Ngày giỗ 32 dân công hỏa tuyến hy sinh vì Tổ quốc
Ngày 7/7, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, huyện Bình Chánh cùng nhân dân xã Vĩnh Lộc A tổ chức lễ giỗ lần thứ 55 của 32 dân công hỏa tuyến xã Vĩnh Lộc, hy sinh năm Mậu Thân 1968.
Ông Trương Hòa Bình – Nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ cùng lãnh đạo TP Hồ Chí Minh thắp hương trước đài tưởng niệm.
Hàng năm, cứ đến ngày 20/5 âm lịch, lãnh đạo các cấp tổ chức ngày lễ giỗ tưởng nhớ sự hy sinh cao cả của 32 người con đất Vĩnh Lộc anh hùng. Những dân công còn sống, các cô, chú đều trở về cánh đồng bưng năm xưa, thắp nén hương tưởng nhớ đồng đội, cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm của một thời kháng chiến hào hùng.
Ông Nguyễn Hồ Hải – Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh (cánh trái) cùng ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh thắp hương tại nhà tưởng niệm 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc.
“Đêm trắng Vĩnh Lộc”
Trong đêm trắng ngày 15/6/1968 khi đoàn dân công hỏa tuyến bị phát hiện, bị trận mưa bão đạn dập vùi, chôn lấp, hy sinh mãi mãi. Nhưng vẫn còn đó những người dân công trở về từ cõi chết càng cách mạng hơn ai hết bởi họ thấm thía nỗi đau mất đồng đội, thấm thía sự bạo tàn của quân thù.
Chiến tranh đã rời xa, đất nước đã hòa bình, đổi mới và phát triển mạnh mẽ. Nhưng nữ dân công hỏa tuyến Nguyễn Thị Khỏi, vẫn không bao giờ quên về đêm kinh hoàng ấy khi 32 đồng đội của bà đã phải nằm xuống vì bom đạn của quân thù.
Bà Nguyễn Thị Khỏi một dân công có sức sống mãnh liệt đã vượt qua ranh giới của sự sống và cái chết trong gang tấc. Để hôm nay bà là một trong những minh chứng cho nghị lực phi thường của những dân công hỏa tuyến. Bà kể: “55 năm rồi, khi nhớ về đêm đó, nhớ về đồng đội là rớt nước mắt. Năm đó, tôi mới tròn 20 tuổi, đói khát dữ lắm, mấy anh em dân công nhận nhiệm vụ đi xuống tới Đức Hòa, Long An tải đạn về Sài Gòn, phục vụ chiến đấu. Khi đi về đến chính tại vị trí này thì máy bay địch gọi đèn phát hiện vì ngày xưa ở đây không có cây cối lớn toàn cỏ và dứa thôi. Chúng nó ném lựu đạn, dội rốc két càn quét, đoàn đi 55 người, đêm đó hi sinh 32 mạng. Máy bay địch vòng mấy lòng liền, cả một vùng tang hoang, có mấy anh em không nguyên vẹn thân thể vì trúng đạn nhiều quá, bị vùi dưới đất bùn. Khốc liệt lắm!
Số dân công còn sống phần bị thương rồi mất, phần sau này mất do tuổi tác, còn lại chỉ có mấy người thôi. Người còn sống, ở lại nhưng mang bên mình ký ức rất đau đớn. Nhưng mà do chiến tranh, đồng đội mình hi sinh tất cả vì đất nước, giờ thì mình cố gắng làm được gì thì làm cho người đã nằm xuống lẫn người còn sống”.
Ông Phạm Văn Lũy – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh phát biểu: “Cái chết kiên cường, anh dũng của những người con gái, con trai của quê hương Vĩnh Lộc anh hùng đã minh chứng cho lời thề chung: “Dù núi Trường Sơn có chuyển mình, sông Cửu Long có dậy sóng, thề cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh, không có gì quý hơn độc lập tự do”. Sự kiện “32 Dân công hỏa tuyến” là bài học sáng mãi trong trang sử đấu tranh cách mạng hào hùng của quân và dân Bình Chánh, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam”.
Sự kiện 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc hy sinh năm Mậu Thân 1968
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân năm Mậu Thân 1968 có hàng trăm nam, nữ thanh niên ở ấp Tân Hòa 1, ấp Tân Hòa 2 và ấp Thái Hòa, xã Vĩnh Lộc đã hăng hái tham gia đoàn Dân công do Cấp ủy xã và Chi bộ các áp cùng các cơ sở cách mạng nòng cốt tổ chức. Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc tuy có tuổi đời rất trẻ nhưng không ngại hiểm nguy gian khó, luôn sẵn sàng hy sinh khi nhận nhiệm vụ được giao.
Đêm ngày 15/6/1968 (nhằm ngày 20 tháng 5 Âm lịch), đoàn Dân công Tân Hòa II tập trung tại ngã tư Tân Hòa I cùng với đoàn dân công Tân Hòa I, tổng số dân công của hai đoàn là 55 người, trong đó có 1 đồng chỉ du kích có vũ trang dẫn đường, 1 thanh niên tòng quân nhận nhiệm vụ đưa 2 thương binh của Sư đoàn 9 vượt đồng bưng xuống Đức Hòa, Long An và từ đó tải đạn về Sài Gòn.
Khi đoàn dân công đi đến góc bưng của kinh Lăng Cát thì bất ngờ phát hiện địch pha đèn rọi sáng cả một vùng, chúng phát hiện ra đoàn dân công và bắn xối xả vào đội hình. Trận oanh kích ác liệt bằng rốc kết đã tước đi sinh mệnh của 32 dân công hỏa tuyến gồm 25 nữ, 7 man (trong 32 dân công hy sinh có 1 đồng chí du kích dẫn đường có vũ trang, 1 thanh niên gia đình cách mạng nhập ngũ đi cùng đoàn dân công). Ngoài ra, trong ngày lịch sử đó còn có 2 đồng chí thương binh của Sư đoàn 9, 23 người được trở về cùng gia đình gồm 16 nữ và 7 nam, trong số đó có nhiều anh, chị, em bị thương…
Đêm hôm ấy, Chính quyền cách mạng và người dân, nhất là những gia đình có con em tham gia dân công “ruột thắt gan bào” nhưng vì ở trong vòng “ấp chiến lược” nên phải chờ đến khi hừng sáng, thân nhân của những dân công bí mật ra vùng trắng nhìn thấy xác nằm ngổn ngang nhưng chưa thể đem con em mình về, vì sáng hôm ấy giặc tiếp tục cho trực thăng vào dò xét và ra sức chiêu dụ bà con Vĩnh Lộc “đừng nghe theo lời Việt cộng mà đi dân công nữa”, nếu đồng ý chúng sẽ “cho ra bưng lấy xác con em mình về, đồng thời điều trị cho những người bị thương”. Bà con Vĩnh Lộc cũng “đành ừ” để được lấy xác con em về chôn cất. Những người dân Vĩnh Lộc ngoài miệng thì ừ “đừng theo Việt cộng” nhưng trong lòng luôn nhớ “Con ra thưa với Bác Hồ/Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao”.
Khu Di tích Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc Mậu – Thân 1968 đã được UBND TP Hồ Chí Minh xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Thành phố theo Quyết định số 119/2005/QĐ-UBND ngày 12/7/2005.
Năm 2010, ghi nhận sự hy sinh bất khuất ấy. Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho tập thể 32 Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc.
Ngoài bia tưởng niệm, chân dung và bằng tổ quốc ghi công từng liệt sĩ của đội dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc năm ấy được người dân địa phương gìn giữ cẩn thận, nhang khói nghi ngút.
Khởi nguồn từ một ngôi miếu nhỏ, sau nhiều lần tôn tạo, hiện nay Khu di tích Dân công hỏa tuyến hy sinh Mậu Thân 1968 xã Vĩnh Lộc A đã trở nên khang trang với khuôn viên rộng gần 10.000m2. Phía trước nhà tưởng niệm là tượng đài cao 3m biểu tượng cho hình ảnh những người chiến sĩ dân công hỏa tuyến đi tải đạn.
Sự hy sinh của đoàn dân công Vĩnh Lộc mãi mãi là tấm gương sáng ngời là niềm tự hào trong trang sử chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta.
Tại lễ giỗ, ông Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, huyện Bình Chánh đã gửi lời động viên, thăm hỏi và trao tặng quà đến các dân công, gia đình của các dân công đã hy sinh.
Nguồn: hoanhap.vn