô nhiễm các hệ sinh thái. Ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề mà hầu hết các quốc gia trên thế giới phải đối mặt.

Ước tính có khoảng 19 – 23 triệu tấn được thải ra hồ, sông và biển hằng năm. Microplastic là các hạt nhựa nhỏ đi vào thức ăn, nguồn nước và không khí. Ước tính mỗi người trên hành tinh có thể phải tiếp nhận hơn 50.000 hạt nhựa mỗi năm. Nhựa dùng một lần bị vứt bỏ hoặc đốt cháy gây hại cho sức khỏe con người, gây ô nhiễm các hệ sinh thái, từ đỉnh núi đến đáy đại dương.

Từ năm 2018, Liên Hợp quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người.

Kể từ đó đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường, đồng thời tăng cường tái chế, tái sử dụng và tuần hoàn chất thải nhựa.

Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2023 nhằm truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực; hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn; tăng cường tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; thực thi hiệu quả chính sách chống rác thải nhựa.

Việt Nam đứng trước không ít thách thức về ô nhiễm nhựa

Theo đó, Việt Nam đang đứng trước không ít thách thức khi vấn đề ô nhiễm trắng có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Cùng với khoảng 50% dân số cả nước sống ở các vùng đất thấp và ven biển, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng.

Theo đó, con người đang đối mặt với những vấn đề hết sức bức thiết về môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, rác thải nhựa, đòi hỏi sự hợp tác, chung tay giải quyết của các quốc gia.

Đáng chú ý, công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển và hải đảo của Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Môi trường biển có dấu hiệu bị ô nhiễm; nguồn lợi thiên nhiên, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm, khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo còn chưa hiệu quả, thiếu bền vững. Nhận thức của người dân về khai thác, sử dụng tài nguyên chưa cao, thói quen tiêu dùng sử dụng các sản phẩm nhựa một lần đã và đang đặt ra những sức ép to lớn với công tác quản lý, bảo vệ môi trường.

Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động tham mưu Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững kinh tế biển… Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi nilon sử dụng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Trong bối cảnh, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường kêu gọi các Bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hãy có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và đại dương; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích